Sau 26 ngày làm việc khẩn trương,ấuấnmộtQuốchộihnhđộngvlợichcủtrận monterrey nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV chính thức khép lại. Đây là kỳ họp để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với các đại biểu cũng như cử tri cả nước trên tất cả các mặt: Công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều điểm mới, đột phá, thậm chí là chưa từng có tiền lệ trong chương trình nghị sự đã thể hiện rõ nét hình ảnh của một Quốc hội thực sự đổi mới, hành động vì lợi ích của nhân dân.
Hiệu quả hơn, thực chất hơn
Như thông lệ, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp cuối năm nên tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục xác định công tác lập pháp là nội dung quan trọng của chương trình nghị sự. Quốc hội dành nhiều thời gian xem xét, thông qua 6 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác.
Các luật được Quốc hội thông qua, gồm: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. 9 dự án luật khác được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Số lượng dự án luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp này chưa hẳn là nhiều so với một số kỳ họp trước đây, song có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Ngoài ra, với tính chất của một kỳ họp cuối năm, Quốc hội cũng dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước. Trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện và phân tích, dự báo các khả năng, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức có thể xảy ra, Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian tới, như: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018; Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018; Nghị quyết về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh…
Một trong những vấn đề được dư luận và cử tri cả nước quan tâm, theo dõi là Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016”. Việc Quốc hội thảo luận và ra nghị quyết về chuyên đề giám sát này có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Cũng liên quan đến công tác giám sát tối cao, kỳ họp này, Quốc hội dành thời gian tương xứng để xem xét các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng. Thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, Quốc hội phân tích sâu sắc những mặt được, tồn tại, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân và kiến nghị những biện pháp, giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ngành tư pháp và công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch. Ảnh: TTXVN.
Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện
Một trong những điểm nhấn của kỳ họp được dư luận cử tri đánh giá cao là việc Quốc hội đã tiến hành phát thanh, truyền hình trực tiếp 11 ngày làm việc với 13 nội dung. Trong đó, lần đầu tiên việc thảo luận về ngân sách Nhà nước gắn với thảo luận về kinh tế-xã hội và được phát thanh, truyền hình trực tiếp; việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cũng được bố trí thảo luận tại phiên họp toàn thể và được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Điều này cho thấy tính dân chủ, cởi mở trong hoạt động của Quốc hội ngày càng được thể hiện rõ nét và từng bước đáp ứng nhu cầu tham gia của người dân vào các hoạt động quan trọng của đất nước.
Nói về những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, hẳn sẽ thiếu sót khi không nhắc đến những ấn tượng đậm nét tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Khác với các phiên chất vấn trước đây, Quốc hội đã dành gần trọn một buổi làm việc để Thủ tướng Chính phủ trả lời các chất vấn của ĐBQH, làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm. Theo đánh giá của nhiều đại biểu, phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ đã đáp ứng mong đợi của cử tri, bởi chỉ có Thủ tướng trên cương vị của mình mới có thể trả lời thỏa đáng những vấn đề hệ trọng quốc gia.
Tại kỳ họp này, tính tranh luận giữa các đại biểu được thể hiện rõ nét. Không chỉ ở các phiên chất vấn và trả lời chất vấn mà tại các phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã dùng quyền giơ bảng để tranh luận. Đặc biệt, phiên thảo luận sáng 7-11 của Quốc hội về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao năm 2017; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, đã xác lập một kỷ lục mới: 11 đại biểu đã được sử dụng quyền tranh luận (vẫn còn những tấm bảng giơ lên trong lúc thời gian thảo luận đã hết). Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua ghi nhận một phiên họp Quốc hội có sự tranh luận quyết liệt giữa đại biểu với đại biểu. Tính chung lại trong 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn đã có 191 lượt ĐBQH chất vấn và 37 lượt ĐBQH tranh luận. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội.
Quang cảnh phiên họp tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN.
Cử tri sẽ đánh giá công tâm
Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV chính thức khép lại với những ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước. Kết quả đó thể hiện trên tất cả phương diện lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Theo đó, nhiều vấn đề quan trọng, nhiều định hướng lớn đã được Quốc hội xem xét, bàn thảo và thông qua, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, điều cử tri quan tâm, kỳ vọng hơn là những quyết sách của Quốc hội sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Bên cạnh đó, mỗi thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, các lời hứa của mình; các vị ĐBQH sẽ tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri và nhân dân. Điều đó sẽ là những giải pháp mạnh mẽ hơn để khắc phục tình trạng tham nhũng; vấn đề ô nhiễm môi trường; sai phạm trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ…
Khép lại kỳ họp, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hẳn sẽ còn nhiều điều cử tri chưa thật sự thỏa mãn, chưa thật an tâm; vẫn còn những nỗi lo về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước mà ngay cả bản thân một số ĐBQH còn băn khoăn, trăn trở. Đơn cử như hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Dù đánh giá cao hiệu quả của hoạt động này tại các kỳ họp Quốc hội thời gian qua, song cử tri cho rằng, hoạt động này vẫn còn một số hạn chế làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Vẫn còn có ý kiến chung chung, chưa chuyển tải được nguyện vọng, mong muốn của cử tri. Bên cạnh đó, một số ý kiến cử tri cảm nhận có bộ, ngành, địa phương còn né tránh các vấn đề yếu kém, bất cập của cơ quan, địa phương mình quản lý. Vì vậy, cử tri mong rằng, các ĐBQH phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình để hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng đi vào thực chất và có kết quả hơn.
Về công tác xây dựng pháp luật, cử tri mong rằng, Quốc hội tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế cần bảo đảm hiệu lực và phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh trường hợp tình trạng luật khung, luật ống hay luật chờ nghị định, thông tư.
Cử tri và nhân dân cả nước rất công tâm, công bằng. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội-cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất sẽ được cử tri đánh giá khách quan bằng những đổi thay tích cực trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước. Vì vậy, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị ĐBQH cần tiếp tục đổi mới hơn nữa, bám sát thực tiễn cuộc sống để ban hành những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sát thực tiễn, hợp lòng dân. Cử tri cũng mong muốn những quyết sách của Quốc hội được xây dựng từ tâm huyết của gần 500 ĐBQH không chỉ dừng lại ở Hội trường Diên Hồng. Hơn nữa, cử tri mong Quốc hội tiếp tục phát huy dân chủ, sáng tạo, tranh luận góp phần xây dựng Quốc hội thực sự năng động, hiệu quả và gần dân hơn.
Theo ĐỖ MẠNH HÙNG, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội/qdnd.vn