Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm Ghi nhận những tuyến phố sầm uất, đông dân cư, nhất là tuyến phố cổ, tuyến phố đi bộ trong không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khu vực phố đường tàu Trần Phú (quận Ba Đình), lượng du khách trong và ngoài nước đông đúc, người bán hàng rong, hoạt động dịch vụ rất sôi động. Dù đã có quy định cấm bán hàng rong từ tháng 5/2022 trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, thời gian qua, không ít người bán hàng rong có hành vi bám, chèo kéo du khách, lợi dụng bất đồng ngôn ngữ, bán hàng kiểu “chặt chém” gây bức xúc dư luận. Liên tiếp các trường hợp bán hàng rong có dấu hiệu “chặt chém”, UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý. Thời gian này, lực lượng CA phường được giao quản lý tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm phối hợp cùng với đội quản lý trật tự Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội thường xuyên ra quân, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vì mưu sinh không ít trường hợp bán hàng rong bất chấp quy định cấm. Trước vấn nạn bán hàng rong “bủa vây” các tuyến phố, khó kiểm soát, thời gian tới, các cấp chính quyền, nhà quản lý cần quyết liệt chấn chỉnh hoạt động vi phạm an toàn văn minh, đô thị. Một số ý kiến người dân cho biết, cần nghiên cứu tổ chức khu vực bán hàng rong hoặc định hướng nghề nghiệp cho người dân vốn đang có nguồn thu nhập chính từ việc chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh.
Đề xuất cấp thẻ hành nghề có tên “Thẻ bán hàng lưu động” Đảng viên Trịnh Thanh Phi (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) nêu một số kiến nghị, đề xuất. Thứ nhất, lực lượng chức năng cần quản lý tốt việc khai báo, đăng ký tạm trú đối với đối tượng người lao động nói chung, trong đó có người bán hàng rong, nếu hàng hóa kinh doanh ổn định, về quản lý thị trường, quản lý nhân khẩu nên phối hợp vận động người bán hàng rong đăng ký ngành hàng kinh doanh, dịch vụ, khu vực hoạt động. Thứ hai, các phường có đông người lao động bán hàng rong đăng ký thuê trọ, tạm trú ổn định, lâu dài, chính quyền nên tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động, người bán hàng rong tự giác tham gia thực hiện phong trào, cuộc vận động “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Họ cũng là “người ở Hà Nội” lao động, có thu nhập trên mảnh đất Thủ đô nên có trách nhiệm góp phần tạo hình ảnh Thủ đô thanh lịch, văn minh, xanh, sạch, đẹp. Để thực hiện, chính quyền các quận, phường nên phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Tổ dân phố, lực lượng cảnh sát khu vực kết hợp với chủ các nhà trọ thực hiện. Nếu có quyết tâm, nêu cao trách nhiệm có thể làm được. Thứ ba, với những người bán hàng rong kinh doanh loại ngành hàng ổn định, có đăng ký tạm trú lâu dài, UBND TP Hà Nội nên giao cho ngành chức năng như quản lý đô thị, quản lý thị trường và CA khu vực nghiên cứu trình cấp thẩm quyền cấp thẻ hành nghề có tên “Thẻ bán hàng lưu động”, có ảnh, số thẻ trùng số căn cước công dân, loại hàng, dịch vụ gì, khu vực hoạt động. Như thế, người bán hàng sẽ phải tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của người kinh doanh “bán hàng lưu động” (thay cách gọi “bán hàng rong” thông thường). Cùng với đó là thái độ giao dịch với khách hàng thân thiện, đúng mực, hạn chế tình trạng “chặt chém”, “hét giá” gây hình ảnh xấu xí cho du lịch Thủ đô. Nếu vi phạm hành chính, sẽ “bấm lỗ” thử bán hàng, vi phạm nhiều lần có thể bị cấm bán hàng. Thứ tư, những khu đô thị, quảng trường cư dân, du khách qua lại đông đúc, hoạt động bán hàng rong, dịch vụ sôi động, cần tăng cường gắn camera giám sát đường phố, vừa phục vụ đảm bảo trật tự an ninh, vừa giám sát các hoạt động buôn bán trên đường phố thuận lợi, văn minh, sẽ góp phần giảm thiểu các hành vi tiêu cực của hoạt động bán hàng, dịch vụ rong. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm túc những trường hợp bán hàng rong vi phạm các quy định khi hoạt động hành nghề làm bài học giáo dục chung… Thứ năm, ngày 1/7 tới, Luật “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở” sẽ có hiệu lực thi hành. Do đó, đơn vị CA khu vực cần phát huy vai trò, tác dụng của lực lượng này vào gìn giữ trật tự nơi công cộng, trong đó, có hoạt động bán hàng rong, du lịch an toàn, thân thiện. Buôn bán hàng rong là loại hình kinh doanh có tính chất truyền thống, mang tính tự phát, khó và phức tạp trong quản lý, nhưng không vì thế mà thả nổi, cần kết hợp tổng thể công tác tuyên truyền, vận động, gắn chặt với các biện pháp quản lý trật tự đô thị như các đề xuất trên. Hiện nay, một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Singapore đã quản lý tốt hàng rong, không chỉ tạo sinh kế cho người lao động, mà còn góp phần tạo nên bản sắc văn hóa. “Gỡ” bài toán quản lý hoạt động buôn bán hàng rong tại Hà Nội cần sự chung tay, phối hợp từ các cấp chính quyền, cơ sở và người dân. Hướng tới triển khai những chính sách, quy định được thực thi hiệu quả, các giải pháp quản lý hiện đại phù hợp với đích đến xây dựng Thủ đô là “Thành phố thanh lịch, văn minh, hiện đại”, giữ vững danh hiệu “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới”.
|