Hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý I/2019 khép lại với xu hướng tăng trưởng chậm do ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và những vấn đề liên quan đến Brexit. Từ những khó khăn này đã khiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông,ấtkhẩuquItăngtrưởngchậmTcđộngtừnhiềuyếutốlịch thi đấu siêu cúp nam mỹ lâm, thủy sản giảm mạnh; mặt hàng điện thoại cũng không tăng trưởng cao như những năm trước…
Hoạt động sản xuất sản phẩm linh kiện điện tử tại Công ty TNHH TPR Việt Nam tại KCN Vsip 2 Bình Dương. Ảnh: Hải Âu/TTXVN
Nhiều mặt hàng sụt giảm
Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 đạt 22,4 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Như vậy, nếu tính chung cả quý I tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 58,51 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 24,5% của quý I/2018; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 17,05 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 29,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 41,46 tỷ USD, tăng 2,7%, chiếm 70,9%. Đáng lưu ý là sau 3 tháng, thặng dư thương mại đạt 536 triệu USD.
Chia sẻ vấn đề này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, điểm nổi bật của hoạt động xuất khẩu sau quý I là tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 9,7%, cao hơn nhiều so với khối doanh nghiệp nước ngoài 2,7%. Đây là những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp.
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản chỉ đạt khoảng 1,03 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Tiếp đến là sự sụt giảm của nhóm nông, lâm, thủy sản (nhóm chiếm 9,56% trong tổng kim ngạch xuất khẩu), song cũng chỉ đạt khoảng 5,59 tỷ USD (tức là giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước).
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong những tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản gặp nhiều khó khăn do một số mặt hàng xuất hiện tình trạng cung vượt cầu, giá xuất khẩu giảm.
Không những thế, ngay trong quý I đã có tới 7/9 mặt hàng trong nhóm này có sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu. Chẳng hạn như giá nhân điều giảm 20,9%, cà phê giảm 10%, hạt tiêu giảm 28%, gạo giảm 13,7%, cao su giảm 10,9%...
Các chuyên gia thương mại lý giải thêm rằng, xuất khẩu quý I năm nay giảm, nhất là đối với mặt hàng nông sản giảm mạnh cả về lượng và giá khiến mục tiêu đạt 40 - 43 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay gặp nhiều khó khăn.
Nhận định từ giới phân tích cho thấy, sở dĩ xuất khẩu quý I duy trì được đà tăng chủ yếu là nhờ vào nhóm hàng công nghiệp chế biến. Cụ thể, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tới 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với kim ngạch đạt 49 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Đặc biệt, một số mặt hàng chủ lực trong nhóm hàng này duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm 2018, bao gồm dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép các loại…
Tuy nhiên, điện thoại và linh kiện - nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sau 3 tháng chỉ đạt 12 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Đây là những nguyên nhân tác động lớn đến con số xuất khẩu chung của cả quý I.
Ông Trần Thanh Hải cho biết thêm, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 13 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường EU đạt 10,2 tỷ USD, tăng 2,5%; Trung Quốc đạt 7,6 tỷ USD, giảm 7,4%.
Trong khi đó, thị trường ASEAN đạt 6,3 tỷ USD, tăng 6%. Nhật Bản đạt 4,7 tỷ USD, tăng 9,4%; Hàn Quốc đạt 4,7 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, hoạt động nhập khẩu trong quý I đạt 57,98 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng khu vực kinh tế trong nước nhập 24,09 tỷ USD, tăng 13,4%, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 33,89 tỷ USD, tăng 6%.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, chiếm 87,1% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong quý 1/2019 là các mặt hàng nguyên vật liệu trung gian phục vụ sản xuất trong nước hoặc gia công hàng xuất khẩu (nhóm hàng cần nhập khẩu), đạt 50,51 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Một số mặt hàng nhập khẩu nhiều trong quý này tập trung vào các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 15,1%, đạt 8,72 tỷ USD; vải các loại tăng 6,4%, đạt 2,84 tỷ USD; sắt thép các loại tăng 4,1%, đạt 2,83 tỷ USD…
Trước thực trạng này, ông Trần Thanh Hải khẳng định, hàng hóa nhập khẩu nhìn chung không có nhiều vấn đề đáng lo ngại, ngoại trừ nhập khẩu mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ tăng 18,8% so với cùng kỳ và gần tương đương con số nhập khẩu của cả năm 2018.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, nguyên nhân khiến mặt hàng này đang tăng mạnh là do các Hiệp định đã ký kết giúp mức thuế thuế nhập khẩu giảm mạnh, tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu ô tô.
Chính vì thế, Bộ Công Thương đang tính đến việc xây dựng một hàng rào phòng vệ thương mại trong trường hợp nhập khẩu mặt hàng này tiếp tục tăng mạnh, gây ảnh hưởng đến sản xuất ô tô trong nước.
Theo tính toán, trong tháng 3 Việt Nam xuất siêu đạt 600 triệu USD và tính chung cả quý I đã xuất siêu 536 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với con số 2,7 tỷ USD trong quý I/2018. Trong số đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,04 tỷ USD, ngược lại khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,57 tỷ USD.
Kết quả này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả xuất khẩu chung bởi các ý kiến cho rằng tăng trưởng xuất khẩu quý II nhiều khả năng sẽ chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 do sự suy giảm của thương mại toàn cầu, nhất là ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc là hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Kỳ vọng vào lực đẩy
Dự báo từ các chuyên gia, sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ được thông qua góp phần tạo ra "làn sóng" đầu tư mới vào Việt Nam của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vì vậy, việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng. Điều này sẽ dẫn tới cán cân thương mại có thể đảo chiều từ xuất siêu sang nhập siêu.
Đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước cho rằng, các FTA nói chung và CPTPP nói riêng đều hướng đến đối tượng được hưởng lợi là doanh nghiệp. Nhưng điều lớn nhất mà doanh nghiệp được hưởng lợi không chỉ là thuế mà còn là sự thay đổi thể chế cho phù hợp và sự thông thoáng trong kinh doanh.
Cũng theo ông Trần Văn Lĩnh, việc thay đổi này cần phải có thời gian, nhưng doanh nghiệp có quyền hy vọng sự đột phá trong các chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, CPTPP cũng mang lại sự công bằng cho doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân.
Nhằm kịp thời có những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, mới đây Bộ Công Thương đã có công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương để phối hợp đánh giá nguyên nhân suy giảm tăng trưởng xuất khẩu đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, ngành nhằm dự báo xu hướng tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu trong năm 2019.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng tổ chức các Đoàn làm việc trực tiếp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.
Cùng đó, Bộ Công Thương đề xuất các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ được nêu tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/ 8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Đây là những nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, xuất khẩu.
Ngoài ra, tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để chủ động trong điều hành và có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng cũng như tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.
Đồng thời rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, tăng cường kiểm tra thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh và đề xuất phương án chỉnh sửa, bổ sung phù hợp.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, tới đây Bộ Công Thương tiến hành cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo hướng đơn giản hóa quy trình, hỗ trợ các doanh tiếp cận thị trường, chuẩn bị thủ tục, nguồn hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường các nước khi CPTPP có hiệu lực.
Bộ cũng sẽ liên tục cập nhật thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với các vụ việc hàng hóa xuất khẩu bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Theo Uyên Hương (TTXVN)