Tiếp theo Chương trình Diễn đàn Tổng Biên tập 2024: “Báo chí giải pháp - Hướng đi cho báo chí truyền thống?áochíhãytạoranhữngcâuchuyệntíchcựcmangtínhxâydựngvàgiảiphákết quả thi đấu bóng đá anh" do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì giao báo Nhà báo và Công luận tổ chức đang diễn ra tại Phan Thiết - Bình Thuận (chiều 21/9) - phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề: Triển khai báo chí giải pháp: Cách thức, mô hình nào hiệu quả? đã diễn ra với nhiều phần tham luận, các ý kiến đóng góp sôi nổi, thẳng thắn, thiết thực.
Phiên thảo luận diễn ra dưới sự chủ trì của: Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận; ông Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; ông Nguyễn Đức Lợi - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Để làm được một bài báo có giải pháp hay cần rất nhiều nguồn lực
Tham gia thảo luận tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Hồng Nga - Tổng Biên tập báo Giao thông nhìn nhận, Diễn đàn Tổng biên tập 2024 với chủ đề 'Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?' Tuy nhiên, Diễn đàn đã được nghe rất nhiều về báo chí xây dựng, báo chí kiến tạo. “Vậy, báo chí giải pháp, báo chí xây dựng, báo chí kiến tạo khác nhau như thế nào?”, bà Nga đặt câu hỏi.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga nhắc đến câu chuyện mới đây khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện sao kê các khoản ủng hộ cho đồng bào thiệt hại do bão số 3; Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng cần công khai về cả khoản chi nữa.
Từ câu chuyện đó, Tổng Biên tập báo Giao thông cho rằng, báo chí giải pháp không chỉ là đưa tin đơn thuần, cần có những kiến nghị, giải pháp cụ thể, phải làm gì để nguồn thu được chi thoả đáng và những người được chi nhận được đúng nhất nhu cầu mà họ cần. "Ý kiến, giải pháp được báo chí đưa ra lại tiếp tục cần được báo chí phản biện để cho ra các tác phẩm thực sự mang lại giải pháp cho xã hội và được thực thi một cách đúng đắn", bà Nga nói.
Tổng Biên tập báo Giao thông cũng cho biết, lâu nay, các tòa soạn không thể đăng bài báo nào mà không có giải pháp, song để làm được một bài báo có giải pháp hay còn gọi là các tác phẩm báo chí chất lượng cao thì cần rất nhiều nguồn lực. Thực tế cho thấy, tỷ lệ bài báo chất lượng cao trong các tin bài trong một ngày ở các toà soạn là rất ít.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hồng Nga cũng nhấn mạnh đến vấn đề kinh phí để thực hiện những tác phẩm đó và cho rằng đó là yếu tố rất quan trọng.
Báo chí giải pháp là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của báo chí
Tại Diễn đàn, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân cho biết, báo chí thông tin là lý do tồn tại của báo chí, còn báo chí giải pháp là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của báo chí. Báo chí thông tin và báo chí giải pháp tuy hai mà một, phải đan xen, hoà quyện với nhau.
Cũng theo Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, báo chí giải pháp trên phạm vi cả toà soạn, trong phạm vi một tuyến bài và ngay trong một bài. "Ví dụ như khi chúng ta triển khai một tuyến 4-5 bài, thì hai bài cuối cùng bao giờ cũng là giải pháp. Nhưng chúng ta phải cân nhắc tỉ lệ giữa giải pháp và thông tin", ông Bộ lấy ví dụ và nhấn mạnh báo chí tồn tại được vẫn là nhờ vào cung cấp thông tin, tiếp theo đó thông tin phải có trách nhiệm, có tính Đảng, tính nhân dân, thế thì phải có giải pháp, tránh việc nói “suông”.
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ cho biết, báo Quân đội Nhân dân bản thân đã là một tờ báo giải pháp, ngay từ những bài đầu tiên, ngay cả những tờ tiền thân cũng đã là giải pháp. Hiện nay, Báo vẫn đang kiên trì theo hướng báo chí giải pháp.
Tổng Biên tập báo Quân đội Nhân dân chia sẻ: Cụ thể hoá Nghị quyết 35, Báo đã triển khai cuộc thi “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, có những bài chiến lược diễn biến hoà bình từ rất sớm. Đầu tư cho báo chí giải pháp là một khoản đầu tư rất tốn kém; việc trả nhuận bút cho những bài Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gấp 5 lần những bài thông thường; thậm chí có những bài tốt, đích thân Tổng Biên tập đến cảm ơn tác giả và mong mỏi sự hợp tác lần sau.
Hay cuộc thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý” báo Quân đội Nhân dân đã tổ chức thi đến lần thứ 14, cụ thể hoá việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách chủ tịch Hồ Chí Minh. "Toà soạn cũng đã tranh cãi nảy lửa là làm thế nào, cuộc thi có còn sức sống hay không? Và tìm mọi cách để nó hợp sức sống của thời đại.
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ cũng nói thêm, như cơn bão số 3 vừa rồi, báo Quân đội Nhân dân vẫn triển khai báo chí giải pháp khi cử cùng lúc 4 phóng viên đi 4 hướng, thông tin bao trùm trên mặt báo là khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 3. "Làm thế nào để báo chí giải pháp phát huy thế mạnh, xu thế của mình? Tiền, nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ là vấn đề mấu chốt? Nếu chỉ hời hợt thì không thể làm được báo chí giải pháp. Để pháp triển báo chí giải pháp, rất cần có những cơ chế cho các cơ quan báo chí", ông Bộ nhấn mạnh.
Báo chí giải pháp cần được đặt trên một nền tảng vững chắc tạo ra từ những tập hợp dữ liệu khách quan
Gửi tham luận đến Diễn đàn, Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng Biên tập báo Thanh Niên cho biết, báo chí giải pháp không có đường biên rõ ràng như một thể loại, cũng không phải là tập hợp các quy tắc, tiêu chí, định nghĩa phân loại. Có rất nhiều con đường để báo chí giải pháp hình thành và tạo ra lối đi riêng phù hợp với từng cơ quan báo chí.
"Tại Báo Thanh Niên, chúng tôi quan niệm báo chí giải pháp cần được đặt trên một nền tảng vững chắc tạo ra từ những tập hợp dữ liệu khách quan, được phân tích, lý giải bằng phương pháp tư duy khoa học, và cuối cùng được “đóng gói” bằng kỹ năng đa phương tiện của người làm báo hiện đại", ông Toàn cho biết.
Đi vào cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Toàn cho biết, thời gian qua, một số bài báo dữ liệu đã xuất bản trên Thanh Niên đều khai thác dữ liệu từ các nguồn khác nhau được công bố dưới dạng báo cáo công khai trên website, các báo cáo, nghiên cứu, thống kê được công bố... Một số nguồn dữ liệu được thu thập thông qua đề nghị cung cấp thông tin.
Theo Tổng Biên tập báo Thanh Niên, điều quan trọng trước hết là tư duy xác định đề tài báo chí dữ liệu, khi nào thì thực hiện bài dữ liệu? Các bước tiếp theo là đặt giả thuyết, đặt câu hỏi để đi tìm dữ liệu trả lời.
Từ phần lý thuyết này, phóng viên Thanh Niên sẽ thực hiện tiếp các công đoạn quan trọng như xây dựng cấu trúc câu chuyện, tìm, tổng hợp, xử lý dữ liệu để tìm ra những câu trả lời bằng dữ liệu cho các câu hỏi đặt ra. Những câu hỏi không thể trả lời bằng dữ liệu có thể tìm câu trả lời qua phỏng vấn hoặc các ý kiến người liên quan…
"Cả báo chí dữ liệu và báo chí giải pháp đều hướng đến mục tiêu chung là cung cấp thông tin chính xác, khách quan và có giá trị cho công chúng, đồng thời thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong xã hội. Kết hợp báo chí dữ liệu và giải pháp sẽ giúp nhà báo cung cấp cho bạn đọc các bằng chứng cụ thể, số liệu thống kê và phân tích chi tiết, trực quan, giúp củng cố tính thuyết phục cho các giải pháp được đề xuất trong báo chí giải pháp. Điều này cũng làm tăng tính thuyết phục và tin cậy của các giải pháp, thu hút công chúng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề, giải pháp đề xuất, tính khả thi. Từ đó, có được sự quan tâm từ các nhà hoạch định chính sách, các cấp quản lý liên quan…", ông Toàn nêu rõ.
Tổng Biên tập báo Thanh Niên nhấn mạnh một số tác động của báo chí dữ liệu là: Tăng tính trực quan; Phân tích sâu và đưa ra giải pháp dựa trên bằng chứng; Tạo ra các câu chuyện hấp dẫn; Theo dõi và đánh giá hiệu quả; Thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Những bài báo triệu view chưa chắc đã là nội dung tốt?
Tại phần tham luận của mình, ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng, mạng xã hội đã chứng minh được nhu cầu thông tin bạn đọc là vô hạn, thậm chí có những người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội còn có cách tạo nội dung sáng tạo tới mức người xem chưa bao giờ hình dung tới là mình sẽ có thể tiếp cận các thông tin như vậy. Trong bối cảnh đó, nếu báo chí chỉ đi theo hướng ''new'' mà không cho sự độc quyền, không đầu tư nội dung chất lượng thì sự tồn tại của báo chí đứng trước mối đe doạ không hề nhỏ.
“Làm sao để đạt được chất lượng bài báo tốt, tránh được tình trạng câu view?”, ông Lê Trọng Minh đặt câu hỏi. Theo Tổng biên tập Báo Đầu Tư, cái gốc của vấn đề này chính là tính tò mò của người đọc. Do đó, sự chi phối của các thông tin giật gân, tiêu cực vẫn là câu chuyện nhiều thách thức. Làm sao để các thông tin tích cực, các câu chuyện về xây dựng và tạo ra giải pháp có thể thu hút được độc giả lại thuộc về các toà soạn là yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan là các đối tượng chi trả cho toà soạn đó.
Về chủ quan, Tổng biên tập Lê Trọng Minh cho rằng, trở ngại lớn nhất là năng lực của phóng viên bởi không phải phóng viên nào cũng làm tốt được các tác phẩm mang tính giải pháp. Ngay cả những phóng viên bình thường nhất khi đi phỏng vấn cũng có thể đặt câu hỏi tạo ra giải pháp, tuy nhiên khi viết bài sẽ cần có kinh nghiệm và kỹ năng tốt để cho ra tác phẩm hay và mang giải pháp thiết thực.
“Việc thực hiện bài viết phân tích cần có lực lượng cộng tác viên là các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà nghiên cứu có trình độ tham gia trả lời phỏng vấn, viết bài cộng tác. Tất cả các vấn đề này đòi hỏi điều ngược lại chính là chi phí để trả lương nhân sự, nhuận bút cho cộng tác viên, nếu không giải quyết tốt thì câu chuyện “con gà, quả trứng” lại diễn ra, báo thiếu nguồn lực để có nhân sự tốt, bài viết tốt, khi không có được nội dung tốt thì lại không có bạn đọc và nguồn thu cho Tòa soạn”, ông Minh cho biết.
Về khách quan, theo ông Lê Trọng Minh, đó là câu chuyện số lượng view của các tin bài - liên quan trực tiếp đến kinh tế báo chí. Rõ ràng những tờ báo có lượt truy cập cao sẽ có nhiều cơ hội để thu hút quảng cáo hơn. Những bài báo triệu view chưa chắc đã là nội dung tốt, tuy nhiên nó lại là thước đo cho quảng cáo, do đó hiện nay, hoạt động báo chí rất khó để tránh khỏi việc câu view.
“Nếu doanh nghiệp sẵn sàng nói không với những tờ báo triệu view nhưng không phải view thực thì câu chuyện của view không phải là thiết yếu mà là thứ yếu. Song, một khi ngân sách quảng cáo của doanh nghiệp vẫn được tính bằng view thì câu chuyện báo chí giải pháp sẽ gặp những trở ngại rất lớn”, ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.
Báo chí cần tìm giải pháp cho chính mình trước khi tìm giải pháp cho người khác
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, một trong những vấn đề được nêu tại Diễn đàn chính là báo chí phải mang lại giải pháp cho xã hội, qua đó nhìn thấy giải pháp cho mình.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, báo chí cần hoàn toàn thay đổi cách tiếp cận để biến những thách thức, khó khăn thành cơ hội. Ví dụ: Con người phải đi tìm những môi trường hay, kể cả môi trường đang tốt nhưng kiếm môi trường tốt hơn để thay đổi.
Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng đặt vấn đề: Làm sao phải làm báo chí giải pháp khi những mâu thuẫn không nhỏ trong xã hội, bao gồm những mâu thuẫn ở cả chính quyền, doanh nghiệp, người dân lại nghĩ chính báo chí là vấn đề chứ không phải họ? Và khi họ tìm giải pháp cho vấn đề của chính họ, ít khi họ nói đến báo chí.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Lâm, bản thân cơ quan Nhà nước cũng đang tìm giải pháp để giải quyết tốt vấn đề truyền thông chính sách nhưng có vẻ như họ ít tìm đến báo chí để làm việc ấy. Việc tương tác, hai bên cùng có lợi rất ít. "Ví dụ như truyền thông chính sách của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Họ có rất nhiều hình thức, cách tiếp cận đến với người dân như thông qua các cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin nguồn, bằng công nghệ để thông tin đến với người dân nhanh nhất", ông Lâm nêu ví dụ.
Để phát triển báo chí, đặc biệt là báo chí giải pháp, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng cần quan tâm nhất là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. "Chúng ta cần tìm giải pháp cho chính mình trước khi tìm giải pháp cho người khác", ông Lâm nêu rõ và cho rằng tầm nhìn của các cơ quan báo chí cũng rất quan trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng nhấn mạnh vấn đề việc báo chí cần tiết chế, không đưa tin quá mức về những vấn đề nhạy cảm bởi đôi khi kết quả lại ngược lại so với mục đích ban đầu, phản tác dụng. Ông Lâm nói: "Ví dụ như việc đưa tin quá nhiều, dồn dập về giá vàng tạo áp lực lên công tác điều hành giá vàng. Hay có xu hướng tìm những báo cáo tài chính của doanh nghiệp để đưa thông tin nhưng chủ yếu là bóc mẽ, phán xét về doanh nghiệp đó".
Ông Nguyễn Thanh Lâm cũng cho rằng, các cơ quan báo chí cần nhìn thấy những vấn đề của mình để phát huy thế mạnh, khắc phục những tồn tại. Bởi nền báo chí Việt Nam là nền báo chí cách mạng và nếu như có một vấn đề gì đó để cần hiệu triệu, định hướng xã hội, cần tập hợp lực lượng để làm những việc lớn, việc tốt cho đất nước thì lúc đó hệ thống chính quyền, người dân luôn tìm đến báo chí và tìm thấy mình trong báo chí.
Báo chí như ngọn hải đăng để chỉ dẫn cho người dùng trong các vấn đề về công việc cũng như cuộc sống
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, báo chí đang đứng trước rất nhiều thay đổi, sự thay đổi về công nghệ đang diễn ra thần tốc dẫn đến những kết cục mà chỉ trong vòng 5 năm thậm chí là 3 năm không thể hình dung được. Giờ đây, trí tuệ nhân tạo không chỉ đe doạ đến vị trí việc làm mà còn đe doạ tất cả các vị trí trung gian khác.
Thứ hai là sự thay đổi của người dùng. Theo ông Lê Quốc Minh, hiện nay, người dùng không nhất thiết phải tìm đến báo chí mới có được thông tin. Thực tế cho thấy, công chúng trẻ, thế hệ GenZ giờ đây không đọc báo in, không xem truyền hình, không nghe phát thanh nhưng họ vẫn biết hết tất cả thông tin.
Sự thay đổi đang diễn ra chóng mặt, trong đó chính các doanh nghiệp có thể cũng không cần đến báo chí nữa. Họ cũng có kênh của họ, có cách riêng của họ. Sự thống trị với tư cách là “người giữ cửa” của báo chi thực sự đang bị đe doạ. “Trước đây, có hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn câu chuyện, chúng ta chọn lọc đưa câu chuyện nào thì công chúng biết đến nội dung đó, nhưng bây giờ họ còn biết nhiều hơn những gì báo chí đưa tin”, ông Minh nói.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Nhà báo Vệt Nam, cũng có một thực tế là khi công chúng bị choáng ngợp trước cơn bão thông tin thì họ lại cần đến các cơ quan báo chí. Giữa những tin tức thật giả lẫn lộn, người dùng không đủ sức để xử lý, họ cần cơ quan báo chí để chọn lọc cho họ.
“Đi xa rồi lại trở về, người dùng mong muốn được các cơ quan báo chí chính thống định hướng. Lúc này, các quan báo chí như ngọn hải đăng để chỉ dẫn cho người dùng trong các vấn đề về công việc cũng như cuộc sống. Làm thế nào để giữ vị trị ngọn hải đăng như thế các cơ quan báo chí phải vượt qua rất nhiều những trở ngaị ở hiện tại và tương lai”, ông Lê Quốc Minh nhận định.
Ông Lê Quốc Minh đặc biệt nhấn mạnh: “Thứ làm báo chí khác biệt là những thứ sâu sắc. Còn nếu tiếp tục chạy đua về nhanh, về nhiều thì không thể thắng. Vì thế tôi muốn các cơ quan báo chí, không phải tất cả phải dành nguồn lực cho báo chí chuyên sâu. Tuy nhiên, hãy tạo ra những câu chuyện tích cực, mang tính xây dựng và giải pháp, tạo thế cân bằng, đa chiều trong tin tức để thấy được sự khác biệt của báo chí.
Tôi rất mong muốn trong thời gian tới Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các Diễn đàn tương tự và nhận được sự ủng hộ của các địa phương. Tôi nghĩ nên lập một câu lạc bộ Tổng Biên tập các vùng miền để giao lưu, bàn câu chuyện của các ngành, các lĩnh vực, gặp nhau thường xuyên hơn thay vì chờ đến một năm mới tới Diễn đàn. Khi gặp nhau nhiều hơn sẽ có thêm nhiều vấn đề hé lộ, tìm ra những giải pháp mới, đột phá trong hoạt động báo chí”.
Theo Nhà báo và Công luận