Theo hãng Sputnik của Nga, các chuyên gia tài chính cảnh báo New York đang bên bờ vực phá sản. Theo đó, gánh nặng thuế chồng chất, cùng với chi tiêu công tăng mạnh và tình trạng số người xuất cư nhiều hơn nhập cư có thể khiến TP. New York phá sản lần đầu tiên trong hơn 40 năm.
“Thành phố đang bị thâm hụt và có thể rơi vào tình thế khó khăn thực sự nếu chúng ta xảy ra suy thoái hoặc thêm nhiều người dân hơn nữa bỏ đi vì cải cách thuế”, tờ New York Post dẫn lời nhà kinh tế học Milton.
Một trong những lý do được đề xuất là nợ dài hạn của New York tăng cao, với việc thành phố này hồi tháng 10/2018 thông báo rằng nợ trái phiếu, lương hưu và các khoản trợ cấp hưu trí khác cộng lại đã đạt ngưỡng 257,3 tỷ USD, tăng 4,7 tỷ USD kể từ tài khóa 2017. Theo Thị trưởng Bill de Blasio, ngân sách mới được đề xuất thêm 3 tỷ USD chi tiêu, cộng với 89,2 tỷ USD hiện tại.
Các nhà tài chính cho biết, dự thảo ngân sách tài khóa 2020 của ông de Blasio bao gồm 750 triệu USD tiết kiệm, tuy nhiên, số tiền này không thể so sánh với con số chi tiêu lớn trong thành phố, gấp ba lần tỷ lệ lạm phát.
Theo Thống đốc Andrew Cuomo, New York nhìn chung đang đối mặt với tình trạng thâm hụt tài chính khổng lồ 2,3 tỷ USD và tình hình còn xấu đi sau khi Quốc hội Mỹ thông qua luật thuế mới năm 2017, hạn chế khả năng khấu trừ thuế nhà nước và thuế địa phương từ thuế thu nhập liên bang.
Ông Cuomo cho rằng, biện pháp áp thuế cao hơn đối với người giàu New York sẽ không giúp chấm dứt khủng hoảng bởi vì thành phố này vốn đã đánh thuế người giàu cao thứ hai trên toàn nước Mỹ.
Lần cuối trung tâm tài chính hàng đầu của Mỹ ở bên bờ vực phá sản là năm 1975. Tổng thống Mỹ khi đó Gerald Ford từ chối bảo lãnh thành phố này khỏi gánh nợ khổng lồ./.
Theo TTXVN