Phó Thủ tướng Lê Thành Long sáng nay trình bày trước Quốc hội tờ trình rút gọn dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Dự thảo gồm 8 chương,ầnchínhsáchvượttrộiđểpháttriểndoanhnghiệpcôngnghệsốclb fenerbahce 73 điều.
Tạo môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng doanh nghiệp công nghệ số
Theo Phó Thủ tướng, việc ban hành luật này nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước, tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Trọng tâm của ngành là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.
“Luật Công nghiệp công nghệ số thay thế các nội dung về công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) và dịch vụ CNTT trong Luật Công nghệ thông tin và bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn phát triển”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói.
Quan điểm xây dựng luật là để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; khắc phục các hạn chế, bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích, đánh giá hiện trạng thực thi các quy định pháp luật về công nghiệp CNTT và dịch vụ CNTT theo pháp luật hiện hành.
Đồng thời, đề xuất chính sách khả thi nhằm quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, đặc biệt cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; tạo cơ chế ưu đãi, trong đó có ưu đãi đầu tư.
AI là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất
Dự thảo đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số: Nghiên cứu và phát triển công nghệ số; hạ tầng, hệ sinh thái, sản phẩm, dịch vụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, nhân lực... cho công nghiệp công nghệ số.
Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, dự thảo đã quy định một số nội dung về ưu tiên phát triển lực lượng nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia, nghiên cứu viên chất lượng cao; hình thành các cơ sở, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại.
Dự thảo cũng đưa ra các chính sách phát triển thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số thông qua ưu tiên đầu tư, thuê mua sắm sản phẩm, dịch vụ trong nước.
Ngoài ra, dự thảo có các chính sách phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng của ngành công nghiệp công nghệ số, trong đó chú trọng cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp; khuyến khích, mở rộng các mô hình đào tạo mới.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, căn cứ trên tình hình thực tế, Bộ TT&TT đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số, AI và điều chỉnh nội dung “vi mạch bán dẫn” thành “bán dẫn”.
Về công nghiệp bán dẫn, đây là một ngành quan trọng của công nghiệp công nghệ số, tương đối hoàn chỉnh mang tính vật lý cao, có quy mô đủ lớn. Dự thảo quy định chương “công nghiệp bán dẫn” thay cho “vi mạch bán dẫn” nhằm bảo đảm tính bao quát, tổng thể, đầy đủ các công đoạn của hoạt động công nghiệp bán dẫn, phù hợp với mục tiêu, đối tượng quản lý và đồng bộ với chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn.
Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. Luật đưa ra định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Theo nguyên tắc quản lý và phát triển AI được nêu trong dự thảo, AI phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người phải đảm bảo minh bạch và giải thích được, có trách nhiệm giải trình, công bằng và không phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị đạo đức và giúp con người, bảo vệ quyền riêng tư, tiếp cận bao trùm, an ninh và bảo mật, kiểm soát được, quản lý dựa trên rủi ro, đổi mới có trách nhiệm và khuyến khích hợp tác quốc tế.
Cần có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành sự cần thiết và phạm vi, mức độ quy định về các hệ thống AI trong dự thảo luật.
“Tại thời điểm này, Việt Nam cần có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo nhằm phát triển thế mạnh, lợi thế của AI; đồng thời hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI”, ông Huy nói.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI với đời sống kinh tế, xã hội như nguyên tắc đạo đức; nghiên cứu, phát triển AI do Việt Nam sáng tạo; cho phép các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu được sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan nhà nước.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị quy định mức độ ứng dụng AI trong các cơ quan nhà nước từ các giải pháp do doanh nghiệp trong nước làm chủ, nhằm khuyến khích sử dụng và tạo thị trường.
Nhất trí với sự cần thiết phải có những quy định về hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ số, nhưng cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chính sách cụ thể, có tính vượt trội, khả thi; nghiên cứu ban hành chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, vốn, ưu đãi thuế hợp lý.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định cơ chế phân bổ nguồn ngân sách nhà nước phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ với các doanh nghiệp nhà nước có đủ năng lực được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ số trọng điểm của quốc gia.
Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, theo ông Lê Quang Huy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, bổ sung một số quy định về giới hạn thử nghiệm, cơ chế bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.
“Cần nghiên cứu miễn trừ trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự trong hoạt động thử nghiệm, các hoạt động tiếp theo sau khi kết thúc thử nghiệm”, ông Huy nhấn mạnh. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cân nhắc mở rộng đối tượng thử nghiệm là “sản phẩm, dịch vụ công nghệ số” thay vì “sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số”.