');this.closest('table').remove();"> |
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Frankfurt am Main, miền Tây Đức. Ảnh: AFP/TTXVN |
Kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) có tăng trưởng song lạm phát trong khối vẫn ở mức cao. Điều này khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tăng lãi suất.
Động thái này gây thêm tổn thương tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp để kiểm soát giá cả.
Sau hơn một năm bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu tăng vọt sau khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine, người dân tại 20 quốc gia thành viên Eurozone đang bắt đầu cảm thấy tác động từ chính sách tăng lãi suất của ECB.
Kinh tế Eurozone chỉ tăng 0,1% trong ba tháng đầu năm do tiêu dùng nội địa ở nhiều nền kinh tế đình trệ. Đây là dấu hiệu cho thấy lạm phát gia tăng và thu nhập thực tế giảm đang gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Tăng trưởng chủ yếu đến từ xuất khẩu, nhờ sự hồi sinh của thương mại toàn cầu khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh.
Charles Hepworth, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý tài sản GAM Investments, cho rằng số liệu lạm phát tại từng quốc gia đang gây sức ép buộc ECB phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ tại cuộc họp tuần tới.
ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất lần thứ bảy liên tiếp tại cuộc họp ngày 4/5, khi các nhà hoạch định chính sách cân nhắc giữa mức tăng 0,5 điểm phần trăm và 0,25 điểm phần trăm.
Lạm phát tại Đức đã giảm xuống 7,6% trong tháng Tư so với 7,8% trong một tháng trước đó. Lạm phát Bồ Đào Nha và Ireland cũng giảm song vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ECB.
Trong khi đó, lạm phát tại Pháp và Tây Ban Nha thậm chí còn tăng cao hơn, do một số khoản trợ cấp năng lượng bị cắt giảm hoặc dừng hẳn. Tuy nhiên, đã có một số dấu hiệu cho thấy giá lương thực đang giảm ở cả hai quốc gia này cũng như ở Đức.
Hóa đơn hàng tạp hóa tăng vọt là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát chung trên toàn Eurozone trong những tháng gần đây, do chi phí nhiên liệu cao hơn, thời tiết không thuận lợi và một số công ty mở rộng biên lợi nhuận.
Dữ liệu lạm phát của Eurozone dự kiến công bố vào ngày 2/5, cùng với một cuộc khảo sát của ECB về các ngân hàng là những nhân tố quan trọng để ngân hàng này đưa ra quyết định về lãi suất.
Ngày 28/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng kêu gọi các ngân hàng trung ương ở châu Âu duy trì tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.
Phát biểu trước báo giới tại Stockholm (Thụy Điển), Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của IMF Alfred Kammer cho rằng có nhiều ví dụ trước đây cho thấy các nhà hoạch định chính sách tạm dừng việc tăng lãi suất để rồi lại cần đến nỗ lực tăng lần thứ hai nhằm giảm lạm phát, gây tổn hại hơn nữa đối với nền kinh tế.
Đối với ECB, ông Kammer cho rằng ngân hàng này cần duy trì tăng lãi suất đến giữa năm 2024 nhằm đưa lạm phát xuống mức mục tiêu vào năm 2025./.