HDBank cho vay mua nhà với thời hạn lên đến 35 năm | |
Kéo dài thời hạn vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội |
Hạn mức tín dụng hạn hẹp khiến các ngân hàng sẽ phải ưu tiên hơn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong những tháng cuối năm. Ảnh: ST |
Theo đó, Ngân hàng TPBank đang áp dụng mức lãi suất chỉ 5,9%/năm, cố định trong 6 tháng đối với các khách hàng cá nhân vay mua, xây sửa nhà đất, nhà dự án. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể lựa chọn mức lãi suất 7,5%/năm cố định trong 12 tháng.
Nhiều ngân hàng khác cũng đang áp dụng mức lãi suất vay mua nhà thấp như BIDV (6,2-6,6%/năm), Techcombank (6,69%/năm), Vietcombank (6,79%/năm)…
Cùng với mức lãi suất hấp dẫn, các ngân hàng cũng thiết kế các sản phẩm vay với những chính sách linh hoạt, giúp khách hàng “dễ thở” hơn trong phương án trả nợ. Cụ thể, TPBank tài trợ lên tới 90% nhu cầu vốn của khách hàng với thời gian cho vay tối đa 30 năm. Điều này giúp giảm đáng kể áp lực kinh tế cho khách hàng khi vay vốn.
Ngân hàng HDBank thậm chí còn nâng thời hạn vay mua nhà, sửa nhà lên tới 35 năm, ân hạn gốc đến 12 tháng. Song song, HDBank cũng áp dụng các phương thức trả nợ linh hoạt, phù hợp với dòng tiền của khách hàng, như trả nợ gốc và lãi hàng tháng hoặc hàng quý.
Công ty chứng khoán VNDirect nhận định, lãi suất vay mua nhà ở các ngân hàng nội địa hiện đang ở mức thấp nhất trong 10 năm. Điều này đã tác động tới hoạt động vay mua nhà, giúp tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này ghi nhận mức tăng trưởng khá cao tại nhiều ngân hàng.
Cụ thể, đến cuối tháng 6/2021, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank đạt 9,8% so với đầu năm. Theo tính toán của SSI Research, điều này được thúc đẩy bởi cho vay khách hàng cá nhân (tăng 11,8% so với đầu năm), doanh nghiệp nhỏ và vừa (tăng 9,8% so với đầu năm) và các tập đoàn lớn (tăng 8% so với đầu năm). Trong đó, phần lớn tín dụng cho vay khách hàng cá nhân tăng là do cho vay mua nhà (tăng 11,8% so với đầu năm), tăng từ 25,8% trong tổng dư nợ năm 2020 lên 26,3% trong 6 tháng đầu năm 2021. Cho vay mua nhà là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng cho vay tại VCB trong 3 năm qua.
Tại TPBank, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2021 cũng đạt mức 9,4% so với đầu năm. Phân khúc khách hàng cá nhân (tăng 13,2% so với đầu năm) là một trong hai động lực chính cho tăng trưởng tín dụng. Trong đó, cho vay mua nhà tăng tới 27,2% so với đầu năm và tăng 45,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nửa đầu năm nay, Ngân hàng HDBank cũng giải ngân mới tới 3.300 tỷ đồng cho vay mua nhà, tăng 13,8% so với đầu năm. Tương tự, theo ước tính của SSI Research, cho vay mua nhà của Techcombank cũng tăng 15,6% so với đầu năm. Thêm vào đó, cho vay thế chấp tài sản nhà, cho vay hộ gia đình, cho vay trả góp và các khoản vay khác cũng tăng 31% và cho vay mua ô tô tăng 12% đã giúp cho vay bán lẻ của Techcombank phục hồi khá với mức tăng 16% so với đầu năm sau khi trải qua năm 2020 ảm đạm, chỉ tăng 5,6%.
Mới đây, Vụ Dự báo, Thống kê - Ngân hàng Nhà nước đã công bố kết quả của Cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Theo đó, các ngân hàng thương mại bày tỏ mong muốn siết chặt hơn các điều khoản, điều kiện cho vay đối với hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, bao gồm cả vay bất động sản để ở của khách hàng cá nhân.
Nhiều ngân hàng cho biết sẽ chỉ giải ngân cho khách vay mua nhà để ở tại những dự án bất động sản có liên kết. Việc thẩm định cũng sẽ chặt chẽ hơn, như không cho vay các dự án đất nền ở xa, thiếu tính pháp lý; lãi suất cũng sẽ cao hơn so với các lĩnh vực ưu tiên khác bởi NHNN định hướng nắn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19…, trong khi hạn mức tín dụng của các ngân hàng không dồi dào như những năm trước.