Nghệ nhân Nguyễn Thị Thu Gon (ảnh),ềmđammchẳngcmuộcá kèo bóng đá ở khu vực 6, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, luôn xem đờn ca tài tử là người bạn và quyết tìm về niềm đam mê này, dẫu có muộn...
Đến nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Thu Gon vào một buổi chiều mưa, mặc dù đang bận làm dưa kiệu đón tết nhưng bà vẫn dành thời gian để trò chuyện với tôi. Bước qua cái tuổi 60, nhưng có vẻ bà Thu Gon trẻ hơn nhiều so với tuổi của mình. Bà Thu Gon cười bảo: “Chắc do tôi nghe rồi hát đờn ca tài tử nhiều, cuộc sống vui vẻ, thoải mái nên không thấy già”.
Nhớ lại cái thời ăn chưa no, lo chưa tới, khi ấy điều kiện kinh tế khó khăn, nên bà Thu Gon chỉ có mỗi chiếc cassette làm bạn. Bà hay đón đợi các chương trình có ca vọng cổ để nghe, dần dần những làn điệu ấy thấm sâu vào máu lúc nào không rõ, chỉ biết là mê hát lắm. Lớn lên một chút, ở tuổi trăng tròn, bà lại được nghe những người thân trong gia đình hát vọng cổ với nhau, nhưng chưa biết được rằng mình đam mê môn nghệ thuật này đến dường nào.
Người phụ nữ, đến tuổi thì phải lập gia đình và vòng xoáy cuộc đời với cơm, áo, gạo, tiền đã kéo bà Thu Gon phải đành chôn giấu niềm đam mê của bản thân, mà toàn tâm toàn ý lo cho chồng, con. Bôn ba cả đời để cuộc sống gia đình đầy đủ hơn, giờ đây, khi điều kiện khá giả, bà Thu Gon lại bắt đầu tìm về với niềm đam mê được nuôi dưỡng, vun bồi bấy lâu nay.
Chất giọng ngọt lịm nhưng da diết trời phú, theo lời giới thiệu của người quen, bà Thu Gon tham gia hát từ thiện ở các chùa vào những dịp lễ, đến nay gần 8 năm. Tại đây, bà có dịp gặp gỡ, trao đổi với những người có cùng niềm đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử, từ đó hình thành nên nhóm sinh hoạt đều đặn hàng tuần. Điểm hẹn của những người có chung đam mê là nơi quán nhỏ, điều kiện không đầy đủ nhưng ai cũng vui.
Định kiến xã hội thời xưa quá khắt khe, phụ nữ là phải ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình chứ không được hò ca, hát xướng, nên do đó số lượng nghệ nhân đờn ca tài tử nữ cũng không nhiều. Bởi “xướng ca vô loài” luôn là từ mà người đời thường dành cho những ai trót mang nghiệp cầm ca.
Dòng thời gian cứ trôi và niềm đam mê lại lớn dần, được sự ủng hộ từ chồng, bà Thu Gon dựng một căn nhà nhỏ ở giữa khu vườn dừa rộng hơn 2.000m2 của gia đình, trở thành điểm sinh hoạt lý tưởng cho nhóm. Cứ thế, gần 3 năm qua, chủ nhật hàng tuần từ 10 giờ trưa đến 18 giờ chiều là thời gian nhóm yêu thích đờn ca tài tử của bà Thu Gon lại bắt đầu sinh hoạt. Đó là nơi tụ họp các thành viên sau những ngày làm việc, lao động vất vả, tìm đến đờn ca tài tử như một món ăn tinh thần không thể thiếu, vun bồi cho niềm đam mê. Khi ít cũng gần chục người, nhiều thì vài chục người có cùng sở thích ở trong và ngoài tỉnh như Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu,….
Bà Thu Gon chia sẻ: “Nhóm chúng tôi chủ yếu tạo điều kiện để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, học hỏi chuyên môn với nhau, sẵn sàng hướng dẫn thêm người mới mà không ngại ngần. Mong muốn lớn nhất của tôi là mọi người hiểu và thấu cảm hơn với những người trót mang nghiệp cầm ca, bởi niềm đam mê chính đáng không bao giờ có tội”. Từ việc chưa biết gì về đờn ca tài tử, bà tự học, tìm tòi thêm trên internet, sách vở thuộc 20 bài bản tổ, trau dồi để hát đúng, hát hay,... Niềm đam mê của bà Thu Gon giờ đây là được hát và truyền những kinh nghiệm mình đã biết cho những ai yêu thích môn nghệ thuật này. Từ đó, tìm kiếm và phát huy những tiềm năng mới để phong trào phát triển.
Bà Thu Gon tâm sự sẽ gắn bó với nghiệp đờn ca đến khi nào không thể bởi đó là niềm đam mê và lý tưởng sống, cách để bảo tồn những giá trị truyền thống của dân tộc. Dù chặng đường đi tìm và lưu giữ niềm đam mê còn nhiều vất vả nhưng bà không hề nản lòng, thấy hạnh phúc với những gì mình đang làm. Đam mê là thứ không già cỗi theo thời gian, chẳng bao giờ muộn màng, chỉ cần ta sống trọn vẹn và hết lòng với nó.
Bài, ảnh: GIA KHÁNH