Thoái vốn thu về gấp 8 lần Trong 3 năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa ráo riết hoàn thiện pháp luật, chính sách theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, chặt chẽ, sát thực tiễn, vừa triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn tại từng DN. Về mặt hoàn thiện thể chế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện đúng tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết số 12-NQ/TW và một số văn bản pháp quy, trong đó, Bộ Tài chính đã chủ trì trình Chính phủ ban hành 13 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Quyết định và 1 công văn chỉ đạo từ tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, trình tự cổ phần hóa, thoái vốn. Theo thẩm quyền, Bộ Tài chính cũng liên tục ban hành Thông tư, văn bản hướng dẫn cũng như giải quyết vướng mắc kịp thời đối với những trường hợp cụ thể. Nhờ đó, cổ phần hóa, thoái vốn đã được các bộ, địa phương và DN thực hiện chặt chẽ, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, góp phần hỗ trợ sự phát triển của DN tư nhân. Với nền tảng đó và căn cứ vào Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2016, cả nước đã cổ phần hóa được 66 DN; năm 2017 đã cổ phần hóa 69 DN; năm 2018 đã cổ phần hóa 33 DN. Về thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái 406 danh mục, khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các DN. Ngoài việc thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232, các đơn vị còn phải thực hiện thoái vốn đầu tư khỏi các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cao, thoái vốn khỏi các ngành nghề không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính và thoái vốn theo Phương án cơ cấu lại DN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tính từ năm 2016 đến năm 2018, cả nước đã thoái được khoảng 20,5 nghìn tỷ đồng, thu về 163,5 nghìn tỷ đồng, tức là gấp 8 lần. Cụ thể: Năm 2016 thoái được 3.645 tỷ đồng, thu về 6.839 tỷ đồng. Năm 2017 thoái được 9.046 tỷ đồng, thu về 138.327 tỷ đồng (gồm khoản thoái vốn nhà nước tại Sabeco và Vinamilk). Năm 2018 thoái được 7.885 tỷ đồng, thu về 18.334 tỷ đồng. Tuy còn chậm so với kế hoạch đặt ra song hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn đã chứng tỏ được tác dụng, hiệu quả thông qua tình hình hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN sau khi thực hiện cổ phần hóa. Thống kê mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, so với năm trước khi cổ phần hóa, bình quân lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách nhà nước, vốn điều lệ, tổng tài sản, doanh thu, thu nhập bình quân lao động của các DN đều tăng. Đơn cử, so với trước cổ phần hóa, trên 300 DN sau cổ phần hóa năm 2015 có bình quân lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ tăng 72%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu tăng 29%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%. Như vậy có thể thấy, các DN sau cổ phần hóa vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định và phát triển. Quản trị DN có nhiều kết quả nhất định từ khi đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp DNNN. Những đổi mới mạnh mẽ về chủ trương chính sách và hệ thống pháp luật kinh doanh đã tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động, đồng thời với việc tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động kinh doanh của các DN. Tăng cường thanh kiểm tra Đánh giá tích cực những tiến bộ rõ rệt của DNNN sau cổ phần hóa, thoái vốn và ghi nhận những đóng góp mà công tác này đem lại không đồng nghĩa với việc bỏ qua những tồn tại, hạn chế. Điều nhìn thấy rõ nhất là tiến độ cổ phần hóa quá chậm so với kế hoạch. Chỉ riêng năm 2018 vẫn còn 53 DNNN chưa được cổ phần hóa, 118 DN chưa được thoái vốn. Đặc biệt, TPHCM và Hà Nội có 50 DN chưa cổ phần hóa; các DN thuộc Bộ Quốc phòng cũng gặp vướng mắc khi liên quan tới quản lý đất đai. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị, thương mại của khu vực và thế giới thì các nguyên nhân chủ quan vẫn là nguyên nhân chính. Có thể kể đến như: Một số bộ, ngành, địa phương, DN còn chưa thực sự nghiêm túc trong triển khai kế hoạch, chấp hành chế độ báo cáo; vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt; một số DNNN chậm đổi mới quản trị DN để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa,... "Gánh nặng" của "sự chậm trễ" 3 năm vừa qua đặt lên vai 2 năm cuối của giai đoạn là 2019 và 2020. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho rằng: Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó, giải pháp tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước là rất quan trọng. Ngoài ra cần chú trọng tới hoạt động định kỳ công bố công khai thông tin về cổ phần hóa, thoái vốn DNNN làm cơ sở để theo dõi, đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh: “Tinh thần hành động của Chính phủ năm 2019 yêu cầu bứt phá thì lĩnh vực này cũng phải vậy trên tinh thần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tối đa hóa lợi ích Nhà nước, quyết liệt, công khai, minh bạch trong thực hiện, không quá coi trọng số lượng đồng thời xử lý trách nhiệm của cấp có thẩm quyền để chậm cổ phần hoá, thoái vốn". Chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan tới cổ phần hóa, thoái vốn, các Đề án cơ cấu lại DNNN và cơ cấu lại từng DN đều đã được xác định rõ ràng. Quyết tâm cũng đã được người đứng đầu của Ban Chỉ đạo khẳng định. Việc còn lại chỉ còn chờ việc thực hiện của các DN, các bộ, ngành và địa phương.
|