Đó mới chỉ là kết quả điều tra ban đầu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an. Được biết, thời gian qua, Công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng. Trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của dịch bệnh, hàng triệu người dân phải chịu bao khổ cực để tuân thủ quy định phòng chống dịch, nhiều người mất công ăn việc làm, doanh nghiệp thua lỗ và nhiều mạng người đã bị dịch Covid-19 cướp đi thì có những doanh nghiệp như Việt Á và những cán bộ như ở CDC Hải Dương vẫn thoải mái thu lợi bất chính từ những bộ kít xét nghiệm với con số khổng lồ. Nhìn thẳng thực tế, lãnh đạo Công ty Việt Á và CDC Hải Dương đã coi thường pháp luật, ăn trên xương máu nhân dân trong đại dịch. Còn nhớ, giữa khó khăn, thiếu thốn của đại dịch, người dân khắp nơi phải liên tục, liên tục xét nghiệm. Việc xét nghiệm quá nhiều, giá cao đã khiến nhiều tổ chức kinh doanh, người dân “than trời” bởi gây mất thời gian, chi phí, đứt gãy lưu thông nhưng không được các cơ quan hữu quan điều chỉnh kịp thời. Dư luận đặt câu hỏi, Công ty này ngoài phần chi cho CDC Hải Dương còn chi “hoa hồng” khủng cho những ai với doanh thu gần 4.000 tỷ bán kít (chưa kể doanh thu nhiều loại thiết bị, vật tư y tế khác)? Ngoài Công ty Việt Á còn những doanh nghiệp nào, tổ chức nào thời gian qua đã lợi dụng tình trạng cấp bách cũng có hành vi tương tự? Tới đây cơ quan Công an sẽ sớm có những câu trả lời cho những câu hỏi trên, tuy nhiên chúng ta cần đặt câu hỏi: Bộ Y tế, chính quyền các địa phương có trách nhiệm gì trước vụ việc trên? Bởi việc mua bán loại vật tư này không phải chỉ doanh nghiệp và đơn vị y tế trực tiếp hoàn toàn tự mua mà hoạt động này có sự thẩm định, kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng của cơ quan hữu quan ngành Y tế cũng như chính quyền địa phương. |