(CMO) Ông Sơn Xà Phal là 1 trong 68 người được bầu người uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ 1 hộ nghèo, bằng nghị lực và quyết tâm, không những ông phấn đấu trở thành hộ khá giả mà còn giúp đỡ nhiều người thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ông còn mở lớp dạy chữ và văn hóa Khmer hơn 10 năm qua cho cộng đồng dân cư nơi ông ở nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà không nhận 1 đồng thù lao nào.Quê gốc của ông Sơn Xà Phal ở ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo có đông anh em. Đến khi cha mẹ ông đã ở tuổi xế chiều và thường xuyên bệnh tật thì mọi áp lực nuôi sống gia đình đè nặng lên vai ông, bởi ông là con trưởng trong gia đình.
Mặc dù từ khi còn tấm bé, ông đã rất ham học hỏi và xác định rõ con đường thoát khỏi đói nghèo là tìm đến con chữ. Nhưng khi đứng trước hoàn cảnh thực tế quá khó khăn, ông đành gác lại ước mơ đến trường và chọn cho mình con đường tu học ở chùa Cao Dân, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình. Bằng sự quyết tâm và nỗ lực của mình, ông đã tham gia rất nhiều lớp học nâng cao trình độ và kiến thức và Phật pháp, giáo lý. Nhờ vậy nên khi chỉ mới 27 tuổi, ông đã được phân công về làm Trụ trì chùa Đầu Nai, xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình. Năm 33 tuổi, ông quyết định lập đình. Trở về cuộc sống đời thường, với đôi bàn tay trắng và phải nuôi thêm cha mẹ già cùng 2 người em gái, ông gặp không ít gian nan. Thấu hiểu hoàn cảnh của ông, chính quyền địa phương cấp cho ông sổ hộ nghèo nhằm san sẻ một phần khó khăn mà ông đang gặp phải. Nhưng bằng sự nỗ lực, ông đã thực hiện nhiều mô hình kinh tế và nhanh chóng xin thoát nghèo chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi. Là người có trình độ lại đã từng kinh qua cái nghèo nên ông quyết tâm vực dậy đời sống bà con dân tộc ở địa phương. Ngay từ khi đảm nhận chức Chi hội phó Chi hội nông dân ấp Cây Khô, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn ở địa phương và được Ban Dân tộc cử đi tập huấn, giao lưu với các tỉnh bạn về kỹ thuật nuôi trồng. Ông cũng thực hiện các mô hình làm ăn hiệu quả để truyền đạt và hướng dẫn lại cho bà con, khuyến khích bà con tăng gia sản xuất. Ông Sơn Xà Phal cho biết, ấp Cây Khô có 137 hộ đồng bào Khmer, trong đó có hơn 30 hộ không đất sản xuất nên thuộc diện nghèo và cận nghèo. Bà con nơi đây chủ yếu làm thuê; có người có đất nhưng không thể tiếp tục bám đất vì sản xuất không hiệu quả thì đi tha phương lập nghiệp. Trước thực tế đó, ông đến từng hộ để trò chuyện, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ nhằm tìm ra biện pháp tháo gỡ và đề xuất lên cấp trên hỗ trợ. Những ngày đầu, ấp Cây Khô không mét lộ bê tông nào, ông vận động bà con hiến đất, góp công sức để xây dựng con lộ để giúp học sinh thuận tiện đến trường. Sau nhiều lần đề xuất ở các buổi tiếp xúc cư tri, nhiều con lộ bê tông trong ấp đã được xây dựng như con lộ Kinh Tràm 1 dài 1.500 mét, con lộ Kinh Tám Thước dài 800 mét, con lộ Kinh 41 dài 1.500 mét… Với tâm niệm “an cư lạc nghiệp”, ông nhiều lần đề xuất lãnh đạo địa phương cấp đất và nhà ở cho những hộ không đất sản xuất, không nơi cư trú. Và đã có nhiều hộ được cấp 3 công đất sản xuất và giao nhà tại khu dân cư xã Tân Lộc… Những việc làm của ông được bà con đền đáp bằng sự kính trọng và thương mến. Khi gia đình nào có chuyện rầy rà, họ đều nhờ ông khuyên giải và hầu hết đều thành công. Ông Sơn Xà Phal tâm sự: “Đa phần đời sống của đồng bào Khmer còn gặp nhiều khó khăn vì không được đào tạo qua trường lớp, không am hiểu nhiều về kỹ thuật sản xuất, nuôi trồng. Vậy nên, để giúp họ nhanh chóng thoát nghèo, chính quyền cần “cầm tay chỉ việc”. Nghĩa là ngoài việc hỗ trợ vốn, cần mở nhiều lớp tập huấn đề đào tạo kỹ thuật, dạy nghề cho bà con”. Và để duy trì nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, vào mỗi dịp hè, ông đều mở lớp dạy chữ Khmer cho bà con. Qua từng ngày, số lượng người đến học càng đông. Nếu như ban đầu chưa đầy 30 học viên thì giờ đây đã lên gần 150 người. Việc làm này ông đã đều đặn thực hiện hơn 10 năm qua và không hề nhận thù lao giảng dạy. Ông Phal cho biết: “Bà con dân tộc Khmer hầu hết đều nói được tiếng mẹ đẻ nhưng rất ít người biết viết. Vì thế, tôi mở lớp dạy để cho họ vừa biết viết, vừa biết đọc. Và nếu người Kinh muốn học chữ Khmer, tôi cũng rất vui lòng chỉ dẫn tận tình”. Ngọc Trầm
|