【borneo fc】Chúng tôi về hát giữa thị xã Cà Mau ngày giải phóng
(CMO) Những ngày tháng Tư lịch sử, qua một số nguồn thông tin giới thiệu, chúng tôi về ấp Láng Cùng, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước tìm gặp một người khá đặc biệt. Ông được giới thiệu qua là từng học nghị quyết của Đảng trong thời chiến không cần ghi chép vẫn nhớ và thuộc làu làu. Dù trình độ chỉ “biết đọc, biết viết” nhưng chơi đủ loại nhạc cụ, viết kịch bản sân khấu nhanh như nấu bữa cơm.
Cái đặc biệt nữa, dù đi suốt chặng đường với nhiều biến cố, có đóng góp lớn nhưng ông rất ít khi lên tiếng để nói về mình. Ông có nghệ danh dễ nhớ và thân thiện là Út Tâm, tên thật là Nguyễn Trung Tâm, hay còn được gọi là Nguyễn Thành Tôn, nguyên Phó Trưởng Đoàn Cải lương Hương Tràm.
Cũng có một lý do khác khi tìm gặp ông Út Tâm, bởi sau 43 năm giải phóng Cà Mau, phần lớn các cô, chú “bên quân đội”, những người trực tiếp cầm súng tiến vào thị xã đã có nhiều, rất nhiều câu chuyện làm đầy đủ thêm chiến thắng trọn vẹn của quê hương. Trong khi đó, các cô chú “bên dân chánh” ít khi, mà đúng hơn là hiếm khi nói về những kỷ niệm, hoạt động của mình. Những ngày đầu tiếp quản, những ngày đầu Cà Mau hoàn toàn hoà bình, không khí ấy sôi sục, hào hứng, bỡ ngỡ và vỡ oà khiến những ai đi qua phút giây ấy thật khó để quên. Dường như sau ngày 30/4, Cà Mau đẹp hơn, lộng lẫy hơn, băng băng về phía trước. Bên trong một thị xã năm nào còn hằn dấu đạn bom, tiếng hát của quê hương, của cách mạng, của những người văn nghệ sĩ bưng biền bỗng sáng đẹp lạ thường.
Nhân dân Cà Mau đổ xô ra đường mừng ngày giải phóng thống nhất đất nước.Ảnh tư liệu |
Ông Út Tâm kể: “Ngày 15/12/1974, đoàn đi về phía Huyện Sử (nay là xã Trí Phải, huyện Thới Bình) thì gặp anh Tư Huờn (đồng chí Nguyễn Văn Đáng, lúc này là Thường vụ Khu uỷ Khu Tây Nam Bộ, phụ trách Cà Mau) thông báo tin ngắn gọn: Cà Mau sẽ giải phóng trong thời gian đầu năm 1975”. Lúc này, anh em trong đoàn mỗi người một suy nghĩ, môi mím chặt, có người miệng cứ cười suốt, mắt đảo quanh liên tục như tìm kiếm điều gì. Ai cũng biết sẽ có một sự kiện trọng đại mà trong đời mình chưa từng trải qua, một niềm vui to lớn khó có thể miêu tả, so sánh và nói bằng lời. Chẳng biết thế nào nhưng anh em trong đoàn không đi Huyện Sử nữa mà kéo xuồng băng qua Tắc Thủ về Rau Dừa.
Đoàn bắt đầu hăng say luyện tập, theo lời ông Út là để “đón trước” cho ngày giải phóng. Đứng chân ở địa bàn nông thôn hoang vu, điều kiện sinh hoạt còn thắt ngặt, huống gì là sân khấu, đạo cụ, vậy mà anh em hăng hái lạ thường. Ông Út nhìn cái nắng đổ lửa ngoài trời mà gật gù: “Ờ, mùa nắng đó cũng cháy da, cháy thịt cỡ này nè, mà tụi chú có thấy gì đâu”. Ngoài vai trò là Phó Trưởng đoàn, ông Út Tâm còn là thế hệ đầu tiên của Đoàn Văn công giải phóng Cà Mau, theo vai vế, ông Út là “người thứ 13 vô đoàn”. Là dân Ngọc Hiển, ông mê đờn ca, mê cách mạng.
Ông Út Tâm bên chiếc song loan - kỷ vật theo ông suốt những năm kháng chiến. Ảnh: PHẠM NGUYÊN |
Ông nói quả quyết: “Ai nói theo cách mạng vì giác ngộ lúc hơn 10 tuổi là nói dóc”. Với ông, ban đầu theo cách mạng vì được đờn ca, theo cách mạng vì được “mặc đồ bà ba đen, đi hoạt động ban đêm”, nói chung là có tính chất “mạo hiểm”. Từ những thích thú ban đầu ấy, thiếu niên xứ biển mới dần trưởng thành, giác ngộ và hoạt động không biết mệt mỏi, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà cách mạng giao cho.
Trở lại nhịp tiến hối hả của lịch sử những ngày cuối tháng 4/1975. Ngày 29/4, đoàn được lệnh trên cho 3 đồng chí “đi tiền trạm” ra tiếp quản Đài Phát thanh thị xã, anh em đã tiến sát thị xã Cà Mau. Ngày 30/4, ông Út miêu tả “cả đoàn như kiến bị rang lửa, bỏ ăn, bỏ uống vì trong lòng cứ sôi sùng sục”, ai cũng đòi ra thị xã mà lệnh trên thì không cho phép. Tới 3 giờ chiều ngày 30/4, lệnh trên cho hay đoàn tiến về thị xã. Trên một chiếc vỏ lãi bự, cả đoàn hướng về trái tim của quê hương, nơi từng là thủ phủ của bọn giặc thù. Tới cầu Quay Cũ, đoàn trưng dụng một chiếc GMC và tên tài xế của “bên kia” để di chuyển qua câu lạc bộ của chế độ cũ (câu lạc bộ mà Mỹ và tay sai hình thành ở thị xã Cà Mau, vị trí bây giờ thuộc khu trung tâm thương mại của tỉnh. Địa điểm này giặc dùng để “cải huấn”, “chính huấn” những cán bộ kiên trung của ta mà giặc bắt được. Hoặc chúng rêu rao những lời dối trá, thị uy trước đồng bào để nhằm mục đích mị dân, lừa đảo).
Ông Mười Mây (nghệ nhân Lâm Tường Vân), Trưởng Đoàn Văn công được điều về phụ trách Đài Phát thanh. Đoàn còn lại ông Út Tâm và ông Út Huệ phụ trách. Thêm nữa, Khu uỷ điều động 1/2 đoàn về phục vụ cho Khu, thế là có rất nhiều biến động ngay trong những ngày đầu giải phóng. Nhiệm vụ đặt ra là đoàn phải nhanh chóng ổn định, bắt tay ngay vào phục vụ văn hoá, văn nghệ mới ngay tại thị xã Cà Mau. Nhiều anh em trong đoàn hồi hộp nói với ông Út: “Hồi đó giờ hát ở bưng biền, giờ về đây nó… sao sao”. Ông Út cắt ngang: “Sao là sao? Đây là văn nghệ cách mạng, văn nghệ của Đảng, của quần chúng, của một đất nước hoà bình, độc lập”.
Đêm đầu tiên tại thị xã, đoàn tổ chức ăn mừng ngày toàn thắng. Ngặt nỗi sân bay của giặc (khu siêu thị cũ) bị trũng thấp, vậy là anh em trưng dụng 10 chiếc GMC chở “cát đá xô bồ” từ đống đổ nát của thành đồn giặc đổ vào mấy trăm xe làm sân khấu. Ca múa ngẫu hứng, ai có tiết mục, khả năng gì thì cứ phục vụ. Được ca, được diễn trong một không khí tự do, thoải mái, lòng ai cũng ngập tràn cảm xúc. Đêm ăn mừng như bất tận, như muốn kéo dài mãi để phút giây toàn thắng được mãi mãi lưu lại.
Nhưng rồi rất nhanh chóng, cả đoàn phải quay về nhiệm vụ biểu diễn phục vụ nhân dân thị xã. Đoàn lấy rạp Huê Tinh là nơi đứng chân hoạt động chính. Ban đầu, bà con ở thị xã còn tò mò, e sợ, không biết đoàn văn công ra sao, hát có hay không, nhưng chỉ một đêm diễn thì tất cả đã bị thuyết phục. Ông Út nhớ lại: “Đoàn diễn ăn khách nhứt là các vở Người con gái đất đỏ, Tình riêng nghĩa cả, Bên dòng sông Nhị Nguyệt. Mỗi suất diễn hàng ngàn người, có lúc bể rạp. Mình phục vụ miễn phí, không lấy tiền”. Anh em trong đoàn sau những đêm diễn đầu tiên mới ngộ ra một điều: “Thì ra bà con thị xã cũng còn…"đói” văn hoá, văn nghệ quá chừng”.
Ông Út nói rất chân tình: “Mình so với cánh “Sài Gòn” thì chưa chắc đâu, nhưng cánh đó chắc hiếm khi về Cà Mau lắm. Đời sống tinh thần mà, thiếu lâu thì thèm”. Đoàn diễn liên tục cho đến hết tháng 5/1975, niềm vui chiến thắng được hát giữa thị xã Cà Mau vẫn còn rạo rực khắp nơi. Bà con thị xã cưu mang đoàn, ủng hộ đoàn và suất diễn nào cũng kín rạp. Ở khắp miền Tây Nam Bộ, đoàn Cà Mau được công nhận là “mạnh nhứt”, mừng thắng lợi vang dội nhất.
Bồi hồi nhớ lại thời gian ấy, ông Út nói: “Vui thì vui lắm nhưng làm sao mà nói cho hết được”. Riêng ông Út, được đứng giữa thị xã, cùng anh em cất cao tiếng hát không khỏi bùi ngùi nhớ về những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống trên khắp mảnh đất Cà Mau. Ông Út rơi nước mắt: “Cũng không biết nữa, nhưng khi bước những bước chân giữa lòng thị xã Cà Mau ngày giải phóng, tự dưng nhớ và thương anh em quá chừng”. Hình như phút giây ấy, con người cảm nhận đầy đủ nhất những cung bậc của hạnh phúc và mất mát, của quá khứ và hiện tại, giá trị của hoà bình, độc lập, tự do.
Cà Mau, thị xã còn ngổn ngang vết tích chiến tranh, có những người từ bưng biền ra cất cao tiếng hát với tư thế hiên ngang. Đó là những người chủ của nền văn hoá, văn nghệ mới, vượt lên trên tất cả mất mát, hy sinh để dựng xây một cuộc đời tươi đẹp...
Phạm Hải Nguyên