Hàng trăm xe quá tải "biến mất" trong đêm!
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) - cho biết,lọtkeo nha cai 5 top qua 4 tháng triển khai kiểm soát tải trọng xe (KSTTX), dù đạt được một số kết quả nhưng tình trạng tiêu cực xuất hiện ngày càng phức tạp và phổ biến ở nhiều địa phương.
Theo ông Huyện, trong hoạt động vận tải còn rất nhiều tổ chức và cá nhân là chủ hàng và chủ mua hàng cố tình ép lái xe chở quá tải hoặc không có trách nhiệm trong việc bốc xếp, giao nhận hàng hóa quá tải trọng của xe; một số chủ doanh nghiệp vận tải cố tình chở quá tải và tìm cách móc nối với “cò xe”, “môi giới” với một bộ phận lực lượng làm công tác tuần tra kiểm soát giao thông và tại các trạm cân, nhân viên bảo vệ, làm nhiệm vụ tại dự án xây dựng đường để cho xe quá tải lưu thông... Trong khi đó, người lái xe cũng chỉ là người làm công ăn lương, chịu sức ép của chủ xe nên vẫn chấp nhận chở hàng quá tải, thậm chí chống đối lực lượng chức năng, cố tình phá hoại thiết bị cân kiểm tra tải trọng.
Trạm cân xe tải
Tuy nhiên, sự tiêu cực nói trên chưa nghiêm trọng bằng sự tiêu cực của chính lực lượng chức năng làm nhiệm vụ kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) và tuần tra kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông (ATGT). Đó là cái “cớ” để tình trạng xe chở quá tải dễ dàng vượt các trạm cân, qua các chốt kiểm tra của Cảnh sát giao thông (CSGT)
“Từng đoàn xe chở quá tải từ 50% đến 200% vẫn đi trót lọt từ Quảng Ninh, Hải Phòng qua nhiều địa phương, qua nhiều trạm cân đi lên Lào Cai, Điện Biên, đi từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh phía Nam và ngược lại. Nhiều xe chở đúng tải trọng thì bị dừng để cân kiểm tra trong khi vào giờ giao ca, giờ ăn cơm của CSGT, buổi tối, trời mưa thì từng đoàn xe quá tải vượt qua trạm cân mà không bị dừng kiểm tra. Tình trạng ban ngày hàng trăm xe quá tải dừng ở 2 đầu trạm cân nhưng chỉ sau một đêm thì hàng trăm xe này biến mất mà không xe nào bị cân kiểm tra” - ông Huyện dẫn chứng.
Liên quan đến vấn đề tiêu cực, vị Tổng cục trưởng ĐBVN cũng cho biết đã tiếp nhận rất nhiều vụ việc vi phạm của lực lượng chức năng từ kênh phản ánh qua đường dây nóng của Tổng cục. Đơn cử như việc xe tải qua muốn đi qua quốc lộ 37 (đoạn gần cầu Cẩm Lý) thì phải “làm luật” với tổ KTTTX của tỉnh Bắc Giang từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng.
“Tùy mức độ khó khăn và đoạn đường vượt qua khu vực có trạm KTTTX, lái xe “làm luật” qua “cò” với lực lượng chức năng ở các trạm cân tại Bắc Giang, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông... Mức làm luật từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng, thậm chí là 5 triệu đồng/xe” - ông Huyện cho hay.
“Xử” tiêu cực bằng... cán bộ nguồn
Không chỉ xảy ra trong vận tải và lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, sự tiêu cực trong hoạt động KTTTX còn xảy ra ở khâu quản lý nhà nước và quản lý địa bàn hành chính. Trong đó, nhiều địa phương vì mục đích phát triển kinh tế của mình đã không quan tâm xử lý xe quá tải của địa phương, lãnh đạo chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xe quá tải tìm cách vượt qua địa bàn tỉnh, dừng đậu ở hai đầu trạm cân.
Bởi thế, số xe địa phương được kiểm tra rất khiêm tốn ở nhiều tỉnh, như: Yên Bái với mức 1,8% (chỉ 1,0% xe vi phạm), Quảng Bình 2,9%, Thừa Thiên - Huế 3,0%, Đà Nẵng 4,2%, Ninh Thuận 4%, Đắk Nông 4,3%, Ninh Bình 6%, Thanh Hóa 18,8%, Hà Tĩnh 6,9%, Khánh Hòa 5,7%...
Người đứng đầu Tổng cục Đường bộ cho rằng, có nhiều giải pháp để các địa phương xử lý tình trạng tiêu cực trong vận tải, như: Công khai danh tính các tổ chức, cá nhân vi phạm trên truyền thông; cấm các tổ chức, cá nhân liên quan đến xây dựng có vi phạm quá tải tham gia đấu thầu, thực hiện dự án; sửa đổi quy định tăng chế tài xử phạt lái xe, chủ xe chở quá tải…
Trong khi đó, việc các địa phương lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ, thanh tra giao thông có phẩm chất đạo đức tốt tư tưởng vững vàng và chuyên môn tốt thực hiện nhiệm vụ tại trạm cân. Những tổ chức, cá nhân vi phạm cần xử lý kỷ luật ở mức cao nhất, trường hợp đủ điều kiện cấu thành tội phạm thì khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên thực tế, giải pháp phòng chống tiêu cực trong lực lượng công vụ KTTTX được xem là điển hình đang được Công an TPHCM triển khai rất hiệu quả, đơn vị này lựa chọn những người là nguồn quy hoạch, đang phấn đấu phát triển để thực hiện nhiệm vụ tại các trạm cân.
Tổng cục ĐBVN đề nghị Bộ Công an lập chuyên án đấu tranh phòng chống tiêu cực trong chính lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông, triệt phá các tổ chức, cá nhân móc nối dẫn đường cho xe quá tải lưu thông; tăng chế độ bồi dưỡng, khen thưởng cho lực lượng làm nhiệm vụ tại trạm cân để tránh tiêu cực...
Theo Dantri