Chưa tỏ ngày về
Gia đình ông Trần Văn Thương ở ấp 7,ket qua bong da afc cup xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh có 2 con đang làm ở các sòng bài bên Campuchia. Hai con ông Thương là Trần Văn Lực và Trần Văn Tấn trước đó đã nghe bạn dụ dỗ sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”. Qua những cuộc gọi về cho người thân thì: Lương cao đâu chưa được hưởng mà liên tục bị chủ tìm mọi cách phạt, tăng ca, không cho về; đặt nhiều hình thức phạt để người lao động không thể lấy được đồng lương nào. Hiện gia đình ông Thương chỉ còn biết trông chờ vào cơ quan chức năng hỗ trợ đưa các con về nước, vì không xoay đâu ra khoản tiền chuộc lên tới cả chục ngàn đô la Mỹ. Bà nội của Lực và Tấn cho biết: “Ban đầu chủ nói làm 6 tháng sẽ cho về, giờ lại bảo làm đến tết mà không biết có cho về hay không?”.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt các hoạt động xuất nhập cảnh hàng hóa, người qua lại khu vực biên giới
Bán đất chuộc con
May mắn hơn 2 con của ông Thương, anh Nguyễn Phú Quý cùng ở ấp 7, xã Lộc Hòa đã được người nhà bán đất, vay mượn thêm tiền để chuộc về. Sau những ngày phải miệt mài “cày” trên mạng để tìm kiếm, dụ dỗ khách hàng cho chủ, anh Quý đã không còn mộng “việc nhẹ, lương cao” như chúng bạn từng dụ dỗ. Anh Quý cho biết: “Bạn dẫn tôi sang Campuchia làm chứng khoán, chỉ tiêu mỗi ngày phải mời từ 4-5 khách, nếu không đủ sẽ bị phạt. Ban đầu làm ổn, 3-4 tháng sau thì họ ép tôi làm thêm. Thấy khổ cực quá nên tôi gọi về gia đình cầu cứu, bố mẹ phải bán đất, vay mượn thêm tiền chuộc tôi về với giá 4.000 USD”.
Chúng tôi đã chỉ đạo các lực lượng 3 tổ chốt trên biên giới tổ chức chốt chặn 24/24 giờ để ngăn chặn người dân xuất nhập cảnh trái phép. Đồng thời chỉ đạo lực lượng trinh sát phối hợp các lực lượng chức năng của huyện, xã tổ chức rà soát, sàng lọc các đối tượng nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Thiếu tá TRƯƠNG VĂN BÌNH, Chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu Lộc Thịnh |
Ngay khi tiếp nhận thông tin trên địa bàn có trường hợp người dân bị dụ dỗ vượt biên trái phép sang Campuchia làm việc tại casino, các cấp chính quyền cùng các đồn biên phòng cửa khẩu đã tới nhà những hộ dân liên quan nắm bắt tình hình. Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó chủ tịch UBMTTQVN xã Lộc Hòa nhấn mạnh: “Việc nhẹ, lương cao không dễ dàng vậy đâu! Người ta lừa mình qua làm không lương cho họ thôi. Đưa ra mức lương rất cao nhưng sẽ tìm cách để mọi người làm không công cho họ”.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Song song với công tác nắm địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng vượt biên trái phép, đồn biên phòng các cửa khẩu đẩy mạnh dân vận, phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân, nhất là với giới trẻ các xã tuyến biên giới nơi đồn đứng chân, phụ trách. Đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, Bình Phước có 13 trường hợp vượt biên trái phép liên quan đến “việc nhẹ, lương cao” làm việc tại các casino, trong đó có 6 trường hợp đã được người thân chuộc về, 7 trường hợp chưa về.
Thời gian qua, trên địa bàn đã có một số trường hợp người dân bị dụ dỗ sang Campuchia làm việc tại các casino. Tổ công tác địa bàn đã xây dựng kế hoạch vận động nhân dân, gặp gỡ các gia đình có con em đi làm đã về hoặc chưa về để nắm bắt thông tin, tình hình xem còn đường dây móc nối nào không. Qua đó tuyên truyền người dân khu vực biên giới cảnh giác để tránh bị lợi dụng. Trung úy QUÁCH CÔNG MINH, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư |
Trung úy Quách Công Minh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư cho biết: “Tổ công tác địa bàn tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp lớn, các công ty trong và ngoài tỉnh bố trí, nhận lao động là người địa phương vào làm... để tạo việc làm ổn định. Từ đó giúp họ yên tâm lao động, sản xuất, không còn mơ mộng về viễn cảnh “việc nhẹ, lương cao” ở xứ người”.
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo; thực tế cũng đã chứng minh, sẽ không bao giờ có “việc nhẹ, lương cao” như các đối tượng lừa đảo thường mời gọi, dụ dỗ, lôi kéo. Người dân, nhất là lao động trẻ nên tìm đến những đầu mối có đầy đủ tư cách pháp nhân tại địa phương hoặc liên hệ trực tiếp với chính quyền để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể về việc làm, đào tạo nghề. Có như vậy, câu chuyện “việc nhẹ, lương cao” sẽ không còn lặp lại.