Trong đó, số ca tử vong tại Trung quốc đại lục 3.213 và 156 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung quốc có 3.929 ca tử vong do Covid-19.
Số ca tử vong cao nhất ngoài Trung Quốc là Italy với 2158 ca, Iran 853, Pháp 148, Tây Ban Nha 342 và Mỹ là 86 trường hợp. Một số nước châu Âu khác số ca mắc và tử vong đang có dấu hiệu tăng nhanh chóng như Thụy Sỹ 19 ca, Anh 55, Hà Lan 24 ca, Đức 15 ca. Hiên Italy đã bước sang ngày phong tỏa toàn quốc thứ 8, kể từ khi sắc lệnh này được Thủ tướng Giuseppe Conte ban bố vào ngày 9/3 nhằm ngăn chặn đà lây lan của chủng virus corona mới (SARS-CoV-2). Hiện tại, các bác sỹ cấp cứu ở Italy đang rơi vào khủng hoảng. Số bệnh nhân cần dùng vật tư chăm sóc đặc biệt càng gia tăng trong khi cơ sở vật chất có hạn đã buộc các bác sĩ tại đây phải chọn chỉ tập trung điều trị những bệnh nhân có cơ hội sống sót cao hơn. Ngoài tổn thất lớn về sinh mạng của con người, Italy có thể phải hứng chịu ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng hơn so với các nước khác tại châu Âu. Các điều tra dịch tễ tại Italy cho thấy, cho đến nay phương thức lây nhiễm chủ yếu của Covid-19 là thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh còn tỷ lệ lây nhiễm qua tiếp xúc với các bề mặt có dính virus là rất thấp. Vì thế, yêu cầu quan trọng nhất hiện nay vẫn là hạn chế tối đa tiếp xúc xã hội. Trong lúc đó tại Tây Ban Nha, nước chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 nghiêm trọng thứ hai tại châu Âu sau Italy, số ca nhiễm mới và tử vong vì dịch vẫn tiếp tục gia tăng. Trong ngày 17/3, Tây Ban Nha đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành nước có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 4 trên thế giới với 9942 ca. Số bệnh nhân tử vong tại nước này hiện là 342 ca. Một nửa trong tổng số ca nhiễm và ca tử vong là tại Thủ đô Madrid. Nhằm gia tăng các biện pháp ngăn dịch sau khi đã phong toả đất nước, Chính phủ Tây Ban Nha quyết định đóng cửa biên giới đất liền với Pháp và Bồ Đào Nha. Ngoài ra chính phủ Tây Ban Nha cũng sẽ trưng dụng các cơ sở y tế tư nhân. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez trong ngày 16/3 đã điện đàm với Thái tử Saudi Arabia và cho biết các nước G20 sẽ tổ chức một cuộc họp Thượng đỉnh bất thường để phối hợp hành động ngăn chặn Covid-19. Tại Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối 16/3 đã công bố hàng loạt biện pháp mạnh mẽ hơn. Tổng thống Pháp tuyên bố, hoạt động di chuyển và tiếp xúc sẽ bị hạn chế ở mức tối thiểu kể từ trưa 17/3 và kéo dài trong ít nhất 15 ngày trên toàn lãnh thổ. Ông Macron cũng kêu gọi người dân chỉ ra ngoài trong những trường hợp cần thiết như mua sắm nhu yếu phẩm, song phải tôn trọng khoảng cách giữa mọi người, điều trị y tế và đi làm đối với những vị trí không thể làm việc từ xa. Bên cạnh đó, từ trưa 17/3, biên giới vào EU và khối Schengen sẽ đóng cửa, song các công dân Pháp đang ở nước ngoài vẫn có thể hồi hương. Theo Tổng thống Macron, một bệnh viện dã chiến của quân đội sẽ được triển khai ở vùng Alsace, miền Đông-Bắc Pháp. Khẩu trang y tế được ưu tiên phân phối cho các bệnh viện và cơ sở y tế địa phương. Xe taxi và khách sạn sẽ có thể được huy động để chuyên chở nhân viên y tế, và mọi chi phí sẽ được Nhà nước Pháp thanh toán. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, Canada sẽ đóng cửa biên giới với những người không phải là công dân Canada, hoặc không thường trú ở nước này. Tuy nhiên, quy định mới sẽ không áp dụng đối với các phi hành đoàn, nhân viên ngoại giao cùng gia đình và các công dân Mỹ. Thủ tướng Trudeau khẳng định, những người có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 không thể nhập cảnh vào Canada, các hãng hàng không sẽ cấm những người này lên máy bay. Chỉ có 4 sân bay gồm Pearson International Airport, Vancouver International Airport, Montreal Trudeau Airport và Calgary International Airport tiếp nhận các chuyến bay quốc tế. Những biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 18/3. Thủ tướng Trudeau cũng nhắc lại khuyến cáo của Chính phủ Canada kêu gọi các công dân Canada đang ở nước ngoài thu xếp hồi hương khi còn có thể. Tại Mỹ, Nhà Trắng vừa triển khai các biện pháp mới nhằm bảo vệ Tổng thống Donald Trump và các trợ lý trước dịch Covid-19, trong đó có việc kiểm tra thân nhiệt bất kỳ ai vào khu vực này, kể cả báo chí. |