Khởi đầu các động thái giảm lãi suấtThời gian qua, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) là một trong những ngân hàng “tiên phong” cho một hành động có tính chất có thể dẫn đến một giai đoạn đoạn mới đảo ngược xu thế tăng lãi suất trên toàn cầu kéo dài suốt giai đoạn 2022 – 2023. Theo đó, ngân hàng này đã điều chỉnh giảm 0,25% vào hồi tháng 3/2024 và thậm chí thị trường dự đoán sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất nữa vào tháng 6 tại Thụy Sỹ. Điều đáng chú ý là SNB có thể không phải là kẻ lạc lõng trong cuộc chơi trên thị trường tài chính toàn cầu, bởi tiếp bước theo SNB, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) cũng đã hạ lãi suất từ 4% xuống 3,75% và cho biết sẽ cắt giảm thêm nếu lạm phát duy trì ở mức vừa phải. Những động thái của một số ngân hàng trung ương cho thấy, thái độ của nhiều nước đã tỏ ra không còn chịu ảnh hưởng từ hành động của FED. Bởi lẽ, FED đến nay vẫn chưa phát đi tín hiệu nào cho thấy sẽ hạ lãi suất, ít nhất cho tới giữa năm 2024. Công cụ FEDWatch đo lường hành động của FED cho thấy có tới 96,5% khả năng FED sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất vào cuộc họp sẽ diễn ra ngày 12/6 tới. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng hé lộ quan điểm cho biết có thể sẽ hạ lãi suất vào tháng 6, khi lạm phát đang ở gần mục tiêu 2% và tăng trưởng chậm. Thị trường dự đoán ECB sẽ hạ lãi suất 3 lần trong năm nay và điều đáng chú ý là ngân hàng này bày tỏ quan điểm là họ sẽ có những hành động riêng mà không lệ thuộc vào hành động của FED. Những tác động ngắn và dàiĐộng thái của một số ngân hàng trung ương trên thế giới phần nào đang mở ra một chu kỳ mới của thị trường tiền tệ thế giới từ xu hướng thắt chặt tiền tệ, kéo dài trong các năm 2022 – 2023, sang giai đoạn nới lỏng dần. Động thái này nếu diễn ra sớm sẽ là yếu tố thuận lợi cho thị trường tiền tệ trong nước, bởi trong suốt 2 năm qua, thị trường Việt Nam phải chèo lái trong một xu hướng "lội ngược dòng" - có nghĩa là Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích tăng trưởng, trong khi rất nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát. Đánh giá về tác động của các diễn biến này đối với thị trường tiền tệ trong nước, theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, động thái giảm lãi suất của một số nước có thể giúp chính sách tiền tệ trong nước sẽ “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, ông Huân cũng cho rằng, vấn đề lớn của Việt Nam chủ yếu là câu chuyện với đồng USD là chính, trong khi mức độ giảm lãi suất tuy có xuất hiện một vài nơi những cũng chỉ ở mức nhẹ và cần phải quan sát diễn biến tiếp theo. Phân tích kỹ hơn về những ảnh hưởng có thể có, ông Huân cho biết, việc giảm suất của một số quốc gia về ngắn hạn làm cho đồng tiền các nước đó giảm giá trên thị trường quốc tế và vì thế hàng hóa của các doanh nghiệp từ nước ngoài – trong đó có Việt Nam - xuất khẩu vào các thị trường sẽ có giá đắt hơn sau khi quy đổi tỷ giá. Tuy nhiên về dài hạn, động thái này cũng có tác dụng kích thích tiêu dùng tại các quốc gia đó từ đó về mặt trung hạn cũng là yếu tố tích cực cho giao lưu thương mại. Ngoài ra, yếu tố giá đồng USD có thể tăng trong bối cảnh FED chưa hạ lãi suất trong khi một số số nước châu Âu hạ lãi suất trước có thể tác động ra sao đến tỷ giá của đồng Việt Nam? Theo ông Huân, điều này liên quan đến quan điểm điều hành của Việt Nam trong việc có cần neo tỷ giá theo đồng USD hay không. Theo đó, nếu Việt Nam neo giá đồng Việt Nam theo đồng USD thì tỷ giá VND/USD giữ ổn định, nhưng sẽ làm cho đồng tiền Việt Nam tăng giá so với một số quốc gia châu Âu dẫn đến hàng Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu gặp khó hơn. Trong khi đó, Việt Nam để đồng tiền của mình mất giá theo các đồng tiền châu Âu thì cũng sẽ làm tỷ giá so với USD tăng và thực tế cho thấy tỷ giá đã có xu hướng tăng thời gian qua. Việc này diễn ra trong một mức độ vừa phải cũng không có nhiều ảnh hưởng lớn, nhưng nếu tỷ giá VND/USD tăng quá mức cũng có thể có những tác động khác nhau đến kinh tế vĩ mô. Nói về ý nghĩa của việc giữ tỷ giá VND/USD ổn định, ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường thuộc VinaCapital cho biết, trong những năm gần đây (đặc biệt là vào năm 2022), Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái cho thấy vẫn muốn giữ tỷ giá VND/USD ở mức ổn định. “Có lẽ việc này xuất phát từ quan điểm muốn sự ổn định của tỷ giá hối đoái sẽ khuyến khích đầu tư FDI, từ đó hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế lâu dài của Việt Nam” - ông Kokalari đưa ra bình luận.
|