【bongda.comcom】Có một Hoàng Phủ Ngọc Tường mãi làm cho Huế đẹp và thơ
');this.closest('table').remove();"> |
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ảnh: Gia đình cung cấp |
Mới đó thôi, ngày 6/7, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, phu nhân nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường giã từ cõi tạm. Đoàn nhà văn Chi hội Việt Nam tại Huế chúng tôi có cơ duyên công tác ở miền Nam và dự viếng đúng lúc gia đình làm lễ nhập quan. Một buổi chiều Sài Gòn đầy nước mắt. Tôi vẫn nhớ lúc làm lễ cho cô Dạ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nằm một mình ở phòng bên, đôi mắt ướt buồn bã nhìn lên trần nhà. 25 năm bị liệt sau cơn tai biến, giờ đây ông chịu thêm nỗi mất mát người bạn đời nâng khăn sửa túi. Nỗi lòng này biết nói cùng ai. Ấy vậy mà chỉ gần 20 ngày sau, chúng tôi đột ngột nghe tin ông cũng theo bà về miền cỏ thơm vĩnh hằng.
Tôi còn nhớ thuở ban đầu khi bước vào đường văn, tìm tòi, học hỏi những thế hệ đi trước và tôi hỏi một bậc đàn anh về những tác giả gắn bó với Huế thì nên đọc và học ai. Một trong những cái tên hàng đầu trong câu trả lời đó là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhớ ngày đó tôi tìm mua, mượn và cố “gặm nát” cho bằng hết các tác phẩm của ông, may mắn thay trong tủ sách lưu trữ của Tạp chí Sông Hương thời bấy giờ cũng có không ít những trước tác của ông để lại. Làm sao quên được cái cảm giác đọc Sử thi buồn, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Ngọn núi ảo ảnh… mở ra trước mắt tôi cả một khoảng mênh mông, sâu lắng của trí tuệ, chất phong nhã, trữ tình của xứ Huế một thời. Tôi thức trắng đêm để lật từng trang văn, càng đọc càng ngây ngất, càng sung sướng vì sự cuốn hút đến kỳ lạ.
Nhìn lại gia tài về thể bút ký với trên 10 tác phẩm, như: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971), Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông (1984), Bản di chúc của cỏ lau (truyện ký, 1984), Hoa trái quanh tôi (1995), Huế – di tích và con người (1995), Ngọn núi ảo ảnh (2000), Trong mắt tôi (bút ký phê bình, 2001), Rượu hồng đào chưa uống đã say (truyện ký, 2001), Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé (bút ký văn hóa, 2005), Miền cỏ thơm (2007), Ai đã đặt tên cho dòng sông (Tinh tuyển bút ký hay nhất, 2010). Chừng đó tác phẩm là quá trình lao động chữ nghĩa miệt mài, nghiêm túc, đầy sự hiến dâng. Mỗi tác phẩm của ông ra đời đều khiến làng văn chộn rộn, lẽ vì cái hay, cái đẹp, cái tinh túy của ngôn ngữ đã được Hoàng Phủ dụng công, trưng dẫn mê hoặc lòng người. Ngay cả nhà văn tiền bối Nguyễn Tuân cũng trầm trồ: “Ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa”.
Bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường đã “khai ngộ” cho tôi, tạo một nguồn cảm hứng sâu sắc, dẫn ngõ vào con đường văn xa mù mà mê mệt. Ấn tượng với chi tiết ông bàn đến “phẩm chất mỹ học” để thể hiện sự tồn tại cho phép của hư cấu trong tác phẩm văn chương (ở đây là thể bút ký) như một lao động nghệ thuật. Từ đó tôi chiêm nghiệm rằng, bút ký văn học cần thiết tính duy mỹ và bay bổng của ngôn ngữ, là thứ ngôn ngữ thi ca được trộn lẫn trong những điều chân thật của cuộc sống. Bút ký phải khai thác triệt để sức mạnh của ngôn ngữ, giá trị mỹ học, đặc tính nhân văn và hòa trộn nhiều thể loại được trích xuất như một bản hợp xướng ngôn ngữ, tạo nên lối viết liên văn bản đầy sức cuốn hút. Những phẩm chất và đặc tính đó trong bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường dường như đầy đủ cả, lẽ vì thế mà bây giờ không ai viết ký về Huế hay hơn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Điều đó là lẽ vì sao?
Có người nói rằng Hoàng Phủ xuất thân là dân triết nên câu chữ uyên áo, cộng hưởng với cuộc đời ông trải qua nhiều thăng trầm biến cố, gắn bó với mảnh đất Thừa Thiên những năm chiến tranh gian khổ, gắn với những rêu phong, cổ kính còn đó mơ màng trên đất và người Cố đô. Ông đã nghĩ về miền Hương Ngự như sau: “Huế mãi mãi là một thành phố lạ lùng của đời tôi: mơ mộng, lười biếng như nàng công chúa sầu muộn, để chợt nhiên nổi giận, thách thức như một lời hịch tuyên chiến”. Hoàng Phủ đã sống sâu, trải sâu, hiểu thấu và đồng cảm chứa chan cùng mảnh đất này. Nhà phê bình Phạm Phú Phong có lần nhận xét: “Cái “tạng” văn chương của Hoàng Phủ thuộc về tâm cảm, về niềm đau trần thế, nỗi buồn mênh mông và cơn mê dài xuyên qua nhiều số kiếp”. Bản thể của nhà văn, cái độc đáo của ngòi bút Hoàng Phủ đã sinh khởi, đứng lên và đi ra từ đó.
Có thể cho rằng, những tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường mượn lời mình để dẫn dụ về cái đã/sẽ biến mất như quy luật tất nhiên, để gìn giữ trong trái tim và tâm hồn bản sắc văn hóa một vùng đất. Theo cách nhìn nhận của tôi, ông chính là một đại diện cầm bút phụng sự văn hóa, phụng sự văn chương và gia tài ông để lại khiến hậu nhân mất nhiều tâm sức để cảm, để hiểu, để biết ơn. Ở một góc nhìn khác, nhà văn Trần Thùy Mai đã có lần khẳng định: “là một nhà văn, điều anh quan tâm là con người, và với sự hiểu biết khoa học của mình anh đã dựng lại một diện mạo tâm hồn của Huế xưa - điều mà không một nhà Huế học nào làm được”. Công lao của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong việc gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Huế được chuyển tải qua các tác phẩm của mình là điều rất đáng ghi nhận. Nhà văn đã góp phần làm cho Huế trở nên đẹp và thơ.
Chỉ bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông được in trong chương trình Ngữ văn THPT đã là một sự quảng bá cho biết bao thế hệ ngồi trên ghế nhà trường để biết về xứ Huế, biết dòng sông Hương, núi Ngự, đền đài lăng tẩm uy nghi. Và nữa, nhớ những buổi chiều ngồi bên ly cà phê đắng, ngắm dòng Hương trầm lặng chảy, tôi đọc được câu thơ “Chiều xuân như tỉnh như say/ Nhớ em uống cả bóng cây ngô đồng” (Chiều xuân) bỗng giật mình thảng thốt. Cái con người thơ của Hoàng Phủ cũng khiến người khác phải “rùng mình”, chữ của ông chạm vào sâu thẳm tâm hồn, làm cho những thứ tầm thường hóa thành ngà ngọc, biến cái bi lụy thành phong lãm, kiêu sa. Chỉ hai tập thơ Những dấu chân qua thành phố (1976), Người hái phù dung (1992) với vài chục bài thơ ra mắt, nhưng dấu ấn thơ của Hoàng Phủ đủ để làm say lòng bạn đọc.
Năm 2011, chương trình âm nhạc “10 năm nhớ Trịnh Công Sơn” nhân kỷ niệm ngày mất của cố nhạc sĩ tài hoa, được tổ chức tại cung An Định. Sau khi chương trình kết thúc, Hoàng Phủ Ngọc Tường được người nhà đẩy xe lăn lui về phía sau sân khấu gặp gỡ nhà văn Nguyễn Quang Sáng một hồi rồi về nhà qua cổng Phan Đình Phùng. Bỗng có một nhóm các chị xưng cựu nữ sinh trường Đồng Khánh ngày nào rất mê thơ Hoàng Phủ chạy đến. Họ đứng lại, nắm tay ông trân trọng, rồi đọc một câu thơ “Anh hái cành phù dung trắng/ Cho em niềm vui cầm tay”. Đó là trích đoạn trong bài Dù năm dù tháng được rất nhiều bạn đọc ái mộ. “Chính câu thơ này đã cho chúng em suy nghĩ rất nhiều về cuộc đời, về tình yêu, tuổi trẻ”, các cô nói. Khoảnh khắc đó, tôi thấy nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường rơm rớm nước mắt. Có lẽ sự cảm mến của bạn đọc và cả những giai điệu của người bạn thân Trịnh Công Sơn vẫn còn đó lay động khiến nhà văn dâng lên niềm xúc cảm.
Cả cuộc đời cầm bút của Hoàng Phủ nằm trong “Một chữ tâm có sức chứa đựng tất cả”, ông đã viết vì tâm nguyện mang lại “một tấm lòng tốt muốn đem tâm hồn mình làm quà tặng”. Quan điểm về nghề văn của ông thật giản đơn, không tuyên ngôn cầu kỳ, không vin vào một cái cớ cao siêu, tất cả gần gũi, nội sinh từ cái bên trong sâu thẳm muốn hiến dâng cho đời.
Viết về Hoàng Phủ Ngọc Tường viết sao cho đủ, cho hết, cho thấu, và ông cũng đã để lại một chút dự cảm về nghiệp viết của mình: “Trên tài hoa nhầu nát/ Trên trần gian khói sương/ Trên mặt người biến sắc/ Mưa in dấu vô thường (Kinh cầu trong mưa). Tôi cho đó là hình ảnh con người và cuộc đời Hoàng Phủ Ngọc Tường “nghiệm hóa” trong bốn câu thơ như chính một định đề Người hái phù dung mà ông đã đặt tên cho tác phẩm thơ xuất bản năm 1992. Dâu bể, vô thường, nước chảy mây trôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đi xa nhưng con chữ ông vẫn ở lại, thơm ngát như “Miền cỏ thơm” với “Rất nhiều ánh lửa”.