Ngành công nghiệp quan trọng của đất nước Sáng 9/11, tại khuôn khổ hội thảo "Phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam hiện đại và bền vững", Thạc sĩ Lê Văn Tới - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã có bài tham luận, trong đó, nêu rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, ông cũng nêu ra nhiều kiến nghị, giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp vật liệu xây dựng phát triển hiện đại và bền vững. Đánh giá về đóng góp to lớn của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, Thạc sĩ Lê Văn Tới cho biết: "Ngay từ khi được thành lập vào năm 1958, ngành xây dựng nước ta đã xác định vật liệu xây dựng là một lĩnh vực quan trọng. Tuy nhiên, do chiến tranh, do cơ chế chưa phù hợp, lĩnh vực này đã nhiều năm không được phát triển. Cho tới khi có chính sách đổi mới, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, lĩnh vực vật liệu xây dựng có thể nói đã cất cánh và trở thành một ngành sản xuất phát triển, đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước".
Trải qua gần 40 năm đổi mới, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đã có bước phát triển đột phá trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đó là sản lượng, chất lượng các sản phẩm vật liệu xây dựng không ngừng được nâng cao; nhiều công nghệ mới, tiên tiến, thiết bị hiện đại ngang tầm với thế giới và khu vực được đầu tư; đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật, quản lý kinh tế và maketing không ngừng tăng lên; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường từng bước được thay thế bằng các dây chuyền công nghệ tiên tiến, đồng bộ...làm thay đổi bộ mặt của ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Vật liệu xây dựng Việt Nam từ chỗ không đáp ứng được nhu cầu trong nước, tiến đến đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và có dư để xuất khẩu. Trách nhiệm đối với việc giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm, tiết kiệm tài nguyên, phát triển sản phẩm vật liệu xây dựng thân thiện đã được đặt ra và đã có một số giải pháp, chế tài được thực hiện. Có thể thấy, trong giai đoạn 1986 – 2009 cung không đủ cầu, còn giai đoạn 2010 đến nay, cung đã vượt cầu và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách mạnh mẽ nhằm tăng cường sản xuất sạch và cho ra những sản phẩm vật liệu xây dựng thân thiện. Thành tựu điển hình là vào năm 2010, lần đầu tiên Việt Nam đã sản xuất đủ xi măng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và bước đầu đã xuất khẩu. Cả nước nhập khẩu 1 triệu tấn clinke tại khu vực phía Nam và xuất khẩu 1,2 triệu tấn sản phẩm xi măng (bao gồm xi măng và clinke) tại khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam thẳng thắn thừa nhận những khó khăn mà ngành công nghiệp này đang gặp phải. "Từ năm 2023 đến nay, trước tình hình thế giới có nhiều "rủi ro và bất ổn kéo dàI" (nhận định trong Báo cáo tình hình kinh tế thế giới 2023 của Liên hợp quốc)'; thị trường bất động sản cả nước trầm lắng; giá nguyên vật liệu tăng cao; tình hình sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng lại đang gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã phải dừng toàn bộ hoặc một phần cơ sở sản xuất, thua lỗ kéo dài, tình trạng nợ xấu tăng cao. Niềm tin vào kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành đang xuống mức báo động. Các doanh nghiệp phải gồng mình để vượt qua thời điểm khó khăn này", ông Tới nói. Nhiều kiến nghị, giải pháp được đưa ra Để gỡ khó cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, giúp ngành này phát triển hiện đại, và bền vững, đại diện Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, Thạc sĩ Lê Văn Tới đã đề xuất nhiều kiến nghị. Cụ thể như sau: Để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, ông Tới cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục triển khai chính sách giảm lãi suất vốn vay, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí tài chính. Đồng thời, cần giảm thuế suất xuất khẩu cho các mặt hàng vật liệu xây dựng như clinke xi măng và đá ốp lát tự nhiên để khuyến khích xuất khẩu. Bên cạnh đó, tăng giải ngân vốn đầu tư công sẽ giúp kích cầu nhu cầu vật liệu xây dựng. Về lâu dài, Chính phủ cần duy trì và tăng cường chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ mới, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại cũng như cải tiến công nghệ. Ngoài ra, cần thúc đẩy việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, khuyến khích sử dụng rác thải sinh hoạt làm nhiên liệu thay thế sản xuất vật liệu xây dựng. Đặc biệt, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu và đề xuất cơ chế ưu tiên sử dụng cát nhân tạo trong công trình xây dựng, có quy hoạch vùng khoáng sản để làm cát nhân tạo.
Về phía Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cần tăng cường kết nối giữa các hội, hiệp hội trong ngành vật liệu xây dựng để thúc đẩy sự hợp tác, giao lưu và chia sẻ thông tin. Ngoài ra, Tổng hội cần hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thiết kế và nhà thầu xây dựng sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện. Đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, để đối phó với thách thức hiện hữu, cần tập trung dự báo thị trường và nắm bắt cơ hội, phản ứng linh hoạt trước những biến động; tập trung vào chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá sản phẩm để tăng sức cạnh tranh. Thực hành tiết kiệm, tìm kiếm thị trường mới và tăng cường xúc tiến thương mại cũng là những biện pháp quan trọng. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh. Đầu tư vào công nghệ để tự động hóa sản xuất và cải thiện năng suất. Hợp tác đầu tư với các đối tác trong và ngoài nước để chia sẻ công nghệ và nguồn lực. Tăng cường đoàn kết nội bộ để tạo dựng sức mạnh tập thể, đối phó với thách thức và thúc đẩy phát triển ngành. Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam sẽ nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong việc tham gia hoàn thiện các chính sách phát triển vật liệu xây dựng cũng như các lĩnh vực liên quan đến phát triển vật liệu xây dựng; kết hợp chặt chẽ với Tổng hội xây dựng Việt Nam, các hội, hiệp hội liên quan; sát cánh cùng các doanh nghiệp trong ngành để góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp vật liệu xây dựng nước nhà cũng như các doanh nghiệp vật liệu xây dựng phát triển bền vững. "Chúng ta đáng tự hào với những bước tiến của ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Mỗi một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đều đã có những đóng góp chung và trên hết là sự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Bằng năng lực và kinh nghiệm của mình, tăng cường hợp tác, phát huy sáng tạo, cùng với tinh thần vươn lên, chúng ta nhất định sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp, đóng góp ngày một nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước", Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam khẳng định. |