Nữ sinh Đồng Khánh
Ít ai để ý rằng ở xứ Kinh kỳ,ườngnữHuếxưtỷ số u19 tây ban nha công lao thầm lặng của người phụ nữ đã góp phần quan trọng tạo nên nét quý phái, sự phồn hoa đô hội của đời sống cung nội cho đến dân gian. Trong bối cảnh giao lưu Đông - Tây cuối thế kỷ XIX đầu XX, môi trường gia giáo truyền thống dành cho người phụ nữ đã được mở rộng, bổ sung, phát huy vai trò bởi sự ra đời của trường nữ học mà ở Huế, có thể coi Trường nữ bản xứ, rồi Trường nữ Đồng Khánh và Trường nữ Thành Nội sau này là trường hợp điển hình cho cả nước, nhờ phát huy truyền thống tinh hoa, phẩm giá cao qúy của người phụ nữ Việt Nam để bổ sung nguồn nhân lực nữ cho nhu cầu canh tân đất nước đương thời.
Từ đầu thế kỷ XX, sự thương thảo Pháp - Nam đã đưa đến sự thành lập tại Huế ngôi trường Pháp “hỗn hợp” cả cho nam lẫn nữ (École mixte francaise de garçons et filles à Huế), theo đề nghị của Khâm sứ Trung kỳ Auvergne (Nghị định 230, ngày 5/7/1904 của Toàn quyền Beau). Theo đó, phụ trách trường là bà Dewost (Marie-Angèle-Joséphine), người vùng Caroulle, tốt nghiệp cao đẳng, là giáo viên tập sự tại Trung kỳ, được hưởng lương 3.000F mỗi năm, tính từ ngày 1/7/1904. Do nhu cầu xã hội cấp thiết nên đến đầu năm 1906, Trung kỳ đã có đợt cải cách giáo dục quy mô để “sửa chữa học quy”, bãi bỏ cấp sơ học ở Trường Quốc Học, chuyển Trường Sơ học Pháp Việt phủ Thừa Thiên dạy. Các xã thôn không có điều kiện lập riêng trường nữ thì những bé gái đến tuổi có thể vào trường Ấu học.
Phát xuất từ nhu cầu xã hội và hoàn cảnh lịch sử đặc trưng trong bối cảnh giao thời đó mà giáo dục nữ tiểu học Pháp - Việt được chính thức đặt ra từ năm 1907, để rồi lần lượt lập nên 6 ngôi trường nữ ở Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Huế, Quảng Ngãi và Phan Thiết. Từ đó, Ecole des Jeunes filles indigènes de Hué (trường nữ sinh bản xứ Huế) được thành lập, nằm trong khuôn viên Đại Lý Tự, sát Nha Hộ Thành về phía đông - đông nam (thuộc khuôn viên Trường PTTH Nguyễn Huệ hiện nay). Tại Kinh đô Huế, nhiều nữ sinh con nhà quan lại thế gia có nhu cầu học tập nên trường nữ học hoạt động rất mạnh, bước đầu do một nữ hiệu trưởng, một nữ trợ lý người Pháp và về sau có bổ sung 4 giáo viên hướng dẫn người Việt vốn cũng từng tốt nghiệp trường này. Sách Trường học Trung kỳ (Annam scolaire, Triển lãm Quốc tế thuộc địa 1931) cho biết rõ ngôi trường này được thành lập ngày 1/3/1908, trong tòa nhà cổ kính của một cơ quan triều đình Nguyễn.
Theo Thực lục phụ biên đệ lục kỷ thì chỉ tới tháng 6/Mậu Thân - Duy Tân thứ 2 (1908), do trường nữ học đặt ở Đại Lý Tự trong thành, quá chật hẹp nên thuận bàn, cho dời tới nơi ở của Hưng Nhân quốc công Bửu Kiêm (Khiêm, Liêm?), bèn chuẩn cấp tiền công 7.000 đồng dời qua xây ở phủ đệ. Theo Lịch sử trường Hậu Bổ (Nguyễn Đình Hòe, BAVH 1915) thì giai đoạn này, vua Thành Thái đã ban cho ông hoàng Bửu Liêm một phần đất trong khu vực Thương Bạc làm phủ.
Có lẽ, đó là một ngôi trường nhỏ ba gian hai chái, thấp và tối, tất cả được chống đỡ bởi 16 cột, nên lớp học có phần chật chội. Sàn nhà được tráng xi măng, cửa ra vào và cửa sổ bằng kính, lớp học được đặt ở giữa, được trang bị tiện nghi với bàn ghế cho học sinh, bàn giáo viên, tủ quần áo, một bảng đen, một vài tranh tường. Dù vậy, từ khi mở trường, có tới 47 học sinh. Cô hiệu trưởng người Pháp dạy tiếng Pháp, toán và may vá; các trợ giáo người Việt dạy Quốc ngữ, chữ Hán và tự vị Pháp. Bên ngoài có hai người lính Nam triều đảm trách việc bảo vệ và quét dọn vệ sinh.
Đến năm 1909, phòng đơn được ngăn làm hai phòng học bởi một bức tường bùn đất, một trong những nữ sinh xuất sắc được thăng làm giáo viên. Sau năm 1910, triều đình cho xây dựng trường nữ học hiện đại hơn dù bên ngoài đơn giản nhưng rộng rãi, ở ngay vị trí Nhà Giảng tập (dạy các hoàng tử) và Trường Paul Bert, với 5 phòng học (khu vực Trường TH Phú Hòa hiện nay).
Mặc dù vậy, do quy mô khiêm tốn, khả năng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội nên nhu cầu đặt ra cấp thiết là phải xây dựng một trường nữ học lớn hơn. Báo cáo của Đốc học Trung kỳ gửi Khâm sứ Trung kỳ ngày 3/11/1917 về Dự án Xây dựng Trường Nữ sinh tại Huế nhấn mạnh do quy mô Trường nữ học Huế chỉ có khoảng 150 học sinh mà nhu cầu học tập trong xã hội rất lớn. Trường nữ học trong Nội thành quy mô nhỏ, không đáp ứng được nên có thể chuyển sang ngôi trường mới ở bờ Nam, để học sinh có thể thụ hưởng nhiều lợi ích từ cơ sở vật chất trang thiết bị, cơ cấu giảng dạy và nhân sự điều hành của một ngôi trường tân tiến. Từ đó, Trường nữ học Đồng Khánh đã được thành lập năm 1917.
Đáng chú ý là từ năm 1917, Trường nữ học bản xứ (Thành Nội) vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, song hành với Trường nữ học Đồng Khánh, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng, cho nhu cầu chấn hưng đất nước về giáo dục, y tế và nữ công gia chánh trong bối cảnh đương thời. Tinh thần đó còn được kế thừa và phát huy bởi mô hình Trường Nữ trung học Thành Nội giai đoạn sau này, được thành lập từ năm 1966.
Trường nữ học bản xứ, Trường nữ Đồng Khánh rồi Trường nữ Thành Nội thực sự là những trang vàng trong lịch sử văn hóa Huế, góp phần khắc họa rõ nét chân dung và phẩm giá phụ nữ truyền thống Huế, càng cần được tôn vinh trong bối cảnh hiện nay.
Bài: TRẦN ĐÌNH HẰNG - Ảnh: HOÀNG HẢI