Ông Lại Văn Biên (huyện Vũ Thư, Thái Bình) chăm sóc cho hai con trai bị ảnh hưởng bởi chất độc hoá học.
Ngày 10-8-1961, quân đội Mỹ lần đầu tiên dùng máy bay rải chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam. Trong 10 năm (từ 1961-1971) Mỹ đã phun rảihơn 80 triệu lít chất độc hóa học (61% trong số đó là chất độc da cam, chứa 366 kg dioxin), xuống diện tích hơn 3,06 triệu ha, tương đương 1/4 diện tích miền Nam.
Chất độc da cam/dioxin đã làm hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng nỗi đau da cam vẫn còn đó, kéo dài hết thế hệ này sang thế hệ khác.
Xoa dịu nỗi đau da cam
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin chia sẻ: “Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm nhưng “nỗi đau da cam” vẫn dai dẳng, nhức nhối. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng triệu người bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, trong đó có cả thế hệ thứ 3 và thứ 4. Nhiều phụ nữ không có được thiên chức làm mẹ, làm vợ... Đó là nỗi đau chung của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ.”
Nhận thức sâu sắc về hậu quả của chấy độc hóa học đối với môi trường, sức khỏe con người, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Hằng năm, Nhà nước đã chi hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ chính sách cho người có công và nạn nhân chất độc da cam. Đặc biệt, cách đây 5 năm, ngày 14-5-2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.” Đây là một chỉ thị mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo cho người có công với cách mạng cũng như người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ. Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách, giúp họ vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng.
“Đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công cơ bản đã hoàn thành với trên 9,2 triệu người; trong đó có gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận. Ngoài ra đã tổ chức xác nhận và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho gần 3 triệu người, trong đó có nạn nhân chất độc da cam," bà Phạm Thị Hải Hà nói.
Theo bà Hà, các chế độ được quy định ngày càng đầy đủ, bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống như: trợ cấp hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, hỗ trợ học nghề tạo việc làm, miễn giảm giá vé khi tham gia giao thông… Hằng năm, ngân sách Nhà nước chi trên 30.000 tỷ đồng chi trả trợ cấp ưu đãi người có công, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; trên 17.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội trong đó có nạn nhân chất độc da cam.
Từ khi Chỉ thị 43-CT/TW được ban hành vào năm 2015, nhận thức cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội đã có chuyển biến mạnh mẽ. Từ đó, công tác huy động nguồn lực, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam đạt hiệu quả cao hơn.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, các cấp hội đã vận động ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam (gồm tiền mặt và vật chất) tổng trị giá hơn 1.555 tỷ đồng. Riêng năm 2019 đã vận động được hơn 355 tỷ đồng. Số tiền đó đã dùng để hỗ trợ xây, sửa chữa gần nhà tình nghĩa, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân… Hình thức chăm sóc, giúp đỡ ngày càng đa dạng, hiệu quả."
"Công tác đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân được thực hiện đúng quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng; bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ. Chính phủ Mỹ đã công nhận về tác hại to lớn, nghiêm trọng của chất độc hóa học mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam," Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh.
Chăm sóc trẻ bị di chứng chất độc da cam/dioxin