【giai vo dich quoc gia ha lan】Hậu chuyển giao doanh nghiệp về “siêu ủy ban”: Kỳ vọng và những thách thức
Tiếp tục phối hợp với các bộ để tái cơ cấu doanh nghiệp
Từ ngày 10 đến 15/11/2018, lần lượt 19 tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước đã được các bộ quản lý chuyển giao về cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong tiến trình hoạt động của cơ quan này, bởi trước đó, đã có nhiều ý kiến lo ngại về việc các bộ ngành vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan có thể tìm cách trì hoãn việc chuyển giao này. Theo tính toán, tới ngày 15/11, khoảng gần 1 triệu tỷ đồng vốn nhà nước tại 19 DNNN đã được bàn giao lại cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Điều đó đồng nghĩa với việc lượng vốn nhà nước lớn tại 19 DNNN đã chính thức được quản lý tập trung bởi một đầu mối. Trong đó, riêng số vốn nhà nước tại 6 tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương là 555 nghìn tỷ đồng; vốn nhà nước tại 5 tập đoàn, tổng công ty của Bộ Giao thông vận tải là 46 nghìn tỷ đồng, vốn nhà nước tại hai tập đoàn Vinaphone và Mobiphone là 87 nghìn tỷ đồng…
Như vậy, từ sau thời điểm 15/11, việc quản lý, giám sát vốn nhà nước tại 19 DN này hoàn toàn thuộc trách nhiệm của "siêu ủy ban". Theo đó, việc được bàn giao về một cơ quan có chuyên môn sâu hơn, chuyên nghiệp hơn sẽ giúp các DN hoạt động hiệu quả hơn, nguồn vốn nhà nước tại DN không những được bảo toàn mà còn phải được sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là các bộ, ngành đã hoàn toàn hết trách nhiệm.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, sau khi chuyển giao các DN về Ủy ban này thì các bộ, ngành vẫn tiếp tục thực hiện các chức năng quản lý nhà nước đối với DN. Cụ thể gồm: Xây dựng hệ thống pháp luật và văn bản pháp luật về hoạt động của các DNNN; xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển trong các lĩnh vực ngành phụ trách; thiết lập hệ thống định mức, tiêu chuẩn liên quan lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của DN; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan quản lý nhà nước; thanh kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của DN. Như vậy, khi chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước được bàn giao cho Ủy ban Quản lý vốn thì các bộ, ngành tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với DN và phát triển DN thông qua các chính sách thuận lợi cho DN, đảm bảo không có sự chồng chéo trong quản lý đối với DN sẽ góp phần làm tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vừa được tổ chức, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, hiện đã hoàn tất việc bàn giao 19 tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, nhưng vấn đề quan trọng nhất là phân định rõ quyền, trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban với các bộ, ngành. Phó Thủ tướng lưu ý: Phải bảo đảm để DN phát triển sản xuất kinh doanh bình thường, liên tục, hạn chế tối đa phát sinh xáo trộn về tâm lý, tư tưởng và tổ chức trong DN, đồng thời không được tạo thêm tầng, nấc hành chính trung gian... nhằm mục đích cuối cùng là phải tập trung vào đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.
Nhiều thách thức
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của Ủy ban cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như việc xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, có đủ năng lực quản trị DN theo các chuẩn mực tiên tiến, cơ cấu lại toàn diện DNNN theo nguyên tắc thị trường…
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: “Ủy ban đi vào hoạt động đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN, như việc cần kiện toàn đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, phẩm chất đạo đức đủ năng lực thực hiện ngay trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Bên cạnh đó là việc tiếp nhận 9/12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương phải xử lý dứt điểm trước năm 2020. Chưa kể 4/19 tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ mà theo mục tiêu của Nghị quyết 12/2017/NQ-CP về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN phải xử lý trước năm 2020”.
Về nhân lực của Ủy ban, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Hoạt động của Ủy ban phải theo cơ chế thị trường nhiều hơn, hướng đến DN và sát DN hơn, vì thế trong thành phần lãnh đạo chủ chốt của Ủy ban nên có đại diện của các DN, hoặc là những người đã từng trải qua quá trình lãnh đạo DN đã chuyển ngành nhưng có năng lực và đầy tâm huyết, trách nhiệm…”.
Sự chờ đợi và kỳ vọng vào những động thái sắp tới của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN là rất lớn và hiệu quả của 19 DN này sau khi về "siêu ủy ban" rõ ràng sẽ tác động nhất định tới tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với trách nhiệm của “siêu ủy ban” sau khi nhận chuyển giao là hết sức nặng nề.
Trong 2 năm tới, Ủy ban sẽ phải chỉ đạo triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2019 của các DN. Bên cạnh đó, Ủy ban nghiên cứu, phối hợp với các DN đề xuất với Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý vốn nhà nước, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển của từng DN phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường, thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các DN.
Liên quan vấn đề này, tại lễ chuyển giao các DN, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cũng nhấn mạnh, sau khi chuyển giao các DN sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ để tập trung sản xuất, kinh doanh, nghiêm túc thực hiện sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DN. Ủy ban Quản lý vốn sẽ thực hiện tất cả nhiệm vụ luật pháp quy định cũng như những chỉ đạo của Chính phủ để hỗ trợ giúp DN có điều kiện hoạt động thuận lợi hơn, có chiều sâu hơn, là cầu nối DN với các bộ, ngành và Chính phủ để hoạt động hiệu quả hơn. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN tới đây là tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu các DN thành viên thông qua cổ phần hóa, thoái vốn tại các DN này theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, đến nay, cơ bản Ủy ban đã nắm được tình hình hoạt động của các DN và thấy rằng, triển vọng hoàn thành kế hoạch của năm 2018 là tương đối tốt. Trong đó có một số DN dự kiến sẽ đạt và vượt kế hoạch, như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) dự kiến doanh thu vượt mức trên 25%, Tổng công ty Lương thực miền Bắc dự kiến doanh thu vượt mức 10-20%, lợi nhuận dự kiến vượt mức 35-40%, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam vượt mức lợi nhuận 37%, VNPT vượt mức lợi nhuận 25%, TKV vượt lợi nhuận 15%.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng nhấn mạnh, các DN hoạt động trong cơ chế thị trường phải tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của DN mình, theo đó, các cơ quan đại diện chủ sở hữu, các bộ ngành, sự chỉ đạo của hội đồng thành viên cũng phải theo cơ chế thị trường, chấp nhận sự biến đổi, lên xuống thất thường của thị trường, chấp nhận sự điều chỉnh nhằm thích ứng linh hoạt cho hoạt động của DN. Những DN không thích ứng được thì phải tái cơ cấu, sắp xếp lại, thay đổi người quản lý đúng lúc và phù hợp với khả năng.
Liên quan đến tái cơ cấu DNNN, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã đi vào hoạt động, việc chuyển giao 19 tập đoàn, tổng công ty với nhiều nhóm ngành đã hoàn thành, thì cách tiếp cận tái cơ cấu DNNN không thể chỉ đặt riêng lẻ cho từng DN mà phải có cách tiếp cận theo nhóm ngành hoặc theo chuỗi các sản phẩm để có thể tận dụng được các thế mạnh của các tập đoàn, tổng công ty lớn. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN phải nghiên cứu, có đề xuất mang tính chiến lược để thực hiện thực sự thay đổi được phương thực hoạt động và nâng cao hiệu quả các DN.