Những người “giữ lửa” công tác dân số
Với người dân ở thôn Thác Dài,nh yvô địch mỹ xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, hình ảnh CTVDS Nguyễn Thị Nhân rất đỗi thân quen. 2023 là năm thứ 17 bà gắn bó với công tác dân số. Với bà, dù vất vả, dù được người khác ví là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng bà vẫn có niềm đam mê và yêu thích công việc này. Ở tuổi 70, với bước chân vẫn nhanh nhẹn, bà đi đến từng nhà, thu thập các thông tin về biến động dân số và trong những lần như thế, bà cũng tuyên truyền người dân thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch, dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt. Bà cũng tranh thủ phổ biến đến các gia đình nhiều biện pháp chăm sóc con hiện đại, phù hợp xu thế chung. Với sự góp sức của bà, công tác dân số ở thôn vì vậy cũng đã thay đổi rất nhiều. Bà Nhân phấn khởi: Trước đây mình đến tuyên truyền người ta không thích đâu, có khi còn đuổi. Nhưng sau này, “mưa dầm thấm lâu”, mình nói miết nên người ta cũng quen và thay đổi dần. Ở khu vực này tuy xa xôi, hẻo lánh nhưng bây giờ người ta sinh ít, nuôi con khỏe và khoa học lắm! Đó cũng là niềm vui của người làm công tác dân số như tôi.
17 năm gắn bó với công tác dân số, hình ảnh bà Nguyễn Thị Nhân đã trở nên quen thuộc với người dân thôn Thác Dài, xã Phú Văn (Bù Gia Mập). Trong ảnh: Bà Nhân đến từng nhà người dân tuyên truyền, vận động về công tác dân số
17 năm gắn bó với công tác dân số, bà Nhân được tặng không biết bao nhiêu giấy khen, bằng khen và treo trang trọng trong nhà. Đó vừa là niềm tự hào vừa là động lực để bà gắn bó lâu dài với công việc này. Bởi với bà, công tác dân số không chỉ là tâm huyết của riêng bản thân mà còn là cốt lõi để xây dựng xã hội phát triển, văn minh. “Phụ cấp CTVDS rất ít, nhiều khi cấp trễ, 2-3 năm mới nhận 1 lần, nhưng tôi vẫn đam mê và yêu nghề lắm. Sau này không còn sức làm nữa, tôi vẫn sẽ động viên các lớp trẻ theo đuổi công tác này, bởi dân số khỏe thì xã hội mới tốt” - bà Nhân tâm niệm về nghề.
Cũng có 17 năm làm công việc này như bà Nhân là bà Phạm Thị Vui, CTVDS thôn 1, xã Phú Văn. Công việc khá nhiều, phụ cấp dành cho cộng tác viên còn thấp nhưng không vì thế mà bà Vui lơ là trách nhiệm. Trải qua biết bao chuyện vui, buồn của nghề, đến nay, bà nắm như lòng bàn tay tình hình dân số cũng như gia cảnh từng hộ trên địa bàn phụ trách. Các số liệu về dân số đều được bà cập nhật đầy đủ, chính xác và thường xuyên. Thích ứng kịp thời với sự thay đổi của ngành dân số, đặc biệt là việc số hóa dân số, bà cũng nhanh nhẹn học tập và phối hợp nhịp nhàng với cán bộ dân số trên địa bàn nhằm cập nhật những biến động dân cư nơi mình phụ trách. Bà Vui chia sẻ: Để gắn bó với công tác này, phải coi công việc làm niềm vui, hằng ngày đem những thông tin bổ ích, lý thú đến nói chuyện với người dân. Và khi họ “thấm” được thông tin, thay đổi các quan niệm đã cũ về dân số thì khi đó mình cảm thấy vui nhất và là động lực để gắn bó với nghề hơn.
Sau khi đi thu thập sự biến động dân cư trên địa bàn mình quản lý, bà Phạm Thị Vui đến Trạm Y tế xã để cập nhật lên hệ thống. Điều này giúp việc quản lý dân số dễ dàng và hiệu quả hơn
Theo Nghị quyết số 03 ngày 31-3-2022 của HĐND tỉnh, toàn tỉnh có hơn 850 CTVDS. Nhiều năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 2021-2022, việc chậm chi trả các chế độ phụ cấp ít nhiều đã ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ này. Thế nhưng, bằng lòng yêu nghề và trên hết là sự tâm huyết, họ vẫn thầm lặng theo đuổi thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao để góp phần nâng cao chất lượng công tác dân số trên địa bàn tỉnh.
Để nối dài chính sách dân số
Đến nay, tiền phụ cấp của đội ngũ CTVDS trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022 đã được phân bổ. Đây là tin vui của hơn 850 cộng tác viên trong toàn tỉnh và là niềm vui chung của những người làm công tác dân số. Tiền phụ cấp được nhận tuy chỉ bằng 0,2 lần mức lương cơ sở/người/tháng nhưng đó chính là động lực để họ tiếp tục với công việc thầm lặng của mình trong thực hiện các mục tiêu, kế hoạch của ngành dân số tỉnh nhà. Song làm sao để họ an tâm gắn bó với công việc được ví như “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, chắc chắn đó là bài toán rất cần lời giải.
Với những người làm công tác dân số, họ nhận định rằng, CTVDS là một phần thân thể của ngành dân số, bởi đây là những người gần dân nhất, trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Lương không có, phụ cấp thấp, họ làm việc với tất cả tinh thần say mê, yêu nghề. Bác sĩ Bạch Sỹ Long, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh nhấn mạnh: Chế độ đối với đội ngũ này đôi khi không chỉ là phụ cấp mà còn là nguồn động viên, sự khích lệ tinh thần.
Nếu chỉ nhìn qua, nhiều người cho rằng đội ngũ CTVDS đâu có làm được gì nhiều, nhưng dân số là nguồn lao động quý báu cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, công việc của đội ngũ này khá quan trọng, bởi từ công tác tuyên truyền, hành vi, nhận thức được thay đổi thì dân số sẽ khỏe mạnh, đất nước sẽ phồn vinh. Bên cạnh phụ cấp, chúng ta cũng nên có những hình thức động viên để họ an tâm gắn bó với công việc; việc tuyển dụng đội ngũ này cũng cần “nhẹ” hơn, đừng quá nặng vào các quy định, bằng cấp, bởi đây là nghề của lòng nhiệt huyết, say mê... Phải có những thay đổi như thế, CTVDS mới thực sự là một phần cơ thể để cùng ngành dân số phát triển và tạo ra các giá trị tốt đẹp cho xã hội. Bác sĩ BẠCH SỸ LONG, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh |