Khát khao cống hiến
Theo ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình: Các DN tư nhân khi thành lập đều rất tâm huyết, khát khao làm giàu cho mình và cống hiến đất nước bằng những hiệu quả từ kinh doanh. Nhưng những đóng góp của khu vực này chưa thực sự được ghi nhận. Vì thế, đến nay, với việc ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển kinh tế tư nhân, cộng đồng DN khu vực tư nhân thực sự xúc động khi được Đảng và Nhà nước đánh giá cao và ghi nhận vị thế của khu vực này. Ông Tiền cũng nhấn mạnh, có nhiều vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân, trong đó quan trọng nhất là cơ chế và chính sách có đúng, có tốt thì mới khuyến khích cho DN và nhờ đó DN tư nhân mới phát triển được và chính sách thiết kế cho khu vực này cần phải nhìn xa trông rộng hơn. Liên quan đến những khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế tư nhân, doanh nhân này cũng cho rằng, chi phí cho an sinh xã hội của DN đang rất lớn, lên tới 30% tổng chi phí của DN, chi phí XK hàng hoá cũng lên tới 23% trong khi theo nghiên cứu của World Bank, chi phí này ở các nước chỉ là 10%. Vì thế, tới đây cần nâng cao chất lượng chính sách, việc thực thi chính sách, đồng thời mọi rào cản cho kinh tế tư nhân phải được phá dỡ để cải thiện môi trường kinh doanh cho kinh tế tư nhân phát triển. Nhận thức rằng còn nhiều chi phí không chính thức, chi phí lãi vay, logistics cản trở DN, Chính phủ cũng đã cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí, tất cả các ngân hàng phải giảm lãi suất. Theo đó, hiện nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã công bố lãi suất tối thiểu các ngân hàng đã giảm 0,5%, đồng thời hàng loạt các chi phí khác được xem xét cắt giảm. Liên quan đến môi trường kinh doanh, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần này, dẫn câu chuyện hơn 3 tỷ USD được chuyển sang Mỹ mua nhà đất đang làm nóng dư luận, ông Don Lam, Chủ tịch Quỹ đầu tư VinaCapital băn khoăn liệu có phải các doanh nhân chưa yên tâm, rủi ro kinh doanh còn lớn và để giữ dòng vốn này ở lại, kêu gọi thêm được các nhà đầu tư trong nước, chúng ta cần phải làm gì? Từ câu chuyện này, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có những điều phải suy nghĩ, đơn cử như vấn đề lãi suất USD bằng 0% hiện nay. Thủ tướng cho rằng, ngành ngân hàng nên quan tâm để có chính sách thu hút nguồn lực trong dân, cần hình thành chiến lược để đảo chiều dòng tiền nhằm thu hút nguồn vốn vào phát triển đầu tư. Lấy dẫn chứng quỹ đầu tư VinaCapital ban đầu chỉ với số vốn 10 triệu USD, nay lên tới 3 tỷ USD, Thủ tướng cho rằng cần làm sao để môi trường kinh doanh tốt hơn nữa để thu hút thêm các quỹ đầu tư vào Việt Nam. Phấn đấu đóng góp 50–60% GDP Tại diễn đàn lần này, phát triển lĩnh vực nông nghiệp là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều DN cũng như Chính phủ, các bộ, ngành. Nhiều ý kiến cho rằng, do còn nhiều rào cản, khó khăn nên hiện chỉ có 1% DN (tương đương với 5.000 DN) đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là những bất cập về vấn đề hạn điền, theo đó, các DN đề nghị cần tổ chức lại sản xuất và có chính sách thương mại cho nông nghiệp. Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giống Thái Bình cho rằng, trước đây chúng ta chưa đủ ăn, chưa hội nhập, chưa có trình độ khoa học, công nghệ, chưa có nhiều doanh nhân, DN như bây giờ, còn hiện nay các yếu tố này đang hội tụ, do vậy đề nghị Chính phủ cần quan tâm tới hệ thống sản xuất gắn với thị trường vì đã đến lúc cần sản xuất theo yêu cầu thị trường. Ông Trần Mạnh Báo cũng cho rằng, trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cần lấy DN làm chủ thể như yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 5 đã đề ra, chỉ có như vậy mới phát triển được nền nền nông nghiệp nói riêng, kinh tế của đất nước nói chung. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, yếu tố thị trường nông sản hiện nay còn hạn chế, không có chính sách định hướng, không xác định được thị trường trọng tâm, trọng điểm, bất hợp lý. Hơn nữa, nông sản Việt Nam không lấy hiệu quả kinh doanh làm thước đo và thiếu quảng bá. Nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ cần ban hành chương trình hành động quốc gia, hình thành các vùng canh tác chế biến kiểu mẫu tới việc chuẩn hóa đầu ra, đồng thời bỏ quota về XK nông sản… Tại diễn đàn, nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi quy định về hạn điền, Thủ tướng cũng cho biết hiện có nhiều địa phương phía Bắc đã thành công trong chuyển đổi hạn điền như Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình. Việc sửa đổi hạn điền nhưng quyền của người nông dân vẫn được đảm bảo, đó là một cách làm phù hợp, không phải chờ sửa luật. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, về vốn đầu tư cho nông nghiệp, Chính phủ đã có chủ trương dành khoản tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp, tuy nhiện hiện giải ngân mới chỉ đạt 20.000 - 30.000 tỷ đồng, chứng tỏ thủ tục còn nhiều vướng mắc. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng cần làm tốt hơn vấn đề này. Trước những vấn đề được DN tư nhân đặt ra tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chìa khóa tăng trưởng kinh tế Việt Nam nằm ở kinh tế tư nhân. Chính phủ vẫn luôn nhất quán với mục tiêu đã đặt ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng DN, bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, phù hợp với các nguyên tắc của WTO, các hiệp định song phương cũng như cam kết của Chính phủ. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, Chính phủ kiến tạo và hành động thì DN tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. DN tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỉ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên từ 50–60% GDP. Về phía DN, DN nên đặt tầm nhìn xa hơn ra thế giới, từ đó, tập trung sản xuất, hoạt động trong các lĩnh vực mà thế giới có nhu cầu lớn và thường xuyên như nông nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng, du lịch… thay vì tình trạng phổ biến hiện nay là chỉ chú trọng phục vụ các DN lớn khác của Việt Nam dưới dạng nhà cung cấp hoặc nhà thầu phụ với giá trị gia tăng thấp. Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương liên quan cần lắng nghe và đối thoại định kỳ tại các diễn đàn với các khu vực DN tư nhân Việt Nam, giải quyết kịp thời những vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý những vấn đề dài hạn; luôn đồng hành với DN, xem những khó khăn của DN là khó khăn của bộ, ngành mình. Dẫn lại lời của đại văn hào Mark Twain “20 năm về sau bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn làm. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn”, Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế tư nhân Việt Nam hãy ra khơi mạnh mẽ hơn, đồng thời khẳng định, Chính phủ đang đặc biệt lắng nghe, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân và thời gian qua không ngày nào Chính phủ không có tiếp xúc với DN. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho biết, đây chính là nguồn động viên cổ vũ để DN tư nhân Việt Nam thêm nhiệt huyết, thêm tinh thần để vươn ra biển lớn. Đồng thời, cộng đồng DN tư nhân cam kết, ngoài tăng tốc độ tăng trưởng của DN, kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ quyết tâm để tăng tỷ trọng đóng góp trong nền kinh tế quốc dân lên 60% như mục tiêu Chính phủ đề ra. |