Theo phong tục truyền thống, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, từ thành thị đến nông thôn khắp các miền Nam - Bắc, hầu như nhà nào cũng chuẩn bị một mâm ngũ quả để cúng trên bàn thờ tổ tiên hoặc để trưng trong phòng khách. Ðêm 30 Tết, sau khi đã hoàn thành việc dọn dẹp, vệ sinh, trang hoàng nhà cửa, khi bếp lửa luộc nồi bánh tét được nhóm lên, cũng là lúc mọi người sửa soạn mâm ngũ quả để kịp cúng giao thừa.Theo phong tục truyền thống, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, từ thành thị đến nông thôn khắp các miền Nam - Bắc, hầu như nhà nào cũng chuẩn bị một mâm ngũ quả để cúng trên bàn thờ tổ tiên hoặc để trưng trong phòng khách. Ðêm 30 Tết, sau khi đã hoàn thành việc dọn dẹp, vệ sinh, trang hoàng nhà cửa, khi bếp lửa luộc nồi bánh tét được nhóm lên, cũng là lúc mọi người sửa soạn mâm ngũ quả để kịp cúng giao thừa. Nguồn gốc về mâm ngũ quả ngày Tết đến nay có nhiều cách giải thích khác nhau, có tài liệu cho rằng đây là năm thứ quả đại diện dùng để cúng dường (đọc trại từ “cung dưỡng”) nhà Phật. Kể rằng, đệ tử của đức Phật là Mục Kiền Liên, một hôm dùng thiên nhãn trông thấy mẹ của mình, là bà Thanh Ðề, do nghiệp chướng quá nặng nên bị đày vào kiếp ngạ quỷ, bị hành hạ chỉ còn da bọc xương. Vì mong muốn cứu mẹ thoát khỏi khổ ải nên Mục Kiền Liên cầu xin đức Phật chỉ cách giải cứu. Ðức Phật dạy rằng, vào rằm tháng Bảy, là ngày tự thứ của chúng tăng (tức là mùa kiết hạ an cư), dùng thức ăn và hoa quả cúng dường tam bảo thì sẽ được vô lượng công đức, cứu được mẹ thoát khỏi khổ nạn. Ðây cũng là nguồn gốc của lễ Vu Lan (lễ báo hiếu), còn gọi là pháp hội Vu Lan bồn.
Năm loại trái cây được cúng dường trong lễ Vu Lan là đại diện cho các loại trái cây trong trời đất, số năm là số dương (số lẻ) biểu tượng cho sự phát triển, sinh sôi và những điều may mắn, tốt đẹp. Số năm cũng là con số chỉ trung tâm, thể hiện sự đầy đủ, viên mãn theo triết lý phương Ðông, nên có ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ), ngũ phương (đông, tây, nam, bắc và trung ương), ngũ sắc (trắng, đen, vàng, xanh, đỏ), ngũ vị (mặn, ngọt, chua, cay, đắng), ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), ngoài ra còn có: ngũ quan, ngũ giác, ngũ tạng, ngũ âm, ngũ cung, ngũ cốc… Từ lễ cúng báo hiếu cha mẹ trong pháp hội Vu Lan bồn, mâm ngũ quả trở thành lễ vật dâng cúng tổ tiên vào dịp Tết Nguyên đán, cầu mong những điều tốt lành trong năm mới. Dân gian cũng cho rằng năm loại trái cây trong mâm ngũ quả ngày Tết là biểu tượng của “ngũ phúc lâm môn”, bao gồm: phú, quý, thọ, khang, ninh (giàu có, sang trọng, sống lâu, mạnh khoẻ, bình an). Trong thực tế, năm loại trái cây trong mâm ngũ quả được lựa chọn tuỳ theo quan niệm, đặc điểm khí hậu, thời tiết và sản vật của từng địa phương. Mỗi loại trái cây có màu sắc, mùi vị khác nhau và cũng mang những ý nghĩa khác nhau: táo (màu đỏ phú quý), lựu (nhiều hạt, con đàn cháu đống), hồng (may mắn, thành đạt), thanh long (rồng mây gặp hội), dưa hấu (ngọt ngào, may mắn), lê ki ma (lộc trời), đu đủ (đầy đủ, thịnh vượng), sung (sung túc, dồi dào)… Người miền Bắc thường chọn năm loại quả có năm màu khác nhau thể hiện sự rực rỡ, trong đó thường có: nải chuối xanh (màu xanh) giống bàn tay ngửa lên che chở, bảo bọc và hứng lấy may mắn; bưởi hoặc phật thủ, cam, quýt (màu vàng); hồng hoặc táo, ớt (màu đỏ); đào hoặc lê (màu trắng); nho hoặc măng cụt, hồng xiêm (màu đen, nâu). Mâm ngũ quả miền Bắc chú trọng màu sắc đẹp mắt, không kén chọn loại quả, kể cả quả ớt cũng được sử dụng trong mâm cúng. Miền Trung đất đai cằn cỗi, ít loài hoa trái nên thường cúng những loại trái cây sẵn có tại địa phương, hoặc hái được trong vườn nhà. Người miền Nam nói chung, Cà Mau nói riêng lại cầu kỳ hơn trong việc lựa chọn mâm ngũ quả. Những loại trái cây được chọn đều có tên gọi hoặc ý nghĩa tốt đẹp, ngày trước có năm loại thường được chọn: dưa hấu (tròn đầy, ruột đỏ, biểu tượng cho sự may mắn tốt đẹp), mãng cầu, dừa (đọc gần âm với “vừa”), đu đủ, xoài (đọc gần âm với “xài”, tiêu xài), ngụ ý “cầu - vừa - đủ - xài” là mong muốn giản dị nhưng chân thành của người Cà Mau. Sau này có người thêm trái sung (cầu - vừa - đủ - xài - sung), hoặc trái khóm (trái thơm, ngụ ý thơm tho), có khi là trái dư (dư dả), trái cau (gần âm với “cao”, cao quý)…, đặc biệt không cúng các loại trái cây như: chuối (do gần âm với “chúi”, sợ làm ăn đi xuống), ớt (sợ cay), cam (có câu “quýt làm cam chịu”), lê (sợ làm ăn “lê lết”), táo (còn gọi là “bom”, không tốt), sầu riêng (sợ buồn)… Những năm gần đây, do điều kiện sống tốt hơn và cũng có nhiều loại trái cây để lựa chọn, nên mâm ngũ quả ngày Tết không chỉ có năm loại trái cây như trước kia, nhiều gia đình đã bổ sung thêm về số lượng các loại trái cây nhưng thường là số lẻ: bảy loại, chín loại… có người còn cúng trái cây nhập từ nước ngoài… Việc trang trí hay “sắp” mâm ngũ quả trong đêm giao thừa, đặt lên bàn thờ để tưởng nhớ tổ tiên vào thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới tạo nên không khí thiêng liêng nhưng ấm áp trong gia đình. Mâm ngũ quả ngày Tết, dù ở bất kỳ địa phương nào cũng thể hiện nét đẹp văn hoá và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta./. Bài và ảnh: Huỳnh Thăng |