BPO - Với lợi thế có trên 6.100km2mặt nước,ểnthủysảnbềnvữbxh thai league vùng biển, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vụng, áng, cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao..., thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường biển.
Siết chặt các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có 5.556 tàu cá, hoạt động ở cả vùng khơi, lộng, ven bờ, ngư trường khai thác thủy sản rộng lớn, có vùng tiếp giáp với Vịnh Bắc bộ và vùng đánh cá chung với nước ngoài. Để khắc phục những khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu trong khai thác thủy sản, Quảng Ninh đã tập trung khắc phục những tồn tại mà EC đưa ra nhằm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng”. Hiện trên 4.000 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được cập nhật dữ liệu trên Vnfishbase; tất cả tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 100% tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m đã ký cam kết an toàn thực phẩm.
Tại Trạm liên ngành kiểm soát tàu cá ra vào cảng Cái Rồng đặt tại Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá tại thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn), lực lượng cán bộ tại đây duy trì trực 24/24h để kiểm tra, kiểm soát tàu cá, cấp phát mẫu, thu hồi nhật ký khai thác, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng. Ông Đặng Ngọc Thiết, Trưởng bộ phận cảng, bến Cái Rồng, cho biết: Trước khi ngư dân đưa tàu cá ra khơi khai thác, đơn vị kiểm tra giấy tờ, con người và phương tiện. Chủ tàu cá ký vào bản cam kết đúng số lượng thuyền viên đi biển, giám sát hành trình, giấy phép khai thác thủy sản, đăng ký tên thuyền viên. Thông qua hệ thống giám sát hành trình, cơ quan chức năng phân công cán bộ trực giám sát, theo dõi chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển. Ngoài ra, nội dung thu nộp, nhật ký khai thác thủy sản của các thuyền trưởng tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên tại cảng cá được thực hiện nghiêm túc.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các địa phương liên quan cũng đã tích cực vào cuộc, như: Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên thực hiện kế hoạch cao điểm "Tăng cường phòng chống nạn khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh" trên tuyến biển. Ngoài đẩy mạnh việc tuyên truyền, các đơn vị triển khai đồng bộ công tác tuần tra, kiểm soát, nhằm phát hiện, xử lý khai thác thủy sản trái phép; tổ chức nắm chắc tình hình địa bàn, bố trí sử dụng lực lượng, phương tiện, vận dụng các biện pháp công tác, tập trung tuần tra ở những vùng biển "nóng".
Sở NN&PTNT thành lập đoàn công tác liên ngành của tỉnh để kiểm tra, triển khai các nội dung khuyến nghị của đoàn thanh tra EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định tại 4 huyện, thị xã, thành phố trọng điểm để kiểm tra, hướng dẫn và xử lý dứt điểm các tồn tại về cấp giấy phép khai thác thủy sản, kiểm soát tàu cá cập, rời cảng, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình... Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh đã tuyên truyền cho hàng nghìn ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch nuôi biển. Đồng thời, triển khai thực hiện quy chuẩn địa phương về vật liệu nổi. Cụ thể, tỉnh đã ban hành Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 31-8-2020 quy chuẩn địa phương về vật liệu nổi sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) biển. Theo đó, từ ngày 1-1-2021 các cơ sở NTTS biển đầu tư mới phải thực hiện theo quy chuẩn địa phương; đối với hiện trạng vật liệu nổi đang sử dụng tại các cơ sở thì thực hiện chuyển đổi, thời gian hoàn thành 1-1-2023. Đến nay, đã thực hiện thay thế khoảng 6.015.769/6.153.987 quả phao xốp được sử dụng trong NTTS biển, đạt khoảng 97,8%. Trong đó các địa phương đã hoàn thành xong việc chuyển đổi như Đầm Hà, Tiên Yên, các địa phương có tỷ lệ chuyển đổi cao như Vân Đồn đạt 99,5%, Cẩm Phả 98%; các địa phương có tỷ lệ chuyển đổi thấp như Hạ Long 46,3%; Móng Cái 41,7%, Quảng Yên 31,3%. Số phao xốp còn lại chiếm khoảng 2,2% xen kẹp trong diện tích nuôi trồng cần tiếp tục chuyển đổi.
Khai thác tối đa lợi thế
Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định rõ mục tiêu: Phát triển toàn diện các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung, phục vụ du lịch, dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị và phát triển bền vững, để thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong ngành nông nghiệp của tỉnh.
Với mục tiêu này, tỉnh đẩy mạnh hoạt động NTTS, nhất là nuôi biển, để giảm áp lực từ khai thác thủy sản đến nguồn lợi tự nhiên. Tỉnh tập trung chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng theo hướng giảm diện tích NTTS nội địa, mở rộng diện tích nuôi trên biển phù hợp với quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, quy hoạch bảo vệ và khai thác NTTS...
Riêng năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 175.324 tấn (sản lượng khai thác đạt 77.039 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 83.834 tấn), tăng trưởng đạt 3,7%. Tăng trưởng bình quân của ngành thủy sản giai đoạn 2015-2020 đạt 6,37% đã có chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản lượng từ khai thác sang nuôi trồng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2018-2023, diện tích NTTS đã có sự phát triển đáng kể; đến năm 2023 tổng diện tích NTTS đạt 32.092ha, tăng 11.347ha so với năm 2018; các địa phương lớn như Vân Đồn, Quảng Yên, Đầm Hà, Móng Cái… Tỉnh cũng đã chủ động sản xuất giống đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cua, cá biển... Hiện toàn tỉnh có 16 cơ sở sản xuất giống thủy sản (12 cơ sở sản xuất giống nước mặn lợ, 4 cơ sở sản xuất giống nước ngọt) và có trên 20 cơ sở ương dưỡng theo quy mô hộ gia đình, hàng năm sản xuất khoảng 3 tỷ con giống/năm (tăng 1,9 tỷ con so với năm 2013), riêng Công ty Việt Úc - Quảng Ninh sản xuất khoảng 1,5 tỷ tôm giống/năm, còn lại là các loài nhuyễn thể, cá biển...
Bên cạnh đó, để kiểm soát chặt chẽ môi trường biển trong NTTS nói riêng, hoạt động khác trên biển nói chung, Quảng Ninh đã đầu tư 26 trạm quan trắc môi trường tự động. Các số liệu thu thập của hệ thống quan trắc tự động được cung cấp thông tin công khai để nhân dân biết, giám sát, nhằm kiểm soát các nguồn thải lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường biển. Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) thường xuyên giám sát chất lượng nước vùng NTTS. Các đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên biển và ven biển thực hiện quan trắc định kỳ môi trường theo đúng quy định và gửi kết quả về Sở TN&MT. Các ngành chức năng của tỉnh đã lập quy hoạch đồng bộ, đưa ra chỉ dẫn, hướng dẫn giúp ngư dân có phương pháp NTTS phù hợp, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển.
Việc đầu tư cơ sở chế biến thủy sản cũng từng bước được đẩy mạnh, hiện nay toàn tỉnh có 8 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu chuyên chế biến sâu hoặc xuất khẩu thủy sản đông lạnh; 184 cơ sở sở chế, chế biến thuỷ sản tiêu thụ nội địa. Đến nay nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã kết nối được vào 26 trung tâm, cửa hàng OCOP trên địa bàn tỉnh; 100% các cơ sở chế biến đều áp dụng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm.
Cùng với các giải pháp trên, Quảng Ninh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường biển với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, nổi bật là các hoạt động: Ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom, xử lý rác thải dọc các bờ biển, bãi tắm ven biển… Mặt khác, hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được tỉnh chỉ đạo triển khai tích cực. Trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh thả trên 11 triệu con tôm, cua, cá giống về môi trường tự nhiên, góp phần tái tạo, duy trì các loại giống thủy sản đang có nguy cơ cạn kiệt. Tỉnh đã lập, phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm. Trên cơ sở đó, từng bước khôi phục các hệ sinh thái gắn với quy hoạch khác, định hướng phát triển của tỉnh. Đồng thời tỉnh chú trọng tăng cường bảo vệ và tái tạo các hệ, rạn san hô đang phát triển tại Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, vùng biển Cô Tô - đảo Trần, từng bước thả rạn san hô nhân tạo kết hợp trồng phục hồi san hô, sản xuất giống để thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, ngành thủy sản Quảng Ninh đã có những bước phát triển nhanh, ổn định, từng bước vươn lên thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.