Sử dụng VLXKN chiếm tỷ lệ thấp
Từ năm 2010,Đẩynhanhlộtrigravenhphaacutettriểnvậtliệsevilla vs villarreal Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 và năm 2012 tiếp tục có chỉ thị tăng cường sử dụng vật liệu này. Tuy nhiên, thực tế việc sử dụng gạch không nung vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Dũng cho biết: Trong tỉnh hiện có 13 cơ sở sản xuất gạch xi măng cốt liệu với tổng công suất đạt 2,336 triệu viên/năm. Dự kiến trong năm sẽ có thêm 1 cơ sở đi vào hoạt động với công suất thiết kế 40 triệu viên/năm. Như vậy mới chỉ đạt 1,61% so với lộ trình phát triển gạch không nung đến hết năm 2016 mà kế hoạch UBND tỉnh đề ra.
Sản xuất gạch phải mất 7 ngày qua các công đoạn mới đến công trình
Thực tế khẳng định gạch không nung đã có chỗ đứng vững chắc trong các công trình và đang dần trở nên phổ biến bởi có nhiều ưu điểm như: cường độ chịu lực tốt; độ bền cao trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt; cách âm tốt, hấp thụ và truyền tải nhiệt ít hơn gạch nung bằng đất sét; độ chính xác cao; mẫu mã đẹp, đa dạng; chống cháy; không độc hại; bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí. Bình Phước với 11 huyện, thị đang từng bước được đầu tư về cơ sở hạ tầng, tuy nhiên số lượng gạch không nung sản xuất được trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng, nhiều công trình phải mua gạch không nung từ các cơ sở ngoài tỉnh cung cấp. Đại diện một cơ sở sản xuất gạch không nung ở thị xã Đồng Xoài cho rằng: Do dây chuyền sản xuất VLXKN chi phí đầu tư cao nên hầu hết quy mô sản xuất trong tỉnh nhỏ và có điểm khởi đầu theo phương pháp thủ công. Ngoài ra, quy định “Chủ đầu tư xây dựng công trình sử dụng loại vật liệu này phải có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng và 1 năm về tình hình sử dụng VLXKN với Sở Xây dựng” cũng tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Bình Phước là tỉnh có nguồn tài nguyên phục vụ sản xuất VLXKN, như cát, đá vôi, cao lanh, puzolan, đất sét... rất phong phú. Từ nguồn tài nguyên này, hằng năm các doanh nghiệp khai thác, sản xuất trên 1.131 triệu tấn xi măng, gần 1.460 triệu mét khối đá xây dựng, 29.377m3 đất sét gạch ngói... Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ sản xuất vật liệu nung còn chiếm tỷ trọng cao với 36 cơ sở đang hoạt động, sản lượng hơn 101,95 triệu viên/năm.
Làm gì để phổ biến VLXKN?
Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Dũng nhận định, VLXKN chiếm tỷ lệ thấp là do địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sản xuất nào đạt tiêu chuẩn để có thể đưa sản phẩm vào xây dựng các công trình có kết cấu phức tạp. Trong các loại VLXKN, tỉnh mới sản xuất được gạch xi măng cốt liệu với những ưu thế như giá thành thấp hơn gạch nung, rút ngắn thời gian hoàn thiện. Tuy nhiên, về kích cỡ, khối lượng từng loại gạch xi măng cốt liệu vẫn chưa đạt tiêu chuẩn quy định nên chưa được nhà thầu chọn xây dựng các công trình lớn, có kết cấu phức tạp. Ngoài ra, do thói quen của người tiêu dùng gắn liền với gạch nung truyền thống nên thị trường tiêu thụ gạch không nung còn hạn chế, người dân chủ yếu dùng xây các công trình dân dụng đơn giản.
Theo các nhà thầu xây dựng, những cơ sở sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh hiện chỉ đáp ứng được loại gạch con sâu và các loại vật liệu để lát sân vườn, vỉa hè... Trong khi một số tỉnh, thành phố đã có nhiều công trình lớn có vốn từ ngân sách được xây dựng bằng vật liệu không nung như gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt chuẩn theo quy định. Để VLXKN được phổ biến ở các công trình lớn trong tỉnh và được người dân tin dùng, các doanh nghiệp sản xuất cần đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao; tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài sản xuất gạch bê tông khí chưng áp phải đa dạng các loại sản phẩm và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Vương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VLXKN Bình Phước cho biết, doanh nghiệp đang xây dựng và vận hành thử nghiệm, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2017 với công suất thiết kế 40 triệu viên/năm, tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng. Công ty đang áp dụng chào giá thấp hơn từ 10-15% cho các dòng sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường. Để duy trì sản xuất ổn định, doanh nghiệp rất cần được Nhà nước hỗ trợ về vốn vay đầu tư, vốn sản xuất - kinh doanh, chính sách ưu đãi thuế đối với tiêu thụ gạch không nung. Đồng thời có những biện pháp quyết liệt hơn về việc xóa bỏ dứt điểm các lò gạch đất nung thủ công đang tồn tại gây ô nhiễm môi trường.
Để thực hiện đúng lộ trình, Sở Xây dựng tham mưu không cấp phép đầu tư cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư xây dựng mới các dự án sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đối với các lò sản xuất gạch thủ công, lò cải tiến đang hoạt động, sở cũng đặt ra lộ trình chấm dứt hoạt động trong năm 2017. Ông Huỳnh Thanh Dũng cho biết thêm: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện phát triển VLXKN, thời gian tới sở sẽ tham mưu xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi về thuế và các hỗ trợ khác cho doanh nghiệp. Phối hợp với các sở, ngành tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu về công nghệ sản xuất VLXKN tiên tiến, hiện đại; tăng cường công tác quản lý chất lượng trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường theo quy định.
Thanh Thúy