Tết của người Việt có gì lạ trong mắt... Tây? | |
“Xóm bánh tét” Phước Hòa ở Kiên Giang rộn ràng mùa Tết | |
Thủ tướng: Không để thiếu hàng hóa, không nâng giá dịp Tết Nguyên đán | |
Chuyên gia chỉ ra sai lầm trong sử dụng, bảo quản thức ăn dịp Tết |
Các quân cờ đều là các cô gái trong Hội cờ người xã Đài Xuyên năm 2019. |
Xã Đài Xuyên (Vân Đồn, Quảng Ninh) là xã trên đất liền nằm xa trung tâm huyện nhất. Đài Xuyên mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn đầu năm 2019, một thời là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Vân Đồn nhưng nay chỉ còn 0,04%. Từ mấy chục năm nay, năm nào cũng vậy, cứ ngày mùng 2 hay mùng 3 Tết, UBND xã Đài Xuyên lại tổ chức Hội cờ người cho bà con trên địa bàn, với quy mô hoành tráng không thua kém các hội cờ người cấp huyện, thị ở các địa phương khác. Đài Xuyên có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng bà con dân tộc Kinh ở Đài Xuyên đều có gốc gác từ TX Quảng Yên, nơi có con sông Bạch Đằng lịch sử và là vùng đất có truyền thống lễ hội trong đó có cả hội cờ người. Năm 1978, khi những người từ TX Quảng Yên di chuyển đến vùng đất Đài Xuyên để phát triển kinh tế, họ mang theo cả văn hóa truyền thống chơi cờ người này. Ngày hội được người dân hưởng ứng rất nhiệt tình, nguồn kinh phí cho ngày hội đều được vận động đóng góp xã hội hóa.
Tuy cờ người là văn hóa của người Kinh, nhưng lại được bà con các dân tộc ở xã hưởng ứng nhiệt tình. Ông Lý Tắc Mềnh là cán bộ mặt trận bản Đài Van (xã Đài Xuyên) bảo: “Năm nào, bà con cả bản Đài Van cũng ra đây hưởng ứng và góp người chơi. Năm nay, bản Đài Van cũng có 2 cháu gái tham gia làm “quân cờ". Chúng tôi hưởng ứng với cờ người giống như văn hóa của người Dao vậy”.
Hội cờ người đã được tổ chức ở nhiều nơi trong tỉnh, thường người đóng quân cờ có cả nam lẫn nữ nhưng cờ người ở Đài Xuyên thì quân cờ hoàn toàn là các cô gái tuổi từ 16 đến 18. Các cô gái được chọn làm quân cờ mỗi dịp Tết, ngoài vẻ ngoài dễ nhìn, còn phải là con gái nhà lành, nhà có đầy đủ bố mẹ, gia đình không được vướng vào những tệ nạn xã hội. Hầu như gia đình nào có con gái tham gia đều vui vẻ, vì đây là điều họ muốn khoe với mọi người mà không cần phải diễn tả bằng lời.
Ngày nay, từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân Đài Xuyên đã được nâng tầm nên rất nhiều, đường sá bê tông hóa thuận lợi. Vậy là vào dịp Tết, hội cờ người được tổ chức trở thành ngày vui không chỉ của riêng Đài Xuyên, mà còn cả của nhiều xã lân cận khác. Ngoài cờ người, xã còn tổ chức các trò chơi khác như: Bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, đẩy gậy, kéo co… rất náo nức.
Xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) một thời giao thông rất khó khăn nhiều thôn bản tách biệt giống như ốc đảo. Năm 2006, xã Đại Thành được thành lập mới trên cơ sở tách ra từ xã Đại Dực. Năm 2017, cả Đại Dực và Đại Thành đều đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, Đại Thành là xã đầu tiên của huyện Tiên Yên đã xóa hoàn toàn hộ nghèo. Ngày 2/1 vừa qua, Đại Thành lại sáp nhập vào Đại Dực theo Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Thi kéo co trong Lễ hội Văn hóa, thể thao dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực năm 2019. |
Từ khi thôn bản đường sá của Đại Dực đi lại còn rất khó khăn, người dân không có điều kiện giao lưu xa, bà con cũng đã có cách đón Tết riêng. Đại Dực đa phần là người dân tộc Sán Chỉ, họ thường tổ chức thành các nhóm hát đối với nhau bên bìa rừng, hay bờ ruộng cạn… Với những người Sán Chỉ đã đứng tuổi ở xã Đại Dực thì đồi Tình đã một thời gắn bó suốt tuổi thanh niên của họ và là địa danh ai cũng muốn tìm đến khi đang ở tuổi hẹn hò. Đồi Tình rộng khoảng 100ha, phân bổ chủ yếu trên đất xã Đại Dực và một phần ở xã Húc Động (Bình Liêu). Đồi Tình là sân chơi ngày tết tuổi thanh xuân đầy lãng mạn đối với thanh niên Sán Chỉ miền Đông một thời, đông nhất vào những ngày Tết. Họ lên đây hát Soóng cọ giao lưu với nhau rất vui vẻ.
Ngày nay, sân chơi ngày tết của người dân xã Đại Dực đã được huyện Tiên Yên tổ chức thành Lễ hội Văn hóa, Thể thao dân tộc Sán Chỉ hàng năm sau dịp Tết Nguyên đán. Tại đây người dân được đón nhiều may mắn từ lễ cầu mùa của thầy mo cầu cho một năm an vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Bà con được tham gia các trò vui thể thao dân tộc như đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo hay gói bánh chưng, bánh coóc mò.. tạo không khí vui tươi trong những ngày Tết.