| Hàng Việt đối mặt tới 12 vụ điều tra phòng vệ thương mại trong nửa năm | | Cần đẩy mạnh công tác đào tạo luật sư về phòng vệ thương mại | | Kiện phòng vệ thương mại “leo thang” khi xuất khẩu tăng tốc |
| Ảnh minh hoạ. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Xuất khẩu bứt phá, nguy cơ lớn Phát biểu tại tọa đàm “Ngành gỗ sẵn sàng trước xu thế bảo hộ” chiều ngày 4/8, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: ngành gỗ đang đối diện ngày càng nhiều hơn với những vụ việc liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại. Tần suất xuất hiện gia tăng cao và những thiệt hại mà doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thiệt hại ngày càng lớn hơn. Về nguyên nhân, ông Hoài phân tích: thứ nhất, những năm gần đây, Việt Nam có mức tăng trưởng bứt phá, đã trở thành nước xuất khẩu gỗ đứng thứ 5 thế giới. Bên cạnh đó, với xu hướng tự do hóa thương mại, Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Động thái này khiến các nước đều tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, đôi khi còn là chủ nghĩa bảo hộ thương mại. “Trước đây, ngành gỗ đối diện một số vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Cụ thể, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ đã kiện và áp thuế mặt hàng gỗ dán và gỗ dán cứng của Việt Nam. Sau đó, ngành gỗ lại bị Hàn Quốc kiện và áp thuế gỗ dán xuất khẩu sang Hàn Quốc với mức thuế trên dưới 10%. Năm 2021, Canada cũng điều tra và áp thuế mặt hàng salon đệm mút xuất khẩu của Việt Nam, mức thuế khá nặng nề là trên dưới 10%”, ông Ngô Sỹ Hoài nói. Vị này chia sẻ thêm, trong 3 năm gần đây, Việt Nam lại đối diện thêm rủi ro về phòng vệ thương mại. Cụ thể, ngoài áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, ngành gỗ Việt phải đối diện với các biện pháp tự vệ như vụ việc điều tra 301 của Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Mới đây, Hoa Kỳ cũng tiến hành điều tra bàn trang điểm mà Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Hoa Kỳ... Tại sao một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada… lại thường xuyên có hoạt động điều tra phòng vệ thương mại với sản phẩm gỗ? Trả lời cho câu hỏi này, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: đây là các quốc gia đã sử dụng công cụ phòng vệ thương mại từ sớm. Tại Hoa Kỳ, Canada, quy định điều tra phòng vệ thương mại đã ra đời những năm đầu thế kỷ 20 Tại thị trường khác như EU, từ những năm 60 cũng đã có quy định điều tra phòng vệ thương mại. Qua đó, họ có nhiều kinh nghiệm và trong nhiều trường hợp phù hợp, họ sẽ sử dụng. Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam có sự tăng trưởng lớn trong thời gian vừa qua. Mặt hàng gỗ như gỗ dán chiếm tới 30% tỷ trọng nhập khẩu vào Mỹ; mặt hàng tủ bếp cũng tương tự. Điều này đặt ra những rủi ro, tạo áp lực cạnh tranh đủ lớn cho nước nhập khẩu và họ sẽ sử dụng công cụ phòng vệ thương mại. Tăng cường cảnh báo, phòng vệ Ông Chu Thắng Trung đánh giá, việc bị điều tra phòng vệ thương mại là điều doanh nghiệp không mong muốn. Tuy nhiên, Cục Phòng vệ thương mại luôn khuyến khích doanh nghiệp tham gia điều tra tích cực. “Trước cáo buộc, trong trường hợp tích cực, chúng ta sẽ có kết quả tốt hơn. Doanh nghiệp có thể không bị áp thuế hoặc áp thuế mức độ thấp, đảm bảo kết quả xuất khẩu”, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại nói. Ở chiều ngược lại, nếu không có sự nỗ lực, tham gia tốt của doanh nghiệp, khả năng tiêu cực sẽ xảy ra. Đó là doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tuỳ thuộc vào hình thức mà các thị trường áp dụng với mức độ khác nhau. Ví dụ như trong các trường hợp về điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, trên cơ sở thông tin doanh nghiệp cung cấp, cơ quan điều tra sẽ tính toán đưa ra mức thuế chống bán phá giá cụ thể. Theo ông Ngô Sỹ Hoài, doanh nghiệp ngành gỗ đã và đang đối mặt khá nhiều khó khăn trong ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Trước tiên là khó khăn về kỹ thuật tác nghiệp. Doanh nghiệp thiếu đội ngũ cán bộ chuyên gia có những hiểu biết về luật pháp, giỏi ngoại ngữ, thông thạo tin học để có thể theo dõi, ứng phó một cách linh hoạt. Thêm vào đó, quản trị doanh nghiệp còn yếu kém, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số chậm, chưa áp dụng những phần mềm kế toán tiên tiến đủ độ tin cậy và có tính linh hoạt cao. Bên cạnh đó, thiếu sự kiên kết giữa doanh nghiệp Việt với nhau và giữa doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp FDI. Ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh: “Doanh nghiệp rất muốn có sự phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại, Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) để có thể tổ chức các khóa đào tạo tập huấn ngắn hạn tăng cường nhận thức của doanh nghiệp về những rủi ro khi bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại”. Theo ông Hoài, ở tầm quốc gia cũng cần phải tăng cường các biện pháp cảnh báo, phòng vệ khi sản phẩm nước láng giềng bị điều tra áp thuế chống bán phá giá, độ lùi chỉ 2 năm. Ví dụ như, đối với mặt hàng tủ bếp bằng gỗ, cứ hai năm sau khi Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp, Hoa Kỳ lại điều tra các mặt hàng tương tự xuất khẩu từ Việt Nam. Nếu Việt Nam đưa ra cảnh báo, nhận thức rõ ràng sẽ có những biện pháp ứng phó phù hợp. “Đối với các cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài, doanh nghiệp mong muốn có thể cung cấp thông tin sớm hơn, đầy đủ hơn và có nhiều cảnh báo, khuyến nghị”, ông Ngô Sỹ Hoài nói. |