Bà Phan Thị Thanh Xuân,ấtkhẩudagiàykhôngbịảnhhưởngnếuTPPthấtbạbotafogo sp Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên TBTCO. *PV: Năm 2016 sắp qua đi và là một năm không thuận buồm xuôi gió đối với một số ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có da giày. Bà đánh giá như thế nào về xuất khẩu da giày năm 2016? - Bà Phan Thị Thanh Xuân: Năm 2016 một loạt các thị trường xuất khẩu của ngành da giày bị suy giảm, trong đó có một số thị trường chủ lực như EU, nhất là Anh. Do đó, mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng 10%, tương đương với hơn 16 tỷ là rất khó cán đích. Tính đến thời điểm này, khả năng mức tăng trưởng năm nay của toàn ngành da giày chỉ đạt khoảng 8%. Chỉ còn gần 1 tháng nữa là kết thúc năm và hiện các DN vẫn đang phải nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy các đơn hàng cũng như cố gắng đạt kế hoạch đã đề ra. *PV: Như bà vừa nói, năm 2016 ngành da giày chỉ tăng trưởng được 8%. Vậy định hướng và triển vọng năm 2017 sẽ như thế nào, thưa bà? - Bà Phan Thị Thanh Xuân: Theo dự kiến Hiệp định Việt Nam – EU sẽ có hiệu lực vào năm 2018, do đó năm 2017 sẽ là giai đoạn chuẩn bị cho hiệp định này. Tôi tin rằng, các khách hàng, nhà nhập khẩu, nhà đầu tư sẽ kỳ vọng cũng như tập trung rất nhiều vào thị trường Việt Nam từ năm 2018. Chính vì vậy, năm 2017 sẽ là một giai đoạn tốt để cho DN da giày Việt Nam có sự chuẩn bị cho một giai đoạn hứa hẹn một sự tăng trưởng tốt trong tương lai không xa.
Năm 2017, trọng tâm chính của ngành da giày là nâng cao năng lực nội tại để đáp ứng tốt nhu cầu của sự phát triển. Bởi khi hiệp định thương mại tới tức là cơ hội tới, khách hàng tới và họ sẽ tìm hiểu thông tin để đầu tư, đặt hàng các DN nước ta. Để đón nhận điều đó thì chúng ta phải chuẩn bị nguồn lực, nhân lực, tài chính để đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập như yêu cầu về lao động, môi trường, điều kiện thương mại mới trong bối cảnh mới… Đặc biệt, một yếu tố quan trọng khi chúng ta ra “biển lớn” là sự liên kết, bởi đi đơn lẻ thì chúng ta sẽ rất khó để thành công. Chính vì vậy, tính liên kết của DN cần phải được quan tâm và chú trọng hơn nữa để cùng chia sẻ những lợi ích cũng như rủi ro. Đồng thời, các DN cần tích cực tham gia các cơ hội để tăng khả năng nắm bắt, tiếp nhận thông tin. Bên cạnh đó, DN rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, Chính phủ trong việc tạo ra cơ chế, chính sách để làm đòn bẩy thúc đẩy DN có được nguồn lực tốt, tăng sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập. *PV: Việc tham gia một loạt các hiệp định thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội cho ngành dệt may, trong đó có da giày phát triển xuất khẩu. Các DN trong ngành đã có sự chuẩn bị như thế nào để nắm bắt những cơ hội đó, thưa bà? - Bà Phan Thị Thanh Xuân: Để nắm bắt các cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do, thời gian vừa qua, các DN trong ngành da giày đã có sự chuẩn bị về mọi mặt. Trong đó, các DN chủ động đầu tư mở rộng sản xuất và phát triển nguyên phụ liệu. Trước đây, nhiều loại nguyên phụ liệu nhập khẩu với khối lượng lớn như da thuộc, các nguyên liệu giả da, các nguyên liệu đế giày…thì đến giờ các DN đã mở rộng sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, các DN đã có sự kiên kết, kết nối với nhau, trước hết để đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu, tạo thành vòng cung ứng hoàn chỉnh nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và cũng hỗ trợ DN đẩy nhanh tiến độ giao hàng cho đối tác xuất khẩu. Ngoài ra, các DN đã chuyển dịch về các vùng xa trung tâm hơn để vừa mở rộng sản xuất vừa tận dụng nguồn lao động tại chỗ cũng như tạo thêm nguồn lực để phục vụ cho xuất khẩu trong giai đoạn tới. *PV: Theo dự báo, nhiều khả năng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ thất bại. Theo bà, điều này có ảnh hưởng gì đối với kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam trong thời gian tới không? - Bà Phan Thị Thanh Xuân: Thực ra, từ trước đến nay, chúng tôi đã xác định rõ, TPP chỉ có vai trò tạo thêm một cơ hội xuất khẩu cho ngành da giày. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn có một vị thế rất tốt là luôn đứng vị trí thứ 3 về sản lượng sản xuất và đứng thứ 2 về xuất khẩu trên thế giới. Do đó, dù có TPP hay không thì chúng ta vẫn còn rất nhiều cơ hội khác, ví dụ như thị trường EU – thị trường chủ lực và vẫn còn nhiều dư địa để tăng thị phần. Bên cạnh đó, Việt Nam còn tham gia rất nhiều các hiệp định thương mại từ do khác, ví như Hiệp định kinh tế Á – Âu (EAEU) cũng là một cánh cửa rộng mở cơ hội khi kim ngạch xuất khẩu da giày của Việt Nam ở thị trường này vẫn còn rất khiêm tốn. Trong đó, đặc biệt dung lượng để sản phẩm Việt Nam có thể phát triển tại thị trường Nga là rất lớn. Do đó, chúng ta không quá thất vọng với việc TPP không thành hiện thực bởi lợi thế của ngành da giày vẫn còn đó và cơ hội còn rất nhiều. *PV: Xin cảm ơn bà! Tố Uyên |