Mặc dù tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã thắng cuộc và tuyên thệ nhậm chức,ủtướngIsraelđứngtrướcmunvnkhkhău19 napoli tuy nhiên, không ít khó khăn mà ông và chính phủ mới đang phải đối mặt.
Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett. Ảnh: THE INDEPENDENT
Ngày 13-6, tại phiên họp đặc biệt của Quốc hội Israel (Knesset), chính phủ liên minh mới đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với tỷ lệ ủng hộ sít sao là 60 phiếu thuận và 59 phiếu chống. Chỉ duy nhất một nhà lập pháp trong tổng số 120 thành viên Knesset đã bỏ phiếu trắng là nghị sĩ Said al-Harumi đến từ đảng Danh sách Arập thống nhất thân Palestine.
Việc tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett nhậm chức đã chấm dứt 12 năm cầm quyền liên tục kể từ năm 2009 đến nay của ông Benjamin Netanyahu. Ông Bennett, lãnh đạo đảng Yamina, một trong những nhân vật chủ chốt của liên minh “cải cách”, đã tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo chính phủ thay cho ông Netanyahu ngay sau đó.
Tuy nhiên, đằng sau chiến thắng từ cuộc đua vào ghế tổng thống, ông Bennett và chính quyền của ông phải đối mặt với muôn vàn khó khăn cả đối nội và đối ngoại. Theo đó, kể từ khi tranh cử, cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố, Israel sẽ có một “chính phủ yếu kém”. Cựu Thủ tướng nhấn mạnh, ông Bennett “không có vị thế toàn cầu và uy tín” để chống lại kẻ thù không đội trời chung của nhà nước Do Thái là Iran. Đồng thời, ông Netanyahu cảnh báo đảng của ông sẽ quay trở lại chiếc ghế quyền lực “sớm hơn mọi người nghĩ”. Mặt khác, cá nhân ông Netanyahu và chính phủ đều dính với bê bối tham nhũng. Điều này cũng đồng nghĩa với sự bất đồng trong nội bộ ở quốc gia Trung Đông này ngày càng gay gắt và ác liệt hơn.
Về đối ngoại, sau 12 năm cầm quyền, cựu Thủ tướng Netanyahu đã để lại cho chính quyền đương nhiệm “di sản 3 không” gồm: không Nhà nước Palestine, không trả lại Cao nguyên Golan cho Syria và không thảo luận về quy chế tương lai của Jerusalem và chính sách cứng rắn với Iran. Từ đó, dẫn đến các cuộc giao tranh liên tục giữa Israel với Palestine và một số quốc gia Trung Đông. Điều này sẽ là trở lực không nhỏ đối với chính quyền của Thủ tướng mới Naftali Bennett.
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi lời chúc mừng ông Bennett, ông Lapid và nội các mới của Israel. Người đứng đầu Nhà Trắng bày tỏ mong muốn cùng tân Thủ tướng Israel tăng cường mối quan hệ “gần gũi và lâu bền” giữa hai nước. Tuy nhiên, Tổng thống Biden đang vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ các thành viên Dân chủ trong Quốc hội về cách tiếp cận của ông đối với tình trạng bạo lực gần đây ở Dải Gaza. Những người chỉ trích thúc giục ông nên thể hiện mối quan tâm nhiều hơn đến các quyền của người Palestine. Các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng gần đây giữa Israel và lực lượng Hamas bị cáo buộc đã giết hại ít nhất 213 người Palestine và 12 người Israel đã thiệt mạng tính đến hôm 18-5. Chính quyền ông Biden cũng bị cho là đã ngăn chặn các nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra tuyên bố chung, kêu gọi các bên ngừng bắn và chấm dứt bạo lực.
Trong khi đó, người Palestine không tỏ ra hào hứng trước sự thay đổi chính quyền ở nước láng giềng. Họ dự đoán, ông Bennett, cựu Bộ trưởng Quốc phòng chủ trương sáp nhập các phần chiếm đóng ở Bờ Tây vào lãnh thổ Israel, sẽ theo đuổi chương trình nghị sự cánh hữu giống như người tiền nhiệm Netanyahu.
Mặt khác, dù là đồng minh của Mỹ, nhưng Israel lại gây bất đồng với nhiều quốc gia lân cận ở Trung Đông trong cuộc chiến giành chủ quyền ở Dải Gaza. Đại diện Iran tại Liên Hiệp Quốc Shahrokh Nazemi đã phản ứng lại những tuyên bố của cựu chỉ huy tình báo Israel về việc ám sát các nhà khoa học hạt nhân Iran.
“Sự vô pháp luật này lên tới mức một cựu quan chức tình báo của Israel đã đe dọa các nhà khoa học hạt nhân của chúng tôi bằng cái chết. Điều này không thể tha thứ được”. Ông Nazemi cũng cáo buộc Tel Aviv đã tiến hành các hành động phá hoại chương trình hạt nhân của Iran trong hơn 10 năm qua, kể từ vụ tin tặc tấn công cơ sở hạt nhân Natanz hồi năm 2010 khiến nhiều máy ly tâm đặt tại đây với mục đích làm giàu uranium bị phá hủy. Nếu không được xoa dịu kịp thời những mâu thuẫn này dễ dẫn đến chiến tranh giữa Iran và Israel trong tương lại.
Theo thỏa thuận liên minh, ông Bennett, 49 tuổi sẽ giữ chức thủ tướng trong 2 năm tính từ thời điểm hiện tại. Ông Lapid, 57 tuổi sẽ kế nhiệm ông Bennett trong 2 năm tiếp theo, kể từ năm 2023. |
HN tổng hợp