Thí sinh dự thi vào lớp 10. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
TheểnsinhvolớpThsinhgồngmnhchencửahẹptrườsoi kèo cúp c1 châu âuo tính toán của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, sẽ có khoảng 40.000 học sinh lớp 9 không được học lớp 10 công lập trong năm học tới. Con số này ở Thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 30.000 em.
Cung không đủ cầu
Trong khi hệ thống trường lớp tăng không đáng kể và các địa phương đều có chủ trương giảm tỷ lệ học sinh trường công lập thì năm 2018, số học sinh vào lớp 10 của Hà Nội tăng đột biến thêm 22.000 em so với năm 2017. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, con số này cũng ở mức tương đương, tăng khoảng hơn 20.000 em. Nguyên nhân do 2003 là năm Quý Mùi, được coi là năm “dê vàng” theo quan niệm dân gian, nên đã có nhiều gia đình chọn để sinh con. Hệ quả là cuộc đua để dành một suất lớp 10 trường công năm 2018 đang nóng lên từng ngày.
Tại Hà Nội, thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho thấy có khoảng 105.000 học sinh sẽ tốt nghiệp lớp 9 và vào lớp 10 trong năm học tới, tăng khoảng 22.000 em.
Trước thực trạng này, để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, ngành giáo dục Thủ đô đã phải tăng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 lên trên 19.000 em so với năm học trước. Để đảm bảo chỗ học cho các em, có thêm 327 phòng học mới đã được đưa vào sử dụng. Sỹ số lớp học cũng sẽ tăng từ 40 em hiện nay lên 45 em, mức sỹ số tối đa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. “Hội đồng nhân dân thành phố yêu cầu phải đảm bảo 60% học sinh vào trường công lập, nhưng chúng tôi đã lập chỉ tiêu là 62%,” Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Văn Đại nói.
Tuy đã rất nỗ lực, nhưng năm học 2018-2019, Hà Nội vẫn chỉ có thể đáp ứng nhu cầu học lớp 10 của gần 65.000 em. Dù con số này đã tăng 12.330 em so với năm học trước nhưng sẽ vẫn có trên 40.000 học sinh Thủ đô không thể chen chân vào cánh cổng của 112 trường công lập trên địa bàn thành phố.
Nếu tính thêm chỉ tiêu của 94 trường trung học phổ thông ngoài công lập thì năm học tới, tổng chỉ tiêu vào lớp 10 của Hà Nội là gần 85.800 học sinh trong tổng số 105.000 em. Điều đó đồng nghĩa với việc trên 19.200 học sinh lớp 9 sẽ không có cơ hội học lớp 10 trung học phổ thông.
Giống như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh năm nay cũng có 105.000 học sinh sẽ tốt nghiệp lớp 9, tăng khoảng trên 20.000 em so với năm 2017. Số lượng học sinh thì tăng đột biến, trong khi định hướng của thành phố là giảm dần chỉ tiêu công lập, phân luồng vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề...
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Năm 2017, tổng số học sinh vào công lập là khoảng 71%. Năm nay lãnh đạo Sở cũng dự kiến số lượng vào công lập khoảng 70%, tức là khoảng 70.000 em học sinh sẽ được tuyển vào lớp 10 công lập năm học 2018-2019.”
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có trên 30.000 học sinh không được vào học trường lớp 10 trường công.
Thí sinh căng sức học thêm
Cũng như rất nhiều gia đình khác, chị Huỳnh Thị Mộng Tuyền (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) đang hết sức lo lắng bởi số lượng thí sinh vào lớp 10 năm nay tại Thành phố này Hồ Chí Minh năm nay lên tới 105.000 em, tăng khoảng 20.000 học sinh so với năm 2017. Dù con không còn thời gian vui chơi, nghỉ ngơi cả vào cuối tuần, nhưng chị Tuyến cũng đành động viên và tăng cường cho con học, học và học, đặc biệt là khi đích ngắm của gia đình là trường Trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa, ngôi trường cấp ba danh giá nhất Sài Gòn.
“Từ khi gia đình có ý định vào Trần Đại Nghĩa là bắt buộc con phải học thêm. Giai đoạn đầu học buổi cuối tuần, để còn một ngày nghỉ cả gia đình có thể đi đây đó. Nhưng gần đây thì cháu học cả hai ngày,” chị Tuyền cho biết.
Căng thẳng, áp lực cũng là thực trạng với học sinh lớp 9 tại Hà Nội.
21 giờ, nhưng tại lớp học phụ đạo của thầy giáo Đỗ Thế Anh ở Hà Nội, các sỹ tử vẫn đang chăm chú, căng mình luyện đề.
Đến từ những ngôi trường trung học cơ sở khác nhau, nhưng điểm chung của các thí sinh trong lớp này là đều học thêm kín tuần. Có em nhà cách điểm học thêm tới hơn 10 km... Có những em thuộc đội tuyển học sinh giỏi thành phố... Nhưng tất cả đều phải học thêm và dồn sức cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.
Em Đỗ Thế Anh, học sinh Trường Trung học cơ sở Thạch Bàn, Hà Nội, chia sẻ: “Từ thứ Hai đến Chủ nhật em đều kín lịch học, còn mỗi chiều Chủ nhật có chút thời gian nghỉ ngơi.”
“Em thì học kín hết tất cả các buổi chiều, tối thì học thêm văn vào thứ Hai, thứ Năm, tối thứ Sáu thì học thêm toán,” em Lê Minh Quân, Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền , Hà Nội nói.
Nhiều năm ôn luyện cho học sinh thi vào 10, thầy Đỗ Thế Anh cho biết, năm nay kỳ thi này còn căng thẳng hơn những năm trước. “Tôi thấy có em gầy hẳn đi. Có em quá áp lực nên bị căng thẳng. Tôi hy vọng là các em sẽ vượt qua được kỳ thi,” thầy Thế Anh chia sẻ.
Theo lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo, dù có từ 30 đến 40% học sinh lớp 9 sẽ không được vào học lớp 10 các trường công lập nhưng các em vẫn còn rất nhiều sự lựa chọn khác. Học sinh có thể vào trường ngoài công lập, theo học tại các trung tâm giáo dục hướng nghiệp, các trường trung cấp, trường nghề. Đây cũng là một chủ trương lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phân luồng, hướng nghiệp sau bậc trung học cơ sở.
Theo Mai Huyền (Vietnam+)