Tanin là polyphenol (hoặc chất chống oxy hóa) có trong thực phẩm thực vật. Trà đen đặc biệt giàu chất này, tiếp theo là trà xanh. Tanin được cho là làm giảm quá trình hấp thụ sắt, một khoáng chất cần thiết để máu khỏe mạnh.
Sắt heme có trong thực phẩm từ động vật, bao gồm thịt, gia cầm và cá. Sắt không heme tồn tại trong các nguồn thực vật như rau lá xanh đậm, các loại đậu, trái cây sấy khô và ngũ cốc tăng cường sắt, chuyên gia dinh dưỡng Maddie Pasquariello cho biết. Sắt heme được cơ thể hấp thụ tốt hơn so với sắt không heme.
Theo Real Simple, chất tanin trong trà chủ yếu ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ sắt không heme. Nếu muốn thưởng thức trà mà không cản trở cơ thể hấp thu sắt, nên tránh kết hợp nó với 4 loại thực phẩm sau.
Rau lá xanh
Các loại rau lá xanh như bina, cải xoăn và cải cầu vồng cung cấp lượng sắt không heme cao. Như đã đề cập, sắt không heme không dễ hấp thụ vào cơ thể, bạn nên cân nhắc việc uống trà nếu lo lắng về lượng sắt hoặc bạn đang kiêng thịt, gia cầm hay cá. Ví dụ, bạn có thể nhâm nhi trà riêng trong bữa ăn hoặc chọn trà xanh thay vì trà đen.
Đậu
Cũng giống trà, đậu chứa tanin. Hãy thử thưởng thức đậu cùng nguồn vitamin C để thúc đẩy quá trình hấp thụ sắt không heme. Một số món có thể kết hợp với đậu bao gồm ớt chuông, cà chua và nước cốt chanh.
Đậu phụ
Pasquariello cho biết, khoảng nửa cốc đậu phụ chứa khoảng 36% lượng sắt khuyến nghị hàng ngày, trong khi cùng một lượng bít tết chứa khoảng 16%. Nhưng sắt trong đậu phụ là sắt không heme, vì vậy nó ít được hấp thụ hơn sắt heme trong bít tết. Nếu bạn bị suy giảm nồng độ sắt và thường uống nhiều trà, hãy cân nhắc bỏ uống trà khi ăn loại thực phẩm này.
Các loại hạt
Pasquariello cho biết, hạt điều đặc biệt giàu sắt không heme, cung cấp khoảng 19% lượng sắt khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ. Việc kết hợp các loại hạt và trà không chắc ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe lâu dài nhưng nếu muốn tăng cường hấp thụ sắt từ hạt, hãy thử kết hợp chúng với thực phẩm giàu vitamin C, như dâu tây hoặc cam.
Hướng Dương(Theo Real Simple)
Ảnh: Deposit Photos