Đây là một trong những quy định mới trong dự thảo nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp do Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, quy định như vậy mang tính nhân văn để bảo toàn tài sản cho nông dân. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cho rằng, khi nông dân góp vốn vào công ty, họ đã trở thành cổ đông của công ty thì phải chịu rủi ro và có trách nhiệm cùng doanh nghiệp.
Tích tụ ruộng đất còn khó khăn
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), hiện nay, trên cả nước có khoảng 70 triệu mảnh ruộng, bình quân mỗi mảnh 300 - 400 m2; bình quân mỗi hộ có 7 - 10 mảnh. Mức độ manh mún không đồng đều giữa các vùng. Miền Bắc manh mún hơn ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng theo đánh giá của VEPR, quá trình tích tụ ruộng đất ở Việt Nam còn chậm. Thị trường mua bán, thuê và cho thuê quyền sử dụng ruộng đất ở Việt Nam còn kém phát triển do thiếu cầu, mặc dù lượng cung khá cao. Điều này có thể do lợi tức ngành nông nghiệp còn thấp, rủi ro cao dẫn đến thiếu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Bà Hoàng Thị Vân Anh - Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện có một số vướng mắc, bất cập trong việc tiếp cận đất đai thông qua hình thức thỏa thuận thuê, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Cùng với đó là việc xử lý đất đai đối với các trường hợp chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; trong việc giao, cho thuê các thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định; trong đăng ký, cấp giấy chứng nhận và trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Cũng theo bà Vân Anh, trên thực tế, quá trình tích tụ đất đai còn khó khăn, quy mô đất còn nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu quy mô. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có nhu cầu tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Theo đó, dự thảo quy định 5 phương thức tập trung tích tụ ruộng đất nông nghiệp gồm dồn điền, đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất; liên kết hợp tác xã để tổ chức sản xuất; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Về cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất, dự thảo quy định, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp: cho phép nhà đầu tư được chuyển mục đích một phần diện tích đất nông nghiệp, nhưng không quá 5% tổng diện tích thực hiện dự án để xây dựng công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp theo dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt và tối đa không quá 5.000m2.
UBND cấp huyện, xã làm đầu mối thực hiện việc thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận ủy quyền của người sử dụng đất để tạo quỹ đất nông nghiệp, sau đó cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê đất hoặc thuê lại đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp. Nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất để UBND cấp huyện, UBND cấp xã trả cho người nông dân.
Nhà đầu tư có trách nhiệm khôi phục lại đất nông nghiệp để bàn giao cho người sử dụng đất trong thời hạn 60 ngày kể từ khi chấm dứt việc thuê quyền sử dụng đất. Trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng hoặc phá sản thì đất đai được trả lại cho người sử dụng đất.
Còn nhiều băn khoăn
Đóng góp ý kiến vào dự thảo, bà Trần Kim Liên - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam cho rằng, quy định cho phép nhà đầu tư được chuyển mục đích một phần diện tích đất nông nghiệp, nhưng không quá 5% tổng diện tích thực hiện dự án để xây dựng công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp là không hợp lý.
Bà Liên đưa ra ví dụ: “Đơn cử như tại công ty chúng tôi, chúng tôi đang thuê 15.000 ha đất nông nghiệp tại Hà Nam. Vì chúng tôi làm nông nghiệp công nghệ cao nên toàn bộ diện tích mương máng, kho tàng, nhà làm việc công ty phải tự làm trên đất nông nghiệp, tính ra phải trên 15% diện tích đất. Nhưng nếu theo quy định là chúng tôi đang xây trên diện tích bất hợp pháp, không có gì đảm bảo tài sản của chúng tôi trong 20 năm, bất cứ lúc nào cơ quan kiểm tra có thể xử phạt chúng tôi vì xây trái phép. Nhưng nếu quy định 5% thì không hợp lý, vì dự án sản xuất toàn bộ làm bằng nhà kính, nhà lưới thì phải có hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống mương máng”.
Theo bà Liên, cơ quan soạn thảo phải quy định rõ, 5% diện tích là để xây nhà làm việc hay xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án.
Ngoài ra, hiện công ty đang có trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất của nông dân. Khi góp vốn, nông dân được định giá đất theo giá của thị trường, trở thành cổ đông, được chia lợi nhuận. Theo Luật Doanh nghiệp, khi doanh nghiệp phá sản, ưu tiên trả nợ cho chủ nợ, còn các hộ nông dân thì đã trở thành cổ đông, họ cũng phải chịu rủi ro, phải trách nhiệm cùng doanh nghiệp.
Cũng bàn về vấn đề có nên bảo toàn đất của nông dân khi doanh nghiệp phá sản, bà Đặng Bích Thảo – chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách cho rằng, khi đưa ra nghị định mới như thế này, ban soạn thảo phải cân nhắc các quy định có phù hợp với các quy định trong giao dịch dân sự hay không? Để bảo vệ quyền lợi của người nông dân thì nên tăng cường tư vấn cho nông dân và doanh nghiệp các tình huống có thể xảy ra. Quan trọng là giao dịch diễn ra tự nguyện, tránh sự tác động của chính quyền địa phương, phải để 2 bên hiểu được quyền và nghĩa vụ của họ, họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với chữ ký của mình trong hợp đồng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hy vọng, với những đổi mới trong chính sách về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp đang được xây dựng, sẽ tạo cơ sở pháp lý cho thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, góp phần xây dựng nền sản xuất nông nghiệp công nghiệp hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, tự phát. Đồng thời, chính sách mới này nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, nâng cao đời sống của người sử dụng đất. |
Bùi Tư