Ngoài việc “khắt khe” khi chấp thuận đăng ký giao dịch, các DN đã lên sàn này sẽ được giám sát kỹ càng. Siết chặt quản lý doanh nghiệp Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, công ty đại chúng thì có quyền đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. HNX sau khi xem xét tài liệu dựa trên quy định của pháp luật thì cho phép DN đăng ký giao dịch và cũng không có quyền từ chối nếu hồ sơ đầy đủ. Cũng có một vài ý kiến rằng cần có sự thay đổi, chẳng hạn như: DN lên UPCoM ngoài việc đáp ứng các tiêu chí về công ty đại chúng, thì còn phải đáp ứng các tiêu chí khác. Tuy nhiên, theo ông Trung, nếu chúng ta “lạm dụng” điều này thì có nghĩa là sẽ ra một bộ tiêu chuẩn mới cho DN lên sàn UPCoM và vô hình chung lại biến thị trường này thành một sàn niêm yết. Rõ ràng đây không phải là mục tiêu khi xây dựng thị trường UPCoM - thu hẹp bớt thị trường tự do, đưa các cổ phiếu vào giao dịch tập trung ở một nơi và có sự quản lý. Quan trọng nhất của thị trường này là cung cấp cho nhà đầu tư thông tin về giá và khối lượng giao dịch. Hiện HNX đã tiến hành phân bảng trên UPCoM gồm: UPCoM Premium và UPCoM cảnh báo. Theo thông tin từ HNX, đến thời điểm này, có khoảng hơn 40 DN đã rơi vào bảng UPCoM cảnh báo - đây đa phần là các cổ phiếu đã bị đưa vào diện kiểm soát, hạn chế giao dịch, tạm ngừng giao dịch. “Gần đây, HNX phối hợp chặt chẽ với thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tăng cường giám sát 40 DN thuộc bảng UPCoM cảnh báo. Chúng tôi đã cùng với các cơ quan hữu quan khác điều tra, xác minh thật rõ hoạt động của các DN này, nếu phát hiện vấn đề sẽ đưa ra cảnh báo cho nhà đầu tư kịp thời. Dự báo số lượng DN thuộc bảng cảnh báo sẽ ngày càng cao hơn, bởi sẽ có những DN “ngủ đông” nhưng chưa thể hủy giao dịch vì họ vẫn là công ty đại chúng”, Phó Tổng giám đốc HNX cho biết thêm. Tăng chất lượng và thanh khoản cho thị trường HNX cho biết, hiện nay Sở đang sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và quản lý thị trường UPCoM (ban hành kèm theo Quyết định số 78/QĐ-SGDHN ngày 5/2/2016). Theo đó, sẽ quy định hình thức xử lý “tạm ngừng giao dịch có thời hạn” trong các trường hợp cần yêu cầu DN giải trình, xác minh tin đồn, khắc phục các sai phạm. Sau thời hạn tạm ngừng giao dịch, tùy theo kết quả giải trình, khắc phục để cho phép giao dịch trở lại hoặc chuyển sang hình thức “hạn chế giao dịch”. Với các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, HNX sẽ kiến nghị UBCKNN xem xét cơ chế hủy tư cách đại chúng của các công ty này. Cùng với đó, sẽ áp dụng cơ chế đưa các mã cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc vào diện bị hạn chế giao dịch trong vòng tối thiểu 1 năm kể từ khi đăng ký giao dịch tại UPCoM. HNX sẽ xem xét cho phép các mã cổ phiếu này được giao dịch trở lại bình thường nếu tổ chức đăng ký giao dịch khắc phục được nguyên nhân bị hủy niêm yết nêu trên. Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ thực hiện phân loại hồ sơ theo mức độ rủi ro của DN để có biện pháp xử lý thích hợp. Chú trọng quản lý, giám sát DN đăng ký giao dịch có độ rủi ro cao. Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan hữu quan để tìm hiểu xác minh tình hình hoạt động, cơ sở vật chất, trụ sở hoạt động của DN thông qua các biện pháp cụ thể, từ đó nắm bắt đúng thực trạng hoạt động của DN. Chia sẻ thêm về điều này, ông Trung cũng cho hay, từ đầu năm tới nay, việc chấp thuận cho các DN lên sàn UPCoM của HNX đã kỹ càng hơn rất nhiều, thậm chí còn kiểm tra thêm nhiều tiêu chí mà trong quy chế, quy trình chưa quy định, chẳng hạn như: Mã số thuế, trụ sở, điện thoại, người công bố thông tin,… Mặc dù vậy, cũng phải khẳng định là trên UPCoM thì sự minh bạch về thông tin không thể bằng thị trường niêm yết. Do vậy, về lâu dài vẫn phải tăng cường giám sát trên UPCoM, cho dù hiện nay, HNX đang áp dụng chế độ giám sát trên thị trường UPCoM giống hệt như thị trường niêm yết.
Chu Thái |