PV:Thưa ông, ông đánh giá thế nào về triển vọng thu hút FDI của Việt Nam năm 2024?
Ông Nguyễn Văn Toàn:Để đánh giá về triển vọng của năm 2024, cần nhìn lại một số điểm nhấn của năm 2023. Thứ nhất là năm 2023 chúng ta nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, điều này tác động mạnh mẽ đến quan hệ kinh tế giữa hai nước nói chung và đặc biệt là dòng đầu tư từ Mỹ nói riêng. Thứ hai là Trung Quốc đang chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt với Việt Nam. Năm 2023, lượng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam rất lớn. Thứ ba nữa là tình hình địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine và gần đây nhất là Israel - Hamad ảnh hưởng đến thương mại, đến luồng đầu tư của thế giới, và ảnh hưởng gián tiếp tới Việt Nam. Cuối cùng, điểm nhấn hết sức quan trọng là Việt Nam tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, mang lại cho Việt Nam cả cơ hội tốt và thách thức trong thu hút FDI. Với những sự kiện như vậy, có thể nói rằng năm 2024 chúng ta đang đứng trước thời cơ mới, không phải thời cơ để chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài về số lượng nữa mà để thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Như chúng ta đã thấy, năm qua các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn lớn đến thăm Việt Nam khá tấp nập, từ Mỹ, EU, Hàn Quốc… PV: Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút vốn FDI đến 2030 được ban hành năm 2019 và đã được Chính phủ tập trung chỉ đạo triển khai. Tuy nhiên, kết quả chưa được như kỳ vọng. Theo ông, đâu là những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện nghị quyết này? Ông Nguyễn Văn Toàn:Khi triển khai Nghị quyết 50 , chúng ta có 2 thách thức lớn. Một là chưa gặp được thời cơ thích hợp, hai là chưa có sự chuẩn bị đầy đủ. Muốn mời khách quý đến và giữ chân họ thì phải có sự chuẩn bị, tiếp đón tương xứng. Nghị quyết 50 ra đời thì liền sau đó dịch Covid xảy ra khiến tất cả đều khó khăn. Chúng ta vừa phải lo đối phó dịch bệnh, an sinh xã hội vừa phải tập trung vực dậy doanh nghiệp đang lao đao, nên sự chuẩn bị càng khó. Muốn đón được dòng vốn nhiều, chất lượng cao thì đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải được nâng cấp, môi trường đầu tư phải được cải thiện, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào để tham gia các dự án công nghệ cao. Đặc biệt là phải chuẩn bị tâm thế và tư thế của doanh nghiệp Việt. Nếu doanh Việt Nam không mạnh lên thì không thể tham gia vào chuỗi của họ. Rõ ràng chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ chứ không phải chờ họ bê tất cả các thứ đến, chỉ mượn mỗi địa điểm và cơ chế về thuế. Tiếc là thời gian qua chúng ta vật lộn với Covid và mất nhiều thời gian để phục hồi, hiện nay doanh nghiệp chồng chất những khó khăn trước mắt, nên khó mà nghĩ đến dài hơi. PV:Ông vừa nói áp dụng thuế tối thiểu cũng là cơ hội cho thu hút FDI. Cơ hội này phải khai thác như thế nào, thưa ông? Ông Nguyễn Văn Toàn: Tốt ở chỗ Việt Nam hiện đang tham gia đến 17 hiệp định thương mại tự do, có nền kinh tế hội nhập ở mức cao, nên khi tham gia chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có một số lợi thế. Một là tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Là nước tiếp nhận lượng FDI khá lớn, bài toán khắc phục tình trạng chuyển giá, trốn thuế là rất khó giải quyết. Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ cơ bản khắc phục việc chuyển giá. Hai là từ nguồn thu này chúng ta có điều kiện thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài theo định hướng mà chúng ta mong muốn. Việc áp thuế tối thiểu có thể tạo khó khăn trước mắt khi muốn giữ chân nhà đầu tư, nhưng lại có thế là lợi thế lâu dài khi chúng ta triển khai tốt các chính sách mới hiệu quả hơn, bền vững hơn mà không phải chạy đua bằng ưu đãi thuế. Chẳng hạn như đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, dành một phần đầu tư công tương xứng để nâng cao chất lượng nhân lực, song song với nâng cấp cơ sở hạ tầng,… Đây là một cú hích hết sức quan trọng mà chúng ta bắt buộc phải làm, ngay trong năm 2024 chứ không thể chần chừ hơn. PV: Chính phủ hiện đang xây dựng dự thảo nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác. Ông có đề xuất gì về chính sách này? Ông Nguyễn Văn Toàn: Để hỗ trợ các nhà đầu tư sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, theo tôi có 2 cách. Thứ nhất là hỗ trợ trực tiếp, ví dụ khi họ xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển, những dự án đổi mới sáng tạo thì mình hỗ trợ trực tiếp cho họ theo chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó là hỗ trợ về hạ tầng, ví dụ giải phóng mặt bằng hay mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực cho họ... Cách hỗ trợ này không vi phạm luật chơi quốc tế. Cách hỗ trợ nữa, mà chúng ta đã nói nhiều, là hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia làm công nghiệp phụ trợ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ như: Samsung cần một công nghệ mới, thì Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phần tiền mua công nghệ đó để doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi này. Hiện nay đang có tồn tại một suy nghĩ là doanh nghiệp làm các sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo tôi, doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ là một phần, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn hoàn toàn có thể bắt tay và tham gia vào phân khúc này. Như vậy, Chính phủ có thể trích từ Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để vừa hỗ trợ các doanh nghiệp FDI vừa có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để nâng cao được vị thế, gia tăng liên kết và tham gia được sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. PV:Xin cảm ơn ông!
|