Một lô hàng vi phạm SHTT do Hải quan TPHCM phát hiện. Ảnh: T.H |
Tháng 4/2023, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Văn Dung TH mở tờ khai hải quan, khai báo nhập khẩu lô hàng gồm 17.880 đôi dép nhựa xốp tái chế, cỡ từ 36 đến 44, không hiệu, nhà sản xuất: EXPRESS STAR LINE LTD, mới 100%; trên 2.000 đôi giày học sinh có đế ngoài bằng cao su, chất liệu vải, pu giả da, cỡ 30-44, không hiệu, nhà sản xuất: EXPRESS STAR LINE LTD, mới 100%.
Thực tế kiểm tra ngoài phần sai khai báo về số lượng, trong lô hàng nhập khẩu này, cơ quan Hải quan còn phát hiện có 1.800 đôi đép có gắn dấu hiệu logo tam giác ba sọc, bên trong lòng dép có in dòng chữ “Comfort-Meizudeng -Originals”. Kết quả giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ cho thấy, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu Adidas.
Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã ra quyết định xử phạt doanh nghiệp số tiền 27,6 triệu đồng và buộc tiêu hủy tang vật đối với phần hàng xâm phạm quyền SHTT.
Ngày 30/8/2023, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã ra quyết định số 160/QĐXP xử phạt Công ty TNHH vận tải hàng hải BQP (TPHCM) số tiền phạt là 60,72 triệu đồng và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Trước đó, Công ty TNHH vận tải hàng hải BQP mở 2 tờ khai hải quan nhập khẩu lô hàng khai báo là dép nhựa xốp (EVA SLIPPERS, nhiều màu sắc, size 18-40, không thương hiệu), hàng mới 100%.
Trong đó, 1 tờ khai khai báo số lượng 33.820 đôi. Thực tế kiểm tra về số lượng đúng như khai báo. Tuy nhiên, trong số 32.820 đôi có 3.000 đôi có gắn dấu hiệu logo 3 sọc trong lòng dép có đúc chữ Comfort MEIZUDENG originals (xâm phạm quyền SHTT).
Đối với tờ khai hải quan khai báo số lượng 34.460 đôi. Thực tế kiểm tra, cơ quan Hải quan phát hiện thừa 3.130 đôi dép. Trong đ, có 2.000 đôi có gắn dấu hiệu logo 3 sọc trong lòng dép có đúc chữ Comfort MEIZUDENG originals (xâm phạm quyền nhãn hiệu).
Tại thời điểm kiểm tra thực tế hàng hoá, Công ty TNHH Vận tải Hàng hải BQP (mã số thuế: 0316731398) không cung cấp được hồ sơ liên quan đến việc uỷ quyền xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hoá là mặt hàng dép có gắn dấu hiệu logo tam giác 3 sọc của nhãn hiệu Adidas của chủ sở hữu nhãn hiệu Adidas International Marketing B.V. đã được bảo hộ tại Việt Nam theo đăng ký quốc tế số 699437 cấp ngày 27/8/1998 (có hiệu lực đến 27/8/2028).
Ngoài các vụ việc nhập khẩu hàng giả vi phạm được xử lý, Cục Hải quan TPHCM gặp khó khăn trong việc xử lý các lô hàng xuất khẩu có hàng hóa xâm phậm quyền SHTT.
Ông Lê Nguyên Linh, Trưởng phòng Tham mưu chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan TPHCM cho biết, khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, cơ quan Hải quan phải đối diện với các loại hàng hóa không phải đang bán trôi nổi ngoài thị trường để có thể nhìn thấy và nhận diện được, mà là hàng hóa để trong container kín, nên việc nhận diện, phát hiện rất khó khăn. Trong khi đó, chủ hàng thường không khai báo nhãn hiệu nên cơ quan Hải quan không thể tra cứu, xác minh.
Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Lê Nguyên Linh cho biết, ngoài những lô hàng trên, năm 2023, Cục Hải quan TPHCM phát hiện một lô hàng khoảng gần 30.000 sản phẩm mang nhãn hiệu của Chanel, Dior, Versace… Mặc dù các nhãn hiệu này có đại diện tại Việt Nam nhưng việc liên hệ cũng mất rất nhiều thời gian, còn với những chủ thể quyền không có đại diện tại Việt Nam còn khó khăn hơn.
Ngoài ra, Cục Hải quan TPHCM phát hiện một doanh nghiệp XK bánh kẹo cho Công ty Chocopie. Mặc dù đã xác định đó là hàng giả, lập biên bản xử lý, nhưng do Hải quan không có thẩm quyền xử phạt nên vụ việc kéo dài, chuyển qua nhiều cơ quan và sau đó hết thời hạn xử phạt. Do đó, cơ quan Hải quan cần thiết phải có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực xuất khẩu.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh với tội phạm buôn lậu, hàng giả, vi phạm SHTT, tại Tọa đàm “Chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm SHTT- Bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp” do Tạp chí Hải quan tổ chức vào tháng 12/2023, ông Vũ Hoài Linh, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền SHTT (đội 4), Cục Điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự thống nhất trong việc áp dụng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về hàng giả, hàng vi phạm SHTT; đồng thời bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng Hải quan đối với hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp đối với hàng xuất khẩu.