Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Muốn giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát hợp lý ở mức 4% trong năm 2021, cần phải huy động các nguồn lực ở trong doanh nghiệp, các tầng lớp dân cư vào sản xuất kinh doanh. Sử dụng các nguồn lực đó để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; kiên quyết chống lãng phí và thất thoát làm tổn hại đến sức mạnh chung của đất nước. Ngoài ra, Nhà nước cần kiểm soát giá những mặt hàng vật tư, năng lượng chủ yếu và những mặt hàng thuộc danh mục định giá để ổn định đầu vào cho sản xuất kinh doanh xã hội. Nghiên cứu những mức dự trữ bình quân cần thiết cho việc tiêu thụ trong nước được ổn định và ít đột biến. Nhất là những mặt hàng như xăng dầu, nước ta hiện nay đã tự sản xuất được đến 65 -70%. Mặt khác, chúng ta không chỉ đơn thuần nhìn vào những tốn phí của quỹ hàng hóa dự trữ quốc gia mà phải nhìn xa hơn, rộng hơn do cái lợi rất lớn khi giá cả những mặt hàng thiết yếu được giữ tương đối ổn định khi có dự trữ, nhất là lúc các chuỗi cung ứng những hàng hóa đó đang có những bất ổn ít nhiều đều ảnh hưởng đến thị trường giá cả ở Việt Nam trong năm nay và cả những năm tiếp theo. Đồng thời, Nhà nước và các địa phương, lực lượng chức năng phải làm tốt công tác kiểm soát thị trường, chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, trốn thuế, vừa bảo vệ các doanh nghiệp, các sản phẩm chân chính, nghiêm trị các hành vi vi phạm phát luật sản xuất kinh doanh dịch vụ, quyền lợi người tiêu dùng. Về thống kê giá, đề nghị xem xét lại việc lấy số liệu mẫu phục vụ cho công tác thống kê cả số lượng mặt hàng, thời gian điều tra, đối tượng điều tra để có thể có những chỉ số CPI thiết thực hơn gắn với đời sống thực tế về giá cả trên thị trường Việt Nam trong những năm tới. Làm được những điều trên, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta tin tưởng rằng sẽ có một con số đáng khích lệ về CPI, khả năng CPI cả năm sẽ dao động khoảng 3,3 – 3,7%, đạt được mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã yêu cầu thực hiện trong năm nay, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội và tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững cho những năm tiếp theo... Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính): Thực trạng lạm phát thấp hiện nay và trong cả năm 2021 có nguyên nhân chính là do cầu tiêu dùng trong nước rất yếu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước sau khi loại trừ yếu tố giá, tức là thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế là 5,64%. Hơn nữa, do chỉ số này của 6 tháng đầu năm 2020 đã giảm tới 5,77% so với cùng kỳ năm 2019, nên có thể suy ra là tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn còn thấp hơn về giá trị tuyệt đối so mức của năm 2019, tức là đã giảm trong 2 năm qua. Các con số này cho thấy tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 tới thu nhập, đời sống của người dân là rất lớn. Ngoài ra, do sự sụt giảm của cầu tiêu dùng nội địa, lạm phát cơ bản trong tháng 6/2021 chỉ tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản thấp cùng với sự sụt giảm của giá thực phẩm (như giá thịt lợn, giá thịt gà) đã cân bằng hết tất cả các tác động của giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng cao thời gian qua. Như vậy, tổng cầu yếu do Covid-19 là nguyên nhân cơ bản giữ cho lạm phát tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp trong bối cảnh giá các hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng cao. Mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình ở mức dưới 4% trong năm 2021 chắc chắn sẽ đạt được. Mặc dù vậy, tình trạng lạm phát thấp do tổng cầu yếu hiện nay không hẳn là điều đáng mừng... Dự báo lạm phát trung bình trong năm 2021 sẽ chỉ vào khoảng 2% và chắc chắn sẽ dưới mức 3%, bất chấp giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục tăng mạnh. Lạm phát cơ bản thấp cùng với sự sụt giảm của giá thực phẩm (giá thịt lợn, thịt gà) đã cân bằng hết tất cả các tác động của giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng cao thời gian qua. PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính: Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% trong năm 2021 như chỉ tiêu của Quốc hội là một mục tiêu khó khăn, cần thực hiện tốt một số biện pháp. Đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng. NHNN cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh - hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở. Tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI). Cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cung tiền, mở rộng tín dụng và điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá để giảm sức ép lạm phát trong các tháng cuối năm. Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Đặc biệt, cần có sự theo dõi chặt chẽ sự biến động trên cả thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát. |