Chính sách rõ ràng nhưng thiếu phù hợp
Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, hiện nay chính sách thuế đối với Grab và Uber khá rõ ràng. Cụ thể, trong trường hợp Grab, đây là doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam có hai thành viên. Một là đại diện cá nhân trong nước góp vốn 51% và 49% còn lại của nước ngoài. Do vậy, Grab áp dụng nộp thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai doanh thu trừ chi phí.
Với Uber, do đây là công ty nước ngoài thành lập ở Hà Lan và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nên không đủ điều kiện để tính theo phương pháp kê khai doanh thu trừ chi phí. Công ty Uber B.V Hà Lan ủy quyền cho đại diện thương mại tại Việt Nam là Công ty TNHH Uber Việt Nam để khai và nộp thuế nhà thầu thay. Như vậy, Uber B.V Hà Lan là người đang kinh doanh, ký các hợp đồng vận tải với Việt Nam nên nộp thuế theo phương pháp tỷ lệ nhất định. Theo đó, nghĩa vụ thuế của Uber B.V Hà Lan như sau: Tỷ lệ % để tính thuế Giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng là 3%; tỷ lệ % để tính thuế Thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được hưởng là 2%. Cá nhân ký kết hợp đồng với Công ty Uber B.V Hà Lan để kinh doanh vận tải, nghĩa vụ thuế được xác định là tỷ lệ % để tính thuế giá trị trên doanh thu được hưởng là 3%; tỷ lệ % để tính thuế Thu nhập cá nhân trên doanh thu được hưởng là 1,5%. Như vậy, chính sách thuế áp dụng cho hai doanh nghiệp này là khác nhau.
Kể từ khi hoạt động tại Việt Nam, cả hai doanh nghiêp này đã được Tổng cục Thuế và cơ quan Thuế quản lý trực tiếp thực hiện hướng dẫn kê khai thuế đầy đủ. Theo thông tin từ Grab, doanh nghiệp này đã hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế trong 3 năm 2014-2017. Tính đến hết tháng 10/2017, Grab đã nộp ngân sách nhà nước hơn 142 tỷ đồng.
Còn với Uber, năm 2017, Cục Thuế TP.HCM đã thanh tra và truy thu, xử phạt thuế với Uber 67 tỷ đồng. Hiện Uber đã nộp 13 tỷ đồng. Cơ quan Thuế đang khá lúng túng trong ciệc cưỡng chế thu hồi phần còn lại (gần 54 tỷ đồng) và đang phải dừng lại để xin ý kiến Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Cục thuế TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ có chính sách cụ thể để xử lý thuế với các hình thức kinh doanh mới phát sinh.
Theo ông Lưu Đức Huy, Uber, Grab hay các loại hình kinh doanh tương tự đều đang được Bộ Tài chính quản lý thuế theo đúng luật. Chính sách quản lý thuế đã có quy định đầy đủ theo nguyên tắc được đưa ra: Người nôp thuế tự khai, tự tính, tự nộp. Cơ quan Thuế chỉ thực hiện chức năng hậu kiểm. Nếu doanh nghiệp kê khai không đúng, không đủ sẽ bị xử lý hay không chịu kê khai hoặc chậm thì thuộc diện quản lý rủi ro.
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thuế cũng thừa nhận, loại hình taxi công nghệ không chỉ mới với duy nhất nước ta mà còn gây lúng túng cho cơ quan quản lý của nhiều nước trên thế giới. Các chính sách thuế hiện hành đa phần chỉ phù hợp với loại hình taxi truyền thống. Hơn nữa để sửa đổi, bổ sung luật quản lý cần có một thời gian nghiên cứu, đánh giá và lấy ý kiến của nhiều bên liên quan, từ đó mới trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Quản lý từ dòng tiền
Ðối với việc xác định hoạt động kinh doanh của hai công ty trên, đến nay, sau hai năm triển khai thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, nhưng hai dịch vụ vận chuyển mới này đều chưa được định danh rõ ràng. Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng, bản chất của Uber, Grab là xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng (được các Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu xe hợp đồng theo quy định) ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản (bản giấy) chứ không phải là loại hình taxi. Chính vì vậy, trên cơ sở kinh nghiệm một số nước trên thế giới, tổng kết thực tiễn đề án thí điểm và các kiến nghị liên quan, Chính phủ đã chấp thuận cho phép tiếp tục kéo dài hoạt động thời gian thí điểm cho đến khi Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NÐ-CP về kinh doanh vận tải có hiệu lực. Đồng thời, giao các địa phương quyết định số lượng phương tiện tham gia thí điểm. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp nghiên cứu về loại hình vận tải để đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải, phù hợp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ý kiến của Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Luật Việt Tín Nghĩa, khi nghiên cứu chu trình hoạt động của Grab cho thấy, khách hàng sử dụng dịch vụ sẽ thanh toán cho Grab qua thẻ ngân hàng, hoặc thanh toán tiền mặt trực tiếp cho tài xế, sau đó tài xế nộp tiền lại cho Grab. Toàn bộ dòng tiền đều trở về tài khoản Grab trước khi phân phối trở lại cho các bên liên quan. Với chu trình trên, có thể nói Grab quản lý hầu hết hoạt động kinh doanh, từ nguồn khách hàng đến dòng tiền. Thực tế này gây không ít khó khăn cho công tác quản lý, đặc biệt là quản lý thuế. Bên cạnh đó, số lượng tài xế của Grab tăng với tốc độ rất nhanh, số lượng người nộp thuế phải quản lý rất lớn, việc tập trung quản lý tại một điểm sẽ là trở ngại cho riêng lẻ một cơ quan quản lý.
“Để quản lý thuế nhất thiết phải quản lý được dòng tiền tạo ra từ thu nhập. Trong bối cảnh quản lý Grab và tài xế đều khó khăn, thì việc quản lý các hợp tác xã sẽ thuận tiện hơn, bởi đây là các tổ chức trong nước, có bộ máy kế toán và có đủ cơ sở để quy trách nhiệm về thuế. Có thể thực hiện chu trình cho Grab như sau: Grab cung cấp nền tảng công nghệ, các tài xế thông qua các hợp tác xã đăng ký sử dụng phần mềm theo mức phí Grab đề xuất. Tất cả tiền thu được buộc phải qua hợp tác xã mà tài xế đăng ký, thay vì qua Grab như trước đây. Hợp tác xã phải mở tài khoản đặc thù và pháp luật sẽ có quy định cụ thể để đảm bảo việc sử dụng tài khoản minh bạch, có kiểm soát, và chi trả đầy đủ cho các bên liên quan. Đồng thời hợp tác xã có nghĩa vụ thanh toán phí công nghệ cho Grab trước khi khấu trừ thuế kinh doanh. Hợp tác xã cũng thực hiện thanh toán phí cho tài xế và khấu trừ thuế trước khi thanh toán với Grab. Phần thu nhập còn lại thuộc về hợp tác xã và họ thực hiện nghĩa vụ thuế của mình”, ông Nguyễn Đức Nghĩa đề xuất
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa cũng nhấn mạnh, với những loại hình vận tải công nghệ như Grab hay Uber, việc quản lý thông qua các đơn vị vận tải trong nước như trên vừa tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế và hành chính khác, vừa tạo sự công bằng trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp vận tải. Cách quản lý như vậy vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng được hưởng lợi ích từ công nghệ 4.0 mang lại.