Tại buổi làm việc,òaBìnhcầntiếptụccảithiệnmôitrườngđầutưasenal vs mu Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao Hòa Bình đã phát triển cây ăn quả, cây có múi, mía tím, rau an toàn và nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao.... Hòa Bình giàu tài nguyên để phát triển công nghiệp, xi măng và có lợi thế du lịch; thu hút được nhiều dự án đầu tư, tạo tiền đề cho sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở Hòa Bình còn cao so với bình quân cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh còn hạn chế, tỷ lệ doanh nghiệp trên đầu dân còn thấp (khoảng 315 người/doanh nghiệp). Vì vậy, Hòa Bình cần quyết tâm để phát triển kinh tế, xã hội, du lịch; tập trung mọi nỗ lực để hoàn thành nghĩa vụ về kinh tế, ngân sách của 2017; sớm triển khai kế hoạch thu, chi trong năm 2018, trên tinh thần tích cực và có những giải pháp đột phá mạnh mẽ; bám sát các nghị quyết của Trung ương và chương trình hành động của Chính phủ. Hòa Bình cần nhanh chóng kiện toàn hệ thống chính trị, tinh giản biên chế, tập trung củng cố hệ thống chính quyền cơ sở nhất là các đơn vị sự nghiệp công; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thêm doanh nghiệp; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng đến thôn, bản để phát triển nông thôn mới và tập trung vào công nghiệp để giải quyết lao động, tăng thu ngân sách... Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, trong 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 7,88%, trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,27%; công nghiệp, xây dựng tăng 10,68% (trong đó, công nghiệp tăng 11,09%); dịch vụ tăng 7,79%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3.382 tỷ đồng, tăng 3,75% cùng kỳ, bằng 42% kế hoạch năm. Tổng diện tích gieo trồng vụ chiêm xuân là 69,5 nghìn ha. Diện tích cây ăn quả có múi đạt hơn 6,69 nghìn ha... Chỉ số sản xuất công nghiệp ước đạt 9,69%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, tăng 15,91%, bằng hơn 50% kế hoạch năm; có 25 dự án đầu tư trong nước quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 2.229 tỷ đồng, nâng tổng số dự án lên 450 dự án, trong đó có 68 dự án đầu tư trong khu công nghiệp. Giá trị xuất khẩu ước đạt hơn 253 triệu USD, tăng 52,24% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt hơn 214 triệu USD; có 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới trên tổng số 191 xã... Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.368 tỷ đồng, bằng 51% dự toán Chính phủ giao; tổng chi ngân sách ước đạt 4.455 tỷ đồng, bằng 51% Chính phủ giao... Có 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 37,9%; tỷ lệ hộ nghèo 20,94%, tỷ lệ hộ cận nghèo 13,77%. Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tới thăm mô hình Hợp tác xã nông nghiệp và Thương mại Mường Động; kiểm tra điểm giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội tại xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi (Hòa Bình). Phó Thủ tướng ấn tượng với cách làm bài bản của hợp tác xã; bám sát Luật Hợp tác xã năm 2012, chăm lo cung ứng dịch vụ vật tư đầu vào và kết nối với tiêu thụ sản phẩm (đầu ra). Hợp tác xã đã kết nối với doanh nghiệp để cung cấp vật tư, nhất là phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật với giá rẻ hơn và chất lượng đảm bảo (điều mà từng hộ nông dân đơn lẻ không thể làm được); kết nối được với 2 doanh nghiệp để đưa hàng hóa vào siêu thị, thị trường Hà Nội, các vùng phụ cận. Hiện cả nước mới có 11% hợp tác xã thực hiện cung cấp được dịch vụ và sản phẩm đầu ra cho nông dân, số còn lại chỉ cung cấp được đầu vào. Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Hợp tác xã Mường Động mới thành lập được một năm nhưng đã tổ chức rất bài bản, khoa học và nhân văn, vươn tầm cả nước và xa hơn nữa. “Các đồng chí thậm chí hy sinh thu nhập của mình trong một vài năm đầu để lo cho bà con, lo cho cộng đồng. Tính nhân văn nữa là các đồng chí muốn giới thiệu văn hóa của tỉnh Hòa Bình đối với các vùng miền quê của đất nước thông qua những sản phẩm cây có múi đặc sản của tỉnh. Tôi thấy ý nghĩa đó rất lớn lao”, Phó Thủ tướng nhận xét. Đồng tình với các kiến nghị của Hợp tác xã, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, tiếp thu ý kiến Hợp tác xã trong việc sửa đổi Nghị định 193/2013/NĐ-CP quy định một số điều của Luật hợp tác xã, Chính phủ sẽ nới tỷ lệ cung ứng dịch vụ của hợp tác xã ra bên ngoài từ 30% lên 50%. Nếu Hợp tác xã Mường Động muốn nâng tỷ lệ cao hơn nữa, có thể nghiên cứu thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã, hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Chính phủ đã có quy định quỹ trung ương có số dư ít nhất 1.000 tỷ đồng, hiện đang cấp vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng và sẽ có hướng dẫn thành lập các quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương mà một trong những chức năng chính là bảo lãnh để các hợp tác xã có thể đi vay vốn của ngân hàng. Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để có thủ tục đơn giản nhất, có hình thức tín chấp, thế chấp thuận lợi nhất để bà con tiếp cận được tín dụng. Hiện có tình trạng các tài sản trên đất của hợp tác xã (trừ nhà) chưa được xác lập quyền sở hữu để tín chấp vay vốn như nhà lưới, nhà kính… Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm cây trồng vật nuôi, có lưới an toàn, mua bảo hiểm để chia sẻ rủi ro, ban hành trong khoảng cuối năm 2017, đầu năm 2018; sửa đổi, bổ sung Nghị định 210/2013/NĐ-CP để tạo lập bộ chính sách đủ mạnh, khuyến khích các doanh nghiệp kết nối với hợp tác xã, đầu tư vào khu vực nông nghiệp và nông thôn đủ mạnh. Phó Thủ tướng cho biết, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đang quyết liệt sơ kết 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 để bổ sung, sửa đổi, đưa chính sách vào cuộc sống. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Hòa Bình nghiên cứu các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, hợp tác xã; Sở và Bộ Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện cho Hợp tác xã Mường Động tham gia quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ để nhân rộng mô hình của hợp tác xã. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Hòa Bình nghiên cứu kỹ mô hình của Hợp tác xã Mường Động để nhân rộng ra trong tỉnh và cả nước. Phó Thủ tướng mong muốn Hợp tác xã Mường Động phát triển nhanh, bền vững; phong trào phát triển hợp tác xã gắn với tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình trở thành phong trào mạnh trong cả nước. Về phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có 194 điểm giao dịch xã, 2.872 tổ tiết kiệm vay vốn, số hộ vay vốn là 106.230 hộ với tổng dư nợ 2.658 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã đi vào cuộc sống, trợ giúp tốt cho bà con xóa đói, giảm nghèo. Nợ xấu chỉ ở mức 0,14%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là 0,6%. Ông Thắng đề nghị Chính phủ tăng trưởng thêm nguồn lực cho vay vốn chính sách và bố trí nguồn cho chương trình cho vay vốn hộ đồng bào dân tộc, theo tính toán, số vốn cần có là trên 8.000 tỷ đồng. Theo TTXVN |