Theo Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, CPI tháng 4/2023 giảm 0,34% (khu vực thành thị giảm 0,41%; khu vực nông thôn giảm 0,27%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước; 4 nhóm hàng tăng giá. Mặc dù CPI tháng 4 giảm nhưng tính chung 4 tháng đầu năm 2023, CPI của Việt Nam vẫn tăng 3,84% so với cùng kỳ năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 4,9%. Nguyên nhân chủ yếu khiến CPI 4 tháng đầu năm tăng là do chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 9,08% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng 4 tháng qua cũng tăng 6,67% so với cùng kỳ năm trước, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao. Ngoài ra, chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,42% do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng cao, nhất là trong dịp tết Nguyên đán cũng tác động làm CPI tăng 0,2%. Bên cạnh đó, do nhu cầu trong dịp tết Nguyên đán tăng nên giá các mặt hàng thực phẩm (tăng 4,02%); giá điện sinh hoạt (tăng 2,39%) Về lạm phát, lạm phát cơ bản tháng 4/2023 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,84%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 4 tháng đầu năm 2023 giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 6,73% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng lại thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
|