Đó là thông tin về Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” (CT 07). Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo chương trình, CT 07 đặt mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế; tốc độ gia tăng đăng ký sáng chế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Cụ thể, năm 2022, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội là 13.663 (chiếm 33,8% và đứng đầu cả nước). Số lượng bằng/giấy chứng nhận sở hữu công nghiệp đã được cấp năm 2022 trên địa bàn thành phố là 10.387 (chiếm 33,0% và đứng thứ hai cả nước). Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chương trình, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đánh giá, đưa ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Qua đó, Hà Nội được xếp hạng 1 trên toàn quốc về đổi mới sáng tạo năm 2022. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, điển hình trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô và xuất khẩu... Để đẩy mạnh triển khai thực hiện CT 07, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại CT 07 trong nửa cuối nhiệm kỳ, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục thống nhất nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tiềm năng và nguồn lực tri thức phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển, trong đó tập trung vào hoàn thiện nội dung đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Cùng với đó, tổ chức hội nghị nhằm huy động trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để tham mưu, đóng góp ý kiến cho nội dung chính sách. Đặc biệt là hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
|