Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19 đến ngày 21/5/2023. Nhân sự kiện này, phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Việt Nam ở nước sở tại, ông Phạm Quang Hiệu về vai trò của Việt Nam cũng như quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong 50 năm xây dựng và phát triển. - Thưa Đại sứ, việc Việt Nam lần thứ 2 được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng cho thấy vị thế của chúng ta được coi trọng trên trường quốc tế. Theo Đại sứ, Việt Nam có vai trò ra sao đối với Nhật Bản nói riêng và các nước G7 nói chung? Đại sứ Phạm Quang Hiệu: Việt Nam là một trong 8 nước được Nhật Bản, với tư cách là chủ tịch luân phiên, mời dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tổ chức tại Hiroshima. Các nước được mời đều nằm trong khu vực Nam bán cầu hoặc là những đối tác quan trọng của Tokyo. Trong đó, Đông Nam Á là khu vực duy nhất có 2 nước được mời, gồm Indonesia, Chủ tịch luân phiên của ASEAN và Việt Nam. Đây là lần thứ 3 lãnh đạo Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 (sau các Hội nghị Thượng đỉnh năm 2016 tại Nhật Bản và năm 2018 tại Canada) và là lần thứ 2 Việt Nam được mời với tư cách là quốc gia độc lập, không đại diện cho một tổ chức hay một nhóm nước trong khu vực. Việc Việt Nam tiếp tục được mời dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima cho thấy quốc tế thực sự coi trọng vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đánh giá cao chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cũng như các nỗ lực và đóng góp mang tính xây dựng và có trách nhiệm của Việt Nam vào các vấn đề chung của quốc tế như phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.... Việc Nhật Bản một lần nữa mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng còn là minh chứng thể hiện quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước đang phát triển rất tích cực vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á; cho thấy Nhật Bản thực sự coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực, kỳ vọng Việt Nam tiếp tục phối hợp, ủng hộ Nhật Bản tại các diễn đàn đa phương, đồng thời có tiếng nói và đóng góp tích cực vào giải quyết những vấn đề chung của quốc tế và khu vực. - Thưa Đại sứ, hợp tác giữa Việt Nam với các thể chế như G7 nói chung và hợp tác với từng nước thành viên nói riêng có ý nghĩa như thế nào trong quá trình phục hồi kinh tế giai đoạn hậu COVID-19? Đại sứ Phạm Quang Hiệu: Nhóm G7 gồm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, là một tập hợp lực lượng quan trọng nhất trong hệ thống quản trị toàn cầu, chiếm khoảng 47% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới và là diễn đàn giúp các nước phát triển hàng đầu tìm kiếm sự đồng thuận và thống nhất quan điểm, lập trường về các vấn đề khu vực và quốc tế. Đại sứ Phạm Quang Hiệu. (Ảnh: TTXVN) Việc hợp tác với G7 nói chung và với từng nước thành viên G7 nói riêng là nhu cầu và quyết tâm chính trị của các bên trong việc thúc đẩy triển khai quan hệ hợp tác theo hướng thực chất, hiệu quả, vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Các nước G7, G7 mở rộng đều coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam, mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt cùng có lợi với Việt Nam, thông qua đó phát huy ảnh hưởng ở Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Ngay trước khi tuyên bố lời mời, Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã công bố khoản đầu tư 75 tỷ USD xây dựng hạ tầng cơ sở như một khoản đóng góp cho chương trình phát triển khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở; đồng thời coi hội nghị này là cơ hội để thảo luận vấn đề hợp tác với các nước đang phát triển và mới nổi, đặc biệt trao đổi ý kiến về các vấn đề tài trợ phát triển cũng như cách thức đối phó với các thách thức, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh môi trường cho thế giới. Việt Nam vừa qua đã triển khai nhiều biện pháp tổng thể, toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tuần hoàn; thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban nhằm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và được các thành viên G7 thống nhất đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên hợp tác năng lượng. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp cận với nguồn đầu tư này, đồng thời tăng cường hợp tác với các nước G7 để chuyển đổi mô hình kinh tế và phục hồi kinh tế hậu COVID-19. - Đại sứ nhận định như thế nào về công tác chuẩn bị cho hội nghị của nước chủ nhà Nhật Bản, cũng như vai trò điều hành của Nhật Bản trên cương vị Chủ tịch luân phiên G7 năm 2023? Việt Nam cần thể hiện như thế nào trong vai trò là khách mời? Đại sứ Phạm Quang Hiệu: Những nội dung chính của Hội nghị Thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng phù hợp với quan tâm và lợi ích của Việt Nam. Với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của nhân loại, Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế và uy tín của mình trên trường quốc tế, được xem như một điển hình cho sự hợp tác giữa các nước phát triển với nước đang phát triển để ứng phó với những vấn đề cấp bách toàn cầu. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (thứ hai từ phải sang) công bố logo Hội nghị thượng đỉnh G7. (Nguồn: A Hội nghị không chỉ là dịp để ta giới thiệu đường lối đối ngoại, hình ảnh đất nước, kêu gọi sự hỗ trợ và thu hút đầu tư nước ngoài mà còn là cơ hội thể hiện tinh thần trách nhiệm đóng góp giải quyết các vấn đề chung của khu vực và quốc tế. - Năm nay Nhật Bản và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Xin Đại sứ đánh giá quan hệ hai nước trong 50 năm qua và triển vọng trong giai đoạn tới? Đại sứ Phạm Quang Hiệu: Thực tế cho thấy, việc mời các quốc gia ngoài nhóm thành viên chính thức là thẩm quyền của nước đăng cai hội nghị và được sự đồng thuận của các thành viên khác. Việc 2 lần Nhật Bản mời Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng xuất phát từ mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước cũng như hòa bình và phồn vinh ở châu Á và thế giới. Chuyến làm việc tại Nhật Bản lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho thấy đường lối nhất quán của Việt Nam trong quan hệ với Nhật Bản, coi trọng và ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước vì sự phồn vinh và phát triển ở châu Á; là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa biện pháp cụ thể để kết nối hai nền kinh tế thông qua hợp tác đầu tư, thương mại, viện trợ phát triển chính thức (ODA), tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Đây là minh chứng cho độ tin cậy chính trị giữa hai nước, khẳng định sự chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong giải quyết thách thức toàn cầu; đồng thời tạo thêm xung lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Nhật Bản đi vào chiều sâu. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, trong 50 năm qua, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển không ngừng trên nhiều lĩnh vực, cả chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, từ cấp lãnh đạo quốc gia tới cấp cơ sở. Thời gian tới, Đại sứ quán sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai hiệu quả kế hoạch hợp tác song phương, trong đó có các kế hoạch trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao, tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, đến quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, lao động, giáo dục, văn hóa, y tế, khoa học công nghệ, du lịch, hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân…; đồng thời hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam-hiện là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật với gần 500.000 người-sinh sống, học tập và làm việc ổn định tại Nhật Bản, tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển xã hội của hai nước. Với những tiền đề tốt đẹp như vậy, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản được cho là có “tiềm năng vô hạn." Hàng loạt hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay sẽ là dịp để nhìn lại quan hệ Nhật Bản-Việt Nam, kiến tạo nền tảng cho mối quan hệ ấy phát triển vượt bậc hơn nữa, hướng tới tương lai, vươn tầm khu vực và thế giới với tư cách là những đối tác có vị thế ngang bằng cùng mang lại lợi ích cho nhau. Là Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, tôi vinh dự và tự hào được đóng góp cho sự phát triển đó. - Trân trọng cảm ơn Đại sứ! |