Công nhân sản xuất đồ gỗ của Công ty TNHH Ván ép cơ khí xây dựng (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Khánh Linh |
Đơn hàng sụt giảm do áp lực lạm phát
Theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, từ quý I/2023 đến nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu gỗ và lâm sản chỉ đạt 3,1 tỷ USD, giảm 28,3%. Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang trong bối cảnh hết sức khó khăn. Đặc biệt, đơn hàng của doanh nghiệp từ các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu (EU) hay Hàn Quốc đều giảm tới hơn 20% trong những tháng vừa qua, riêng thị trường EU giảm tới 42,8%.
Thông thường, từ tháng 3 hàng năm các doanh nghiệp đã nhận đơn hàng để sản xuất cho 6 tháng tiếp theo và nhận các thông tin dự kiến đơn hàng cho đến cuối năm để chủ động trong việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu gỗ. Nhưng thực tế hiện nay các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ đang gặp tình trạng chung là thiếu đơn hàng, đơn hàng bị giảm sút, thậm chí không có đơn hàng. Dự kiến, tình hình này có thể kéo dài đến hết quý III năm nay.
Ông Nguyễn Minh Nhật - Giám đốc Công ty TNHH Ván ép cơ khí xây dựng, TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại các đơn hàng sản xuất, xuất khẩu gỗ của công ty chỉ đủ duy trì công suất sản xuất khoảng 60% so với trước đây, chủ yếu là để giữ chân người lao động. Bên cạnh đó, công ty cũng nhận sản xuất, xuất khẩu thêm các mặt hàng, kể cả chấp nhận lỗ miễn là duy trì hoạt động cho công nhân.
"Chúng tôi đã phải liên tục đàm phán với khách hàng cũ và tìm kiếm khách hàng mới, không chỉ vậy còn thực hiện chính sách giảm 5 - 10% lợi nhuận để tạo ra khung giá tốt hơn và thuyết phục khách hàng ra đơn ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp trong thời gian ngắn, thời gian tới không biết có đơn hàng hay không” - ông Nhật lo lắng.
Ông Nguyễn Phương - Giám đốc Công ty Minh Thành cho biết, dù doanh nghiệp đã làm việc chi tiết với khách hàng và có đơn hàng từ tháng 1 nhưng đối tác lại dời hàng đến tháng 7, tháng 8 và tháng 9, thậm chí không được sản xuất trước, chỉ làm hàng khi có thông báo từ khách hàng và có khả năng hủy đơn hàng bất cứ lúc nào.
Sắp diễn ra Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương 2023 Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, từ ngày 9 đến ngày 12/8/2023 sẽ diễn ra Hội chợ máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương 2023 - Bifa Wood Vietnam 2023. Đây là một cơ hội lớn để tìm kiếm khách hàng, khai thác những sản phẩm ngách và cùng nhau mở ra cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam trong nửa cuối năm nay. |
Lý giải nguyên nhân tình trạng này, các doanh nghiệp cho rằng, năm 2022 lạm phát gia tăng bởi tác động từ chiến sự Nga - Ukraine, suy thoái kinh tế toàn cầu, tăng trưởng chậm đặc biệt là ở các nước EU, châu Mỹ, Nhật Bản là các thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp ngành gỗ. Người tiêu dùng ở các quốc gia này thắt chặt chi tiêu, nhu cầu đối với các sản phẩm không thiết yếu như đồ gỗ gần như cắt giảm tối đa nên thị trường tiêu thụ đồ gỗ rất chậm.
Có một thống kê cho thấy, 51% người tiêu dùng ở Vương quốc Anh dự kiến tình hình tài chính của họ sẽ trở nên tồi tệ hơn trong sáu tháng tới, làm trầm trọng thêm các vấn đề chính mà các nhà bán lẻ ở Vương quốc Anh sẽ phải đối mặt trong năm nay. Đó cũng là nỗi lo với các nhà sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Tái cấu trúc, nâng cao chất lượng sản phẩm
Ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh nhận định, các đối tác chưa có kế hoạch mua hàng bởi chính họ cũng chưa thể dự đoán được tình hình trong thời gian tới. Tình hình sẽ chỉ khả quan hơn trong giai đoạn đầu năm 2024, nếu như lạm phát được kiềm chế, cuộc xung đột Nga - Ukraine chấm dứt và sức mua ổn định trở lại.
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp ngành gỗ đang phải đối mặt, các doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng giữ mức tín dụng để họ có thể duy trì sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ đến hạn; giãn tiền thuê đất; các loại phí. Các khoản giãn và khoanh nợ này sẽ không tính lãi. Đây là những giải pháp trọng tâm lúc này để duy trì ngành gỗ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm phục hồi, tái sản xuất trong thời gian tới.
Ở góc độ hiệp hội, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam nhấn mạnh, cơn sóng lạm phát vẫn chưa dừng lại, nhưng các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng không dừng lại mà tiếp tục tái cấu trúc, đầu tư nhiều vào khâu thiết kế, phát triển sản phẩm mới, đội ngũ bán hàng, phát triển kinh doanh để tiếp cận thị trường mới.
Để giảm thiểu khó khăn và thiệt hại mà doanh nghiệp ngành gỗ đang phải đối mặt, ông Lập cho hay, thúc đẩy tiêu dùng nội địa là một trong những ưu tiên hàng đầu để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng đồ gỗ tại thị trường nội địa, có chính sách mua sắm công với đồ gỗ, trong đó ưu tiên và khuyến khích sử dụng đồ sử dụng gỗ rừng trồng trong nước trong các gói mua sắm sử dụng ngân sách, không sử dụng các sản phẩm đồ gỗ nhập khẩu làm từ gỗ rừng tự nhiên ...
Ông Lập cũng đề nghị các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư có những chính sách lớn về đất đai, kỹ thuật, nguồn giống, tranh chấp thương mại quốc tế, kiểm soát nguyên liệu đầu vào chặt chẽ, các chính sách về xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp, các dự án đầu tư vào ngành gỗ... để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong giai đoạn khó khăn này.
Thúc đẩy mở rộng thương mại và giảm rủi cho cho ngành gỗ Việt Nam Tại cuộc họp Ban chỉ đạo ngoại giao kinh tế tháng 5, tập trung cho ngành hàng gỗ, do Bộ Ngoại giao chủ trì chiều tối ngày 22/5, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam khẳng định, ngoại giao thương mại có vai trò đặc biệt quan trọng đối với ngành gỗ nói riêng và các ngành hàng khác có độ mở lớn của Việt Nam. Hiện ngành gỗ đang đối diện với 2 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới mặt hàng gỗ dán và tủ bếp do Mỹ khởi xướng điều tra, vụ việc đã kéo dài, ông Đỗ Xuân Lập đề nghị Chính phủ, các cơ quan ngoại giao trao đổi với Bộ Thương mại Mỹ, đề nghị phía bạn giải quyết vụ việc đúng tiến trình, thời gian đã ấn định. "Vụ việc điều tra mặt hàng gỗ dán đã gia hạn ra quyết định tới lần thứ 7 và kéo dài 3 năm, tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp gỗ dán Việt. Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất ra không bán được hàng, điều đáng lo ngại là, các nhà mua hàng Mỹ chuyển dịch sang mua hàng tại các thị trường khác. Do đó, cần có sự can thiệp/vận động hành lang để giải quyết các vụ kiện một cách công bằng" - ông Đỗ Xuân Lập nói. Ông Đỗ Xuân Lập cũng lưu ý rằng, đối với ngành gỗ, tranh chấp thương mại xảy ra chủ yếu liên quan đến lẩn tránh xuất xứ - chuyển khẩu. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao có giải pháp để ngăn chặn xu thế sẽ bị khởi kiện khi có sự dịch chuyển của chuỗi cung về Việt Nam đối với các sản phẩm đã bị áp thuế chống trợ cấp, chống bán phá giá; kiểm soát việc chuyển khẩu, hạn chế các dự án đầu tư nước ngoài vào sản xuất các sản phẩm đã bị áp thuế chống bán phá giá. Đặc biệt, cần định hướng lại nguồn gốc nguyên liệu cấu thành sản phẩm đối với các doanh nghiệp và thị trường Mỹ để không xảy ra tình trạng chuyển khẩu hàng hóa là nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp thương mại... |