(CMO) Ðể kiểm soát chặt lượng người ra vào trường, mỗi ngày, 7 giờ và 13 giờ, nhân viên y tế học đường sẽ có mặt tại cổng ra vào, đo thân nhiệt, sát khuẩn nhanh và tiến hành khai báo y tế hoặc quét mã QR đối với nhân viên, người lao động làm việc tại trường; hạn chế tối đa người lạ vào khuôn viên trường. Ngoài ra, còn thực hiện giãn cách đối với một số bộ phận, phòng có thể làm việc Online tại nhà trong dịp hè này.Từ tháng 5/2021, ngoài bố trí cho sinh viên chuyển sang học Online, tránh tập trung đông người, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau còn thực hiện nhiều biện pháp: trang bị các bồn rửa tay tại khu hành chính, nhà gửi xe, các học khu và nhà vệ sinh; trang bị khẩu trang y tế, máy đo thân nhiệt, dán các khuyến cáo của Bộ Y tế tại nhiều nơi trong khuôn viên trường… Tính đến thời điểm hiện tại, Khoa Kinh tế nông nghiệp pha chế hơn 100 lít dung dịch sát khuẩn để sử dụng tại trường. Trong đó, dành 60 lít tặng các điểm trường mà Trường Cao đẳng Cộng đồng đến tuyển sinh; ngoài ra, trường còn tặng hơn 1.000 khẩu trang.
Cô Lý Minh Thuỳ, nhân viên y tế học đường, chia sẻ: “100% nhân viên đều tiến hành cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại di động. Ðiều đó không chỉ giúp mọi người có thể kiểm soát được sức khoẻ mà trong thực tế, khi tiến hành giao tiếp, di chuyển nhiều nơi, đã tiến hành quét mã để việc khai báo y tế nhanh chóng và thuận tiện hơn”. Năm 2020, sinh viên lắp ráp 10 máy phun dung dịch sát khuẩn tay tự động, trong đó trao tặng 2 máy cho doanh nghiệp. Ðây là một trong những sáng kiến khoa học của sinh viên trong hội thảo khoa học. Máy được lắp ráp thành công với chi phí tiết kiệm, chỉ 250.000 đồng/máy. Cơ chế hoạt động của máy dựa trên một bộ cảm biến hồng ngoại. Khi người sử dụng đưa tay vào máy (ở khoảng cách dưới 15 cm so với cảm biến), cảm biến hồng ngoại sẽ truyền tín hiệu đến bộ vi điều khiển. Sau đó, vi điều khiển sẽ truyền tín hiệu đến máy bơm áp lực. Máy bơm sẽ hút dung dịch sát khuẩn từ bình chứa và đẩy dung dịch xịt rửa tay cho người sử dụng. Không chỉ sát khuẩn nhanh, tiết kiệm thời gian, kiểm soát được lượng dung dịch vừa đủ, tránh lãng phí, thiết bị này còn giúp người dùng tránh được sự tiếp xúc với bề mặt, không chạm vào thiết bị sát khuẩn, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Cô Nguyễn Thị Tiên, Phó khoa Kinh tế thuỷ sản, cho biết: “Công thức điều chế theo đúng hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sinh viên chỉ cần tuân thủ các đơn vị chuẩn, sẽ cho ra được hỗn hợp dung dịch sát khuẩn an toàn, hỗ trợ đắc lực trong việc phòng chống dịch bệnh. Thông qua những buổi thực hành điều chế, không chỉ giúp sinh viên cọ xát với thực tiễn, mà qua đó để các em chia sẻ một phần sức cùng cộng đồng phòng dịch hiệu quả”. Ngoài nâng cao kỹ năng thực hành, mỗi sinh viên khi tham gia vào công tác phòng chống dịch cũng là một tuyên truyền viên tích cực vận động gia đình, người thân, bạn bè có ý thức, trách nhiệm đối với cộng đồng. Mỗi cá nhân góp sức phòng dịch bằng những hành động thiết thực, cụ thể nhất là đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên và hãy ở nhà khi không cần thiết phải ra đường. “Mỗi phần pha chế em đều rất cẩn trọng, làm sao cho chất lượng dung dịch đảm bảo nhất khi đến tay người dùng. Với em, đây là việc làm ý nghĩa trong thời điểm khó khăn nhất. Em mong muốn dung dịch sẽ đến những điểm trường vùng sâu vùng xa, những vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn, để học sinh có thể đến trường an toàn hơn, như món quà nho nhỏ bảo vệ sức khoẻ các em”, Nguyễn Kiều Trang, sinh viên năm cuối ngành Nuôi trồng thuỷ sản, chia sẻ. Chung tâm trạng, em Nguyễn Minh Tiến, sinh viên năm cuối ngành Nuôi trồng thuỷ sản, tâm tình: “Những tiết thực hành trở nên thú vị và ý nghĩa hơn khi tự tay pha chế lượng dung dịch sát khuẩn mà em nghĩ ở thời điểm này mọi người đều cần. Bản thân em cũng chủ động bảo vệ sức khoẻ như hưởng ứng lời kêu gọi của ngành y tế. Hạn chế ra đường, đặc biệt là giảm thiểu gặp gỡ, vui chơi cùng bạn bè, thay vì gặp trực tiếp thì nay có thể trao đổi qua mạng, cùng tương tác cũng là điều hay”./.
Ngô Nhi
|