Cần mở về tư duy Mặc dù tính đến ngày 20-5 đã có 17/21 tập đoàn, tổng công ty đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu, nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc soạn thảo và triển khai đề án tái cơ cấu, đã thừa nhận trên diễn đàn Quốc hội rằng, tiến độ thực hiện quá trình này còn chậm. Vấn đề này cũng được cộng đồng DN nước ngoài quan tâm tại Diễn đàn DN giữa kỳ 2013, một cuộc đối thoại chính sách trực tiếp giữa Chính phủ và cộng đồng DN. Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) ước tính khu vực DNNN đang chiếm tới 40% toàn bộ nền kinh tế. Ông Preben Hjortlund cho rằng, bản thân điều này không có gì đáng quan ngại, vấn đề là ở chỗ, các DNNN nhìn chung được ưu đãi nhiều hơn thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp nhưng thường hoạt động không hiệu quả. Điều này đang kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế. Ông Kim Jung In, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) cũng cùng chung quan điểm khi nhận định rằng, Chính phủ chưa triển khai triệt để quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN. “Đây sẽ tiếp tục là một vấn đề lớn vì mức dư nợ của các DNNN hiện nay đã lên đến khoảng 145.000 tỉ đồng, trong đó có tới khoảng 20-30% là nợ khó đòi”- ông Kim Jung In nói. Với những nhận định rằng quá trình tái cấu trúc DNNN cần được đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, đại diện các cộng đồng DN nước ngoài cũng cho rằng, Chính phủ cần lựa chọn rõ ràng một số lĩnh vực để tham gia, với những ngành nghề cần sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế khác và cần mở về tư duy để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu. Về vấn đề này, ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội cũng tán thành. Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, đề án tái cấu trúc DNNN đã được Chính phủ phê duyệt, nhưng triển khai quá chậm. Dù biết rằng DNNN vẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với tình hình thị trường hiện nay và nguồn thu cho ngân sách, nhưng càng kéo dài sức khỏe của DN yếu kém càng thoi thóp, rất khó thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. “Vì vậy, Chính phủ cần tập trung làm lành mạnh hóa tình hình tài chính của DNNN song song với việc tái cấu trúc, mạnh dạn thoái vốn ở những DNNN không cần nắm giữ để tập trung nguồn lực đầu tư cho những lĩnh vực cần thiết”-ĐB Huỳnh Nghĩa đề xuất. Cổ phần hóa khi hợp tác công-tư TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM lại cho rằng, đối với những DNNN hoạt động trong những lĩnh vực mà Chính phủ có chủ trương kêu gọi đầu tư dưới hình thức hợp tác công-tư (PPP), nên ưu tiên cổ phần hóa, mà phần “đối tác Nhà nước” trong những DN này chỉ dưới 30% để các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư. “Để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, Chính phủ cần công bố những DNNN mà Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ do tính chất của lĩnh vực này. Ví dụ công nghiệp quốc phòng-lĩnh vực Nhà nước phải đầu tư 100% vốn điều lệ trong giai đoạn đầu do chưa thể thu hút được đầu tư tư nhân như một số ngành công nghiệp nền tảng, còn những DN không thuộc loại trên thì Nhà nước không nắm giữ quá 30% vốn điều lệ”. PGS. TS Nguyễn Văn Trình, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cùng chung nhận định. Ông Trình cho rằng, hiện nay, có nhiều quan điểm cho rằng DNNN không nên đóng vai trò chủ đạo, vì vậy nên xóa vị trí độc quyền của nó và nên để cho nó hoạt động bình đẳng như những DN trong các khu vực kinh tế khác. Theo ông Trình, Nhà nước không nên biến các DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thành các DN độc quyền mà nên để các DNNN thực hiện đúng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN thuộc các thành phần kinh tế khác hoạt động và phát triển. “Trên quan điểm này cần xác định những lĩnh vực, ngành nghề nào mà DNNN phải tham gia hoạt động, những lĩnh vực, ngành nghề nào DNNN không nên tham gia hoạt động” - ông Trình nói và phân tích thêm, DNNN hiện nay đang hoạt động trong hai khu vực chính là cung cấp các dịch vụ công ích, hai là các lĩnh vực, ngành nghề khác mà các DN thuộc các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước hoạt động như: Xây dựng, bất động sản, ngân hàng, cơ khí chế tạo, thương mại… Do đó, trong thời gian tới, cần thiết phải duy trì các DNNN trong lĩnh vực, ngành nghề cung cấp các dịch vụ công ích phục vụ an sinh xã hội, cung cấp các hàng hóa cơ bản cho nền kinh tế, lĩnh vực nghiên cứu và triển khai các tiến bộ khoa học-công nghệ mới mang tính chất lan tỏa. “Các DNNN nên dần dần rút khỏi các lĩnh vực, ngành nghề mà các DN ngoài Nhà nước có khả năng tham gia và đang hoạt động tốt, nhằm tăng cường tính cạnh tranh cho thị trường, đồng thời Nhà nước cũng thu hồi lại được một phần vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội” - ông Trình nói. Huyền Trân |