游客发表
发帖时间:2025-01-09 10:54:17
"AI có thể viết văn giỏi, nhưng thơ ca vẫn thuộc về con người"
Sáng 25/10, Nhà xuất bản Hội Nhà văn (Hà Nội) phối hợp tổ chức buổi tọa đàm mang chủ đề "Thơ ca trong thời đại công nghệ số và phương thức đưa sáng tác đến công chúng".
Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Lữ Mai, nhà thơ Kim Hoa cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ khác.
Đề cập đến việc công nghệ số phát triển không ngừng, thơ ca cùng các loại hình nghệ thuật khác đang trải qua những chuyển đổi mạnh mẽ, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có những chia sẻ thiết thực.
"Thời này là thời đại tuyệt vời, thật sự sung sướng. Với các nhà văn, nhà thơ thì càng sướng hơn. Bây giờ, chỉ một chiếc điện thoại cũng chứa được cả thư viện thế giới", Trần Đăng Khoa hóm hỉnh.
Ông kể, trong chiếc điện thoại nhỏ gọn của mình có đến 175.000 cuốn sách điện tử. Đối với ông, đây là một trải nghiệm mới mẻ, tiện lợi và hữu ích - sách điện tử đã giúp nhà thơ có thể "mang cả thế giới" trong lòng bàn tay, mọi lúc mọi nơi.
Trong khi nhiều người lo ngại về sự thay thế của sách điện tử đối với sách in, nhà thơ vẫn giữ sự lạc quan về tương lai của sách giấy.
Ông khẳng định: "Sách giấy vẫn có chỗ đứng riêng. Sách điện tử rất tiện, nhưng sách giấy là kho tàng lưu giữ giá trị tinh thần. Các nhà xuất bản vẫn in lại rất nhiều sách của tôi, thậm chí cuốn Góc sân và khoảng trờiđã tái bản lần thứ 161 rồi đấy!".
Với nhà thơ, mỗi trang sách in đều có giá trị và ký ức, đặc biệt là những cuốn sách đã ở cạnh ông từ thời thơ ấu. Dù công nghệ có phát triển đến đâu, giấy vẫn mang một giá trị đặc biệt mà không thể thay thế.
Một trong những vấn đề thú vị trong buổi tọa đàm là cuộc trò chuyện về AI - công nghệ đã và đang làm thay đổi mọi lĩnh vực, kể cả văn chương và thơ ca.
Trần Đăng Khoa nửa đùa nửa thật gọi AI là "ma xó," với một giọng đầy hóm hỉnh nhưng cũng lộ rõ chút nghi ngại: "AI viết văn xuôi thì được, nhưng với thơ thì vẫn còn rất dở."
Ông giải thích rằng AI, với những tính toán và phân tích dữ liệu, có thể giúp viết ra các đoạn văn hợp lý, logic và thậm chí chính xác. Nhưng khi bước vào thế giới của thơ ca, nơi cảm xúc và tâm tư lên ngôi, AI lại bất lực.
"Thơ là những rung động của tâm hồn, những cảm xúc mà chỉ con người mới hiểu, mới truyền tải được", nhà thơ khẳng định.
"AI là công cụ mà con người "đẻ" ra, không phải công cụ chi phối con người"
Tại buổi tọa đàm, nhà thơ Kim Hoa, một trong những tên tuổi quen thuộc với thế hệ độc giả lâu năm, cũng chia sẻ những cảm nghĩ của mình. Bà tâm sự rằng khi bản thân bắt đầu sáng tác, điều kiện in ấn và cách thức đưa tác phẩm đến với công chúng còn nhiều hạn chế.
Theo bà, thời đó, mỗi bài thơ được đăng báo đều phải trải qua quá trình kiểm duyệt gắt gao, có khi chỉ được in vài chục cuốn để phát hành ở địa phương. Nhưng với công nghệ ngày nay, thơ của các nhà thơ trẻ dễ dàng tiếp cận hàng ngàn, thậm chí hàng triệu độc giả chỉ qua một lần đăng tải trên mạng xã hội.
"Công nghệ giúp các bạn đưa thơ ca tới gần hơn với người đọc, không cần phải chờ đợi mà tác phẩm của bạn có thể tiếp cận độc giả trên khắp thế giới," bà chia sẻ.
Nữ nhà thơ cũng khuyến khích thế hệ trẻ tận dụng công nghệ để lan tỏa thơ ca, nhưng bà không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn truyền thống. Bà tin rằng những giá trị tinh thần từ một cuốn sách, một tập thơ vẫn có sức sống riêng, không bị lãng quên trong nhịp sống số hóa.
"Sách giấy là nơi mà ta có thể tìm thấy chính mình," bà nói. Đối với bà, mỗi trang thơ được viết ra là một phần của cuộc đời, một phần của tâm hồn mà chỉ những ai thật sự trân trọng giá trị ấy mới có thể cảm nhận được.
Là nhà thơ thế hệ 8x, Lữ Mai bày tỏ lòng biết ơn khi được sống và sáng tác trong thời đại công nghệ. Với chị, nhờ sự kết nối của internet, thơ ca giờ đây đã có thể vượt qua mọi khoảng cách địa lý để đến với độc giả trên khắp thế giới.
Chị nói: "Bây giờ, không ai còn bị ràng buộc bởi không gian. Một bài thơ có thể lan truyền khắp thế giới chỉ trong nháy mắt và tôi may mắn khi được chứng kiến điều đó".
Tuy nhiên, Lữ Mai cũng thẳng thắn chia sẻ về những thử thách mà nhà thơ hiện đại phải đối mặt. Trong thế giới ảo, đôi khi không thể phân biệt thật, giả. Những lời khen, sự cổ vũ từ mạng xã hội đôi khi khiến người sáng tác mất đi định hướng, dễ dàng rơi vào cái bẫy ảo tưởng.
"Công nghệ mở ra cơ hội, nhưng cũng là thách thức cho chúng ta. AI là công cụ do con người "đẻ" ra, không thể chi phối con người", Lữ Mai khẳng định.
Sự kiện"Thơ ca trong thời đại công nghệ số và phương thức đưa sáng tác đến công chúng" không chỉ là một buổi tọa đàm đơn thuần. Đây là nơi giao thoa của những trái tim yêu thơ, những suy ngẫm về con người, công nghệ, và nghệ thuật.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接