Số liệu lượng thịt lợn nước ta sản xuất được mỗi năm do Tổng cục Thống kê công bố được Hội chăn nuôi nhận định là thiếu chính xác. Ảnh: Internet Theo ông Vang, trong bối cảnh hiện nay, trước sức ép của hội nhập quốc tế, nông sản Việt Nam đang và sẽ chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt mà tự nội tại của ngành nông nghiệp và nông dân không thể tự giải quyết được.
“Thực trạng của ngành hàng thịt lợn và người chăn nuôi lợn vừa qua là những minh chứng điển hình. Mặc dù đã có sự vào cuộc rất tích cực của Chính phủ và Bộ NN&PTNT, làm giảm thiểu đáng kể sự thua lỗ cho người chăn nuôi lợn trong nước nhưng điều đáng nói là khủng hoảng về cung cầu thị trường thịt lợn vừa qua đã làm mất đi phần lãi trên 100.000 tỷ đồng của người chăn nuôi lợn trong nước mà lẽ ra họ hoàn toàn được hưởng”, ông Vang nói.
Để phát triển chăn nuôi bền vững, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân, ông Vang kiến nghị 4 điểm chính:
Thứ nhất,cần có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nhưng phải lựa chọn những khâu mà nông dân không làm được, như: Giống, vật tư đầu vào và chế biến nông sản, kết nối thị trường. Riêng khâu nuôi, trồng, sơ chế thì cần tạo điều kiện để người nông dân làm dưới hình thức mô hình hợp tác xã, hoặc gia công, sản xuất nguyên liệu cho các DN. Nội dung này cần được luật hóa trong Luật Chăn nuôi
Thứ hai,kiểm soát tốt chất lượng và an toàn nông sản, thực phẩm bằng các quy trình quy phạm. Phải quyết tâm cao để thay đổi thói quen, tập quán canh tác của nông dân, trong đó có không ít các DN trong nước không còn phù hợp để sản xuất được các nông sản chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường.
Thứ ba,phải giữ và mở rộng không gian cho thị trường nông sản Việt Nam, trong đó cần coi trọng thị trường các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc phải được khai thông và khai thác thực sự có hiệu quả. Chính thị trường này mới là tiềm năng rất lớn cho chăn nuôi và thủy sản Việt Nam. “Do vậy, ngoài việc phải nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản xuất của nông sản phù hợp với yêu cầu của thị trường này, thì vấn đề kiểm soát, hạn chế tối đa việc tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh của các nước trên thế giới qua Việt Nam đưa vào Trung Quốc là vô cùng quan trọng. Việc làm này vừa được Nhà nước Trung ương Trung Quốc ủng hộ vừa giữ được không gian thị trường nông sản cho Việt Nam”, ông Vang nhấn mạnh.
Ông Vang phân tích sâu hơn: Hiện nay, khối lượng mặt hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập vào Việt Nam tái xuất sang Trung Quốc rất lớn, khoảng trên 5 triệu tấn/năm (tương đương toàn bộ sản lượng thịt các loại của cả ngành chăn nuôi nước ta sản xuất ra). Mặt khác, sản phẩm các loại thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất này đều là thứ phẩm của các nước phát triển với giá rất rẻ (như cổ, cánh, chân, đầu, phủ tạng gia súc, gia cầm của các nước phát triển và thịt trâu, bò của các nước có tôn giáo không dùng thịt mà chỉ dùng sữa như Ấn Độ…), do người tiêu dùng ở các nước này ít sử dụng làm thực phẩm, nên sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam không thể cạnh tranh nổi.
“Phản ánh của các DN và những người dân chuyên buôn bán nông sản ở các tỉnh vùng biên giữa hai nước Việt - Trung cho thấy, mặt hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất gia tăng bao nhiêu thì nông sản Việt Nam càng khó XK sang Trung Quốc bấy nhiêu, nhất là các mặt hàng XK tiểu ngạch, trong đó đặc biệt là với mặt hàng lợn thịt”, ông Vang nói.
Thứ tư,ông Vang kiến nghị, hiện nay, phía Trung Quốc đã có cơ chế thí điểm để Myanmar được xuất bán thực phẩm tươi sống, trong đó có gia súc, gia cầm sống vào Trung Quốc qua cửa khẩu thuộc tỉnh Vân Nam. Trong khi tỉnh Quảng Tây cũng đang xúc tiến và rất muốn được sự cho phép của hai nhà nước Trung Quốc và Việt Nam để triển khai mô hình này, vì so với các đối tác trong Asean thì Việt Nam có tiềm năng và lợi thế nhất để thực hiện chương trình hiện đại hóa một số cửa khẩu trong trao đổi mậu dịch của Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó sẽ chuyển mạnh việc trao đổi các mặt hàng nông sản thực phẩm từ tiểu ngạnh sang chính ngạnh nhằm kiểm soát tốt hơn vấn đề dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam: Số liệu từ Tổng cục Thống kê hiện không chính xác ở chỗ hàng năm ta sản xuất được khoảng 4,1 triệu tấn thịt lợn (năm 2016 - 2017 được 4,2 - 4,3 triệu tấn) nhưng chỉ thống kê có 3,6 triệu tấn, 2,5 triệu tấn gia cầm nhưng chỉ thống kê có 960.000 tấn. Chính từ những con số thống kê sai này đã ảnh hưởng đến việc quy hoạch, dự báo, chiến lược phát triển của ngành chăn nuôi. |
|