Thông điệp rõ ràng nhất mà bà Theresa May muốn gửi tới người dân Anh là London đặt vấn đề kiểm soát đường biên giới và vấn đề người nhập cư lên hàng đầu, trên cả việc làm thế nào để nước Anh có thể tiếp tục tiếp cận thị trường chung EU. Vấn đề nan giải ở chỗ EU luôn đặt điều kiện chỉ khi nào London chấp nhận để công dân châu Âu tự do đi lại làm việc ở nước Anh, chấp nhận các quy định của thị trường chung châu Âu và đóng góp vào ngân sách của EU, lúc đó mới nói đến chuyện nước Anh được quyền hưởng những ưu đãi quy chế đặc biệt trong hoạt động kinh doanh thương mại ở thị trường chung EU. Theo bà May, các cuộc đàm phán này phải dựa trên "quyền tự quyết" của người dân Anh từ vấn đề nguồn gốc thực phẩm đến cách thức London lựa chọn để kiểm soát vấn đề nhập cư. Nước Anh sẽ không đàm phán để đi theo mô hình hợp tác với EU của Na Uy hay Thụy Sĩ, mà sẽ đàm phán với tư cách một nước Anh độc lập và có chủ quyền với EU.
Tiến trình khởi động Điều 50 của Hiệp ước Lisbon sẽ gồm các bước chính sau: Đầu tiên, nước Anh phải gửi thư chính thức đến Hội đồng châu Âu. Cuộc họp đầy đủ đầu tiên của Hội đồng châu Âu sẽ diễn ra ngày 9 và 10-3-2017. Sau đó, Hội đồng châu Âu, gồm người đứng đầu đàm phán về Brexit, ông Didier Seeuws, và đại diện các nước thành viên EU (trừ nước Anh) - sẽ phải thống nhất về những nguyên tắc chung cho các cuộc đàm phán giữa EU với Anh. Tuy nhiên, vấn đề này phải mất vài tháng bởi một số nước thành viên EU như Hà Lan, Pháp và Đức vướng bầu cử.
Tiếp theo, nhóm đàm phán thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đứng đầu là cựu Ngoại trưởng Pháp, Cao ủy viên EU Michel Barnier sẽ thảo luận về vấn đề Brexit với đại diện của nước Anh. Theo cựu Đại sứ Anh tại châu Âu David Hannay, việc đầu tiên hai bên cần làm là phải thống nhất được về các vấn đề sẽ thương thuyết. Vấn đề phức tạp nhất sẽ là các quyền có được của công dân Anh và công dân EU, nghĩa vụ quốc tế của London theo những thỏa thuận khi nước Anh là thành viên của EU, ví dụ như những cam kết mà nước Anh đã thay mặt EU đưa ra tại hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ở Paris. Những tranh luận gay cấn được cho là sẽ liên quan đến các trách nhiệm về mặt tài chính của nước Anh đối với một số chương trình của EU như nghiên cứu khoa học, phát triển khu vực thường bao gồm các cam kết còn hiệu lực đến sau ngày nước Anh chính thức rời EU.
Giai đoạn thứ 3 của tiến trình nói trên là các thỏa thuận cần được nước Anh và đại đa số (20/27) nước thành viên EU cũng như Nghị viện châu Âu thông qua. Sau đó, hai bên sẽ bàn đến khuôn khổ hợp tác trong tương lai giữa EU và nước Anh. Theo đó, London sẽ phải hoàn tất 2 hiệp định riêng rẽ: Cơ sở pháp lý riêng biệt với EU và mối quan hệ thương mại với EU trong tương lai. Theo EC, hiệp định thương mại với nước Anh không thể bắt đầu cho đến khi nước này chính thức rời EU. Tuy nhiên, một số nước khác như Đức lại hàm ý rằng trên thực tế hiệp định thương mại giữa EU và Anh có thể tiến hành song song với vấn đề Brexit. Cũng có khả năng trong khi chờ đợi thông qua hiệp định thương mại, giữa EU và Anh sẽ có một hiệp định tạm thời để hợp tác thương mại với nhau.
Theo các chuyên gia thương mại, tiến trình đàm phán hiệp định thương mại giữa nước Anh và EU có thể mất vài năm và phải có được sự nhất trí thông qua của cả 27 nước thành viên EU. Điều này có thể dẫn đến khả năng diễn ra sự mặc cả giữa London và một vài thành viên nào đó trong EU.