| Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc với báo giới trước thềm năm 2024. Bộ trưởng cho biết năm 2023, trong bối cảnh nước ta tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, hàng loạt chính sách miễn giảm, giãn hoãn thuế phí đã được kịp thời ban hành với quy mô lên đến khoảng 200 nghìn tỉ đồng song đến thời điểm chiều 28/12, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã đạt 1.708 nghìn tỉ đồng, vượt 5,4% so dự toán. Ngành Tài chính sẽ phấn đấu hết năm 2023 vượt thu 6% so với dự toán. Bộ trưởng cho rằng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chưa đạt như kỳ vọng, đây là một dấu ấn đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ vai trò tích cực của các biện pháp cải cách nguồn thu và hiệu quả của các chính sách tài khóa đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2023 đã bố trí hơn 760 nghìn tỉ đồng, bằng 35% tổng chi NSNN cho đầu tư công, gấp 1,5 lần so với năm 2022 (chưa kể phần vượt thu ngân sách năm 2022), đồng thời triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách, điều hành chi chặt chẽ trong phạm vi dự toán và khả năng thu ngân sách các cấp. Thành công trong kiểm soát bội chi, quản lý nợ công cũng là một điểm sáng trong điều hành chính sách tài khóa thời gian qua. Bội chi NSNN năm 2023 dưới 4% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 4,42% Quốc hội cho phép, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố dư địa chính sách tài khóa. Quản lý nợ công của Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá cao khi cho rằng, nợ công của Việt Nam bền vững và có nhiều dư địa để thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng. Tư lệnh ngành Tài chính khẳng định kết quả quản lý nợ công trong những năm qua là một điểm sáng trong điều hành chính sách tài khóa nói riêng và chính sách vĩ mô nói chung. Quy mô nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với trần 50%. Mức dư nợ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình năm 2023 của các quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm BB là 52,8% GDP và BBB là 54,9% GDP, trong khi mức tín nhiệm của Việt Nam còn thấp hơn 1 bậc so với mức tín nhiệm BBB. Cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên, chiếm khoảng 71% dư nợ Chính phủ góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Nợ trong nước chủ yếu là trái phiếu chính phủ có kỳ hạn phát hành dài, giảm thiểu rủi ro vay đảo nợ. Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ dự kiến năm 2023 khoảng 12,4 - 12,5 năm, đảm bảo mục tiêu từ 9-11 năm theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Lãi suất phát hành bình quân cả danh mục trái phiếu chính phủ dự kiến năm 2023 khoảng 3,3%/năm, giảm 0,18 điểm phần trăm so với mức năm 2022 trong bối cảnh lãi suất toàn cầu vẫn duy trì xu hướng tăng. Nợ nước ngoài giảm dần trong cơ cấu vay của Chính phủ. Danh mục nợ nước ngoài hiện hành chủ yếu vẫn là các khoản vay kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi; góp phần tăng tính bền vững nợ trước biến động tỷ giá của các ngoại tệ mạnh trên toàn cầu. Việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch nâng hạng Việt Nam từ mức BB lên mức BB+ vào tháng 12.2023 sau khi tổ chức Moody’s và S&P nâng hạng Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 và BB lên BB+ trong năm 2022 đều có dấu ấn từ kết quả củng cố tài khóa và kiểm soát nợ công. "Tôi cho rằng, với mức nợ thấp so với trần như hiện nay và cơ cấu nợ thuận lợi sau một thời gian Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ cơ cấu lại nợ công, Việt Nam có nhiều dư địa vay nợ công để triển khai vay vốn cho những dự án lớn là động lực của nền kinh tế, tạo ra hiệu quả kinh tế nhanh nhất và bền vững nhất" - Bộ trưởng nói. Năm 2024 tới đây sẽ tiếp tục là năm khó khăn đối với kinh tế xã hội, Bộ trưởng Phớc dự báo sẽ là năm có nhiều thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó, khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Trong khi đó nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính hết sức nặng nề: Dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỉ đồng; Dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỉ đồng; Bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỉ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP. Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Trong bối cảnh đó, mục tiêu lớn của ngành Tài chính là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, Trong đó, đặc biệt chú trọng nguồn lực thực hiện nhanh các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng; chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách các công trình trọng điểm quốc gia… phấn đấu giải ngân đầu tư công cao hơn năm trước, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nguồn. Đổi mới quản lý chi thường xuyên, tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ, khuyến khích sử dụng nguồn lực phù hợp với nhiệm vụ đặc thù của các bộ, ngành, địa phương. Bố trí đủ nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ theo quy định; tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững. "Trước mắt trong thời gian ngắn tới đây, chúng tôi chú trọng điều hành các nhiệm vụ tài chính - NSNN trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sao cho đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trước, trong và sau Tết diễn ra bình thường. Triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2024 ngay từ đầu năm để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đề ra" - người đứng đầu ngành Tài chính nhấn mạnh./. |